Đau ngực khó thở là những triệu chứng rất phổ biến và có thể cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau. Các triệu chứng này là biểu hiện của những bệnh lý nào và cách khắc phục ra sao?
1. Đau ngực khó thở là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau ngực kèm theo khó thở là triệu chứng phổ biến, có thể chỉ xảy ra trong thoáng chốc, cũng có thể lặp đi lặp lại và diễn ra thường xuyên. Đây có thể chỉ là phản ứng sinh lý bình thường nhưng cũng không loại trừ khả năng là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh tim mạch, bệnh về phổi. Cụ thể:
1.1 Các bệnh lý tim mạch gây đau ngực khó thở
– Bệnh mạch vành
Trong bệnh lý mạch vành, sự tồn tại của các mảng xơ vữa khiến lòng động mạch thu hẹp, gây cản trở quá trình lưu thông của máu. Các tế bào cơ tim không được cung cấp đủ lượng máu giàu oxy cần thiết chính là nguyên nhân khiến người bệnh xuất hiện cơn đau nhói ở tim, tức ngực, khó thở.
Người mắc bệnh mạch vành còn có thể có cảm thấy đè nén ở vùng ngực, đau thắt tim. Đôi khi còn xuất hiện những cơn đau dữ đội bên ngực trái. Các cơn đau này trở nên rõ ràng, trầm trọng hơn nếu người bệnh vận động quá sức hoặc xúc động mạnh, căng thẳng, tức giận. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy khó thở khi nằm xuống.
Bệnh mạch vành không được điều trị sẽ dẫn đến các cơn nhồi máu cơ tim, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
– Bóc tách động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất và cũng là động mạch quan trọng nhất trong cơ thể. Động mạch này có vai trò vận chuyển máu từ tim đến khắp các cơ quan trong cơ thể.
Bóc tách động mạch chủ là tình trạng lớp nội mạc của động mạch chủ bị rách, khiến máu len lỏi vào các lớp bên trong. Điều này dẫn đến thiếu máu cục bộ, thậm chí gây vỡ động mạch chủ. lúc này người bệnh có thể bị suy tim cấp hoặc tử vong do thiếu máu.
Choáng váng, tức ngực khó thở, ngất xỉu là những triệu chứng điển hình của tình trạng này.
Đau ngực khó thở có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch.
1.2 Các bệnh lý về phổi
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng tức ngực, khó thở khi nằm xuống.
COPD là bệnh lý tắc nghẽn thông khí phổi kết hợp với tình trạng suy giảm thông khí mạn tính. Các nguyên nhân gây bệnh này gồm hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất và các chất ô nhiễm. Ngoài tức ngực khó thở, bệnh còn gây ho khan và ho có đờm.
Bên cạnh bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, u phổi là những bệnh lý có thể dẫn đến tức ngực khó thở.
1.3 Chứng ngưng thở lúc ngủ – Nguyên nhân gây đau ngực khó thở về đêm
Hội chứng ngưng thở lúc ngủ là rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi tình trạng ngừng thở tạm thời từng đợt trong khi ngủ. Tình trạng này có thể dẫn tới thiếu oxy máu, gây ra các triệu chứng như ngáy, đau thắt ngực, ngạt thở khi nằm.
Nhiều trường hợp người bệnh bị ngưng thở khi ngủ nhưng không cảm nhận được cơn tức ngực khó thở nhưng lại cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ cả ngày hôm sau.
Loại rối loạn giấc ngủ này nếu không được điều trị có thể dẫn tới tình trạng khó tập trung, giảm khả năng ghi nhớ, gây ra bệnh tim và chứng trầm cảm.
Các bệnh lý về phổi là một trong những nguyên nhân gây khó thở, đau ngực.
2. Khi bị đau ngực khó thở nên làm gì?
2.1 Làm gì khi xuất hiện cơn đau ngực, thở khó tức thời?
Khi xuất hiện cơn đau tức ngực, khó thở, bạn cần tạm dừng ngay các công việc đang làm lại. Sau đó hãy nên dành thời gian nghỉ ngơi, không gắng sức hay cố làm các công việc nặng.
Nếu cảm thấy đau ngực, khó thở khi tập thể dục, bạn có thể giảm cường độ vận động, thay bằng các môn thể thao hoặc những bài tập thể dục hàng ngày nhẹ nhàng hơn.
2.1 Làm gì khi khi tình trạng khó thở, tức ngực kéo dài, gây khó chịu
– Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch
Nếu đã nghỉ ngơi và thực hiện các điều chỉnh thói quen vận động mà biểu hiện đau tức ngực vẫn diễn ra thường xuyên kèm theo tình trạng khó thở, tốt nhất bạn không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Đặc biệt với những người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu,… việc thăm khám càng cần được chú trọng.
Tại chuyên khoa Tim mạch, bạn sẽ được chẩn đoán và xác định sớm nguyên nhân gây bệnh bằng các phương pháp như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp X-quang tim phổi, chụp CT động mạch vành,…. Từ đó các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị đúng đắn.
Tùy vào nguyên nhân gây tức ngực, khó thở và mức độ bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ.
– Điều trị đau ngực, khó thở do bệnh tim
Đối với những cơn đau tức ngực là được chẩn đoán nguyên nhân do các bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành, bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim thì người bệnh thường sẽ được sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống.
Các loại thuốc thường dùng như thuốc statin, thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc ức chế beta,… giúp giãn mạch, điều chỉnh nhịp tim, phòng chống nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Khi sử dụng các loại thuốc, bệnh nhân chú ý tuân thủ đơn thuốc, không tự ý thay đổi liều và loại thuốc để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị và gây tác dụng phụ không mong muốn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thay đổi lối sống để cải thiện triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn như:
– Giảm muối, cholesterol trong khẩu phần ăn
– Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi để tăng cường vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa,…
– Tập luyện đều đặn, vừa sức để tránh gây gánh nặng cho hệ tim mạch
Khi có các biểu hiện bất thường vùng ngực hay gặp khó khăn trong việc hít thở hãy thăm khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị.
Như vậy, có thể thấy tình trạng đau ngực khó thở có thể cảnh báo cho nhiều bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng này mà nghi nhờ do nguyên nhân tim mạch thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám kịp thời, tránh những vấn đề khó lường hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.