Tình trạng đau nửa đầu kéo dài thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nhiều bệnh lý nguy hiểm có thể tiềm ẩn đằng sau triệu chứng đau nửa đầu này. Cùng tìm hiểu về chứng đau nửa đầu kéo dài, thông qua những câu hỏi thường gặp sau đây.
1. Vì sao bạn bị đau nửa đầu?
Cho tới giờ người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu nhưng biết rằng nó có liên quan tới sự thay đổi của mạch máu.
Nhiều bác sĩ gọi chứng bệnh này là nhức đầu do mạch máu não. Một số hóa chất hoặc yếu tố phát khởi có thể làm cho những mạch máu này thay đổi.
Một số yếu tố phát khởi có thể khiến bạn mắc chứng đau nửa đầu gồm có:
– Rượu bia, đặc biệt là rượu vang đỏ
– Sôcôla, cà phê, phó-mát
– Một số chất bảo quản thực phẩm
– Đói
– Những chất dễ bay hơi như xăng, thuốc thơm xịt người, chất chùi rửa
– Tập thể dục, phấn khích, thư giãn hoặc mệt mỏi
– Nội tiết tố (hoóc-môn), kinh nguyệt hoặc mãn kinh
– Thuốc men
– Những yếu tố phát khởi trong môi trường xung quanh như đèn sáng hoặc đèn lập lòe, tiếng ồn, tivi, máy vi tính
Thông thường, chứng đau nửa đầu có khuôn mẫu nhất định và có thể xảy ra thỉnh thoảng hoặc thường xuyên. Nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu có khi không xác định được hoặc không biết.
Tình trạng đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
2. Chứng đau nửa đầu kéo dài có khiến cơ thể bạn bị suy nhược không?
Chứng đau nửa đầu xảy ra ở mức độ từ bị nhức đầu nhẹ tới rất nặng. Bác sĩ chẩn đoán chứng bệnh này bằng cách xem xét những kiểu dạng đặc thù, lịch sử bị chứng đau nửa đầu của người bệnh và của gia đình. Theo nghiên cứu, yếu tố di truyền có thể là một trong những nguyên nhân gây đau nửa đầu.
Đau nửa đầu kéo dài có thể làm cho một số người bị suy nhược. Đau nửa đầu có thể kéo dài từ một vài giờ đồng hồ tới mấy ngày. Phụ nữ thường bị chứng đau nửa đầu nhiều hơn so với phái nam. Theo nghiên cứu nói chung, cứ 10 người thì có 1 người bị chứng đau nửa đầu này. Tần suất và mức độ nặng nhẹ sẽ giảm khi quý vị lớn tuổi dần.
Chứng đau nửa đầu thông thường không biểu hiện bệnh tật gì sẽ ít nguy hiểm, nhưng chúng làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh. Hầu hết chứng đau nửa đầu đều do bệnh nhân tự chữa trị tại nhà và hết hẳn. Ngay cả chứng đau nửa đầu nặng cũng không gây tổn hại vĩnh viễn. Thế nhưng chứng đau nửa đầu kéo dài có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh và nếu chuyện này xảy bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được giúp đỡ.
Cần lưu ý, nếu xác định được yếu tố nào gây ra chứng đau nửa đầu thì bạn hãy cố gắng tránh nó. Hãy chia sẻ với bác sĩ những gì bạn biết và bạn cảm nhận thấy ở cơn đau nửa đầu của mình và nếu gia đình của người bị đau nửa đầu thì cũng đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ. Bởi đây có thể là những dữ liệu quan trọng để giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây đau đầu, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Tìm ra nguyên nhân gây đau đầu không phải là chuyện dễ dàng, bởi có rất nhiều loại đau đầu khác nhau (khoảng hơn 200 loại) và mỗi loại đau đầu có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu tìm đúng nguyên nhân thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Đau nửa đầu thường xuyên dễ gây mất ngủ mạn tính, kéo dài có thể gây trầm cảm, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
3. Bệnh có những triệu chứng gì?
Cơn đau nửa đầu kéo dài thường bắt đầu ở một bên này hay bên kia và có thể lan ra hết cả đầu.
Thông thường cơn đau này sẽ nặng hơn khi người bệnh chuyển động. Những triệu chứng đi kèm thường gặp gồm có buồn nôn, thấy khó chịu vì ánh sáng chói và tiếng ồn. Bạn có thể đau từng nhịp co bóp và đầu có khi cảm thấy căng hoặc bóp thắt lại. Thông thường cơn đau sẽ nặng hơn khi chuyển động.
Trước khi bị nhức đầu, một số người thấy có hiện tượng thoáng qua hoặc cảm giác dưới đây:
– Ánh sáng lung linh
– Mắt bị mờ
– Bị tê hoặc ngứa ran
– Có mùi lạ
– Buồn nôn hoặc nôn ói
4. Điều trị và dự phòng tái phát
4.1 Điều trị đau nửa đầu kéo dài
Nếu đây là lần đầu tiên bạn mắc phải chứng đau nửa đầu hoặc những cách chữa trị ở nhà không mang lại kết quả, bác sĩ sẽ thử một vài phương thức khác nhau.
Theo nguyên tắc, yếu tố “then chốt” là bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt bằng thuốc men. Nếu bị triệu chứng nhẹ và/hay bị sớm thì bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh dùng thuốc giảm đau thông thường như aspirin, ibuprofen và paracetamol cộng với thuốc chống buồn nôn như maxalon.
Nếu bị dị ứng với thuốc, người bệnh cần khai báo ngay cho bác sĩ hoặc y tá biết. Những cách điều trị mạnh hơn có thể được áp dụng trong điều trị như: phối hợp sử dụng các loại thuốc và chất lỏng truyền tĩnh mạch.
Nếu như bạn đang bị chứng đau nửa đầu tiêu biểu hoặc thông thường thì không quá lo lắng. Nhưng nếu cơn nhức đầu có những yếu tố đáng nghi ngờ thì nên đi thăm khám với bác sĩ ngay. Bởi đây có thể sẽ phải làm xét nghiệm, chụp chiếu, bởi cơn đau đầu này có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Chụp cộng hưởng từ MRI não giúp chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu, đau nửa đầu với độ chính xác cao.
4.2 Dự phòng cơn đau nửa đầu kéo dài tái phát
Cơn đau nửa đầu có thể quay lại bất cứ lúc nào, nếu như bạn không điều trị hiệu quả và kiểm soát tốt. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu cơn đau nửa đầu tái lại bạn có thể sử dụng thuốc như bác sĩ đã kê đợt khám trước, tuy nhiên cần theo dõi sức khỏe liên tục.
Nên thực hiện một số điều sau:
– Ngưng làm việc
– Nằm trong phòng tối
– Đừng đọc sách hay xem tivi
– Tránh mọi yếu tố kích thích
– Tránh uống rượu bia, trà, cà phê, nước cam và thức ăn như sôcôla, phó-mát.
5. Đau nửa đầu khi nào đáng lo ngại, cần thăm khám ngay?
– Nếu bạn cảm thấy yếu sức hoặc bị xây xẩm, bạn nên đi thăm khám sớm với bác sĩ Nội thần kinh hoặc gọi điện đến trung tâm y tế để được hỗ trợ.
– Nếu cơn nhức đầu xảy ra đột ngột hoặc bất ngờ, bạn có thể khám cấp cứu hoặc khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.
– Nếu cơn nhức đầu rất khác với chứng đau nửa đầu thường lệ, nên đi khám ngay.
– Đau đầu, đau nửa đầu có kèm những cảm giác lạ, bạn nên đi thăm khám sớm.
Bất cứ triệu chứng đáng kể nào khác có thể là do chứng đau nửa đầu nhưng cũng có thể biểu hiện những vấn đề nghiêm trọng khác. Nếu không chắc, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc. Bởi những loại thuốc an thần, thuốc giảm đau như “con dao hai lưỡi”, nếu bạn không sử dụng đúng chúng sẽ gây tác dụng ngược (không tốt cho sức khỏe của bạn). Cân nhắc thật kỹ trước khi tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.