Đau nửa đầu sau là tình trạng đau nhức đầu phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
1. Thế nào là đau nửa đầu sau?
Đây là tình trạng đau nhức ở phía sau não bộ, gần vùng cổ, vai, gáy. Cơn đau đi kèm với nhức, tê cứng gáy, hai bên vai. Nặng hơn có thể đau lan đến đỉnh đầu hoặc phần bên trên của cánh tay.
Đau nửa đầu sau có thể là bệnh mãn tính nhưng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh khác. Thông thường, cơn đau âm ỉ và dai dẳng, ban đầu ít gây nhức như đau nửa đầu trước hoặc đau đầu ở vùng thái dương.
Những cơn đau nửa đầu sau thường âm ỉ và kéo dài
Khi bị đau, cơ ở da đầu và cổ sẽ căng lên. Nhiều bệnh nhân cho biết, cảm giác da bị căng giống như có người kéo tóc giật về sau. Những cơn đau có thể xuất hiện bất ngờ hoặc xảy ra 2-3 lần mỗi tháng. Nếu cơn đau với tần suất hơn 15 lần/tháng và liên tục trong hơn 3 tháng thì khả năng cao bạn đã mắc chứng đau đầu sau mãn tính.
Nếu cơn đau xuất hiện đều đặn mỗi ngày và vào 1 thời gian nhất định trong ngày, liên tục như vậy hơn 3 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
2. Nguyên nhân đau nửa đầu sau
Nguyên nhân đau nửa đầu sau được chia thành 2 nhóm chính là nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.
– Nguyên nhân nguyên phát: Là các nguyên nhân trực tiếp gây bệnh như căng thẳng, giảm áp lực nội sọ.
– Nguyên nhân thứ phát: Là các nguyên nhân gián tiếp khiến bạn bị đau nửa đầu sau: Ngồi sai tư thế; đau thần kinh chẩm, đau đầu cụm, đau đầu vận mạch, viêm khớp, lạm dụng thuốc giảm đau…
2.1. Đau nửa đầu sau do căng thẳng
Căng thẳng do làm việc quá sức, thiếu ngủ, không uống đủ nước, bỏ bữa, vận động sai tư thế… là nguyên nhân dẫn tới đau nửa đầu sau. Các cơn đau thường tồn tại trong khoảng 30 phút đến 7 ngày.
Thông thường, các cơn đau âm ỉ, có cảm giác thắt chặt vùng sau đầu, căng cứng vai, gáy và lưng trên. Khi vận động, người bệnh không thấy đau hơn và không có triệu chứng buồn nôn hay nôn đi kèm. Khi đau nửa đầu sau, bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng hoặc âm thanh, không có cảm giác thèm ăn, hiệu suất làm việc kém do mất tập trung.
2.2. Giảm áp lực nội sọ
Dịch não tủy là một chất lỏng chảy quanh não và tủy sống. Khi chất lỏng này bị rò rỉ từ cột sống sẽ làm hạ áp suất nội sọ, gây ra chứng đau đầu phía sau. Giảm áp lực nội sọ có thể xảy ra tự nhiên hoặc là hậu quả của quá trình nắn bóp cột sống. Việc lấy dịch tủy não không cẩn thận hay do tai nạn cũng khiến dịch tủy có thể bị rò rỉ.
Dấu hiệu dễ nhận thấy khi đau nửa đầu sau vì giảm áp lực nội sọ là cơn đau nặng hơn khi ngồi thẳng lưng, đứng, di chuyển, vận động, ho hoặc hắt hơi. Ngược lại, cơn đau giảm bớt khi người bệnh nằm đầu bằng.
2.3. Đau nửa đầu sau do hoạt động sai tư thế
Ngồi làm việc sai tư thế là nguyên nhân gây đau đầu phía sau
Khi bạn ngồi sai tư thế, cổ thường phải cúi gập xuống hoặc vươn ra trước, lưng chùng xuống khiến trọng lượng cơ thể dồn lên các nhóm cơ, gây căng thẳng cho cổ, vai và lưng. Từ đó hình thành nên những cơn đau âm ỉ từ gáy rồi lan dần ra vùng đầu phía sau. Điển hình nhất cho việc sai tư thế là lướt điện thoại quá nhiều, ngồi làm việc sai tư thế. Điều này làm cho các cơn đau nửa đầu sau ngày càng nặng hơn.
2.4. Lạm dụng thuốc giảm đau
Khi đau, người bệnh thường không đi khám mà chọn sử dụng các loại thuốc giảm đau nhanh chóng. Việc lạm dụng các loại thuốc này trong một thời gian dài có thể làm các cơn đau trầm trọng thêm.
Khi thuốc hết tác dụng hoặc ngừng sử dụng thuốc, người bệnh sẽ cảm thấy các cơn đau tái phát dữ dội hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm: mệt mỏi, buồn nôn, khó chịu, bồn chồn, lo lắng, giảm trí nhớ, khó tập trung và thậm chí là trầm cảm.
2.5. Chứng đau thần kinh chẩm
Chứng đau dây thần kinh chẩm xảy ra khi các dây thần kinh từ tủy sống đến phía da đầu vùng gáy bị viêm. Những cơn đau liên tục theo từng nhịp, nhói như dao đâm, sẽ bắt đầu từ cổ và di chuyển lan dần ra vùng gáy, sau đó đi sâu vào nền sọ.
Cơn đau xuất hiện do dây thần kinh chẩm bị kích thích bởi sự căng cơ, chèn ép mạch máu hay do chấn thương ở vùng gáy và đầu. Người bệnh cảm thấy đau hơn khi cử động cổ, nghiêng đầu sang phải, trái. Đi kèm là chứng ù tai, nghẹt mũi, suy giảm thị lực. Một số bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác điện giật ở cổ và phía sau đầu.
2.6. Chứng đau đầu vận mạch
Thiếu máu não cũng có thể gây đau nửa đầu sau
Chứng đau đầu vận mạch, còn được gọi là hội chứng đau nửa đầu Migraine. Cơn đau xảy ra do sự co thắt của hệ thống mạch máu não, gây nên tình trạng thiếu máu não ở người bệnh. Do đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở đầu, trong đó có đau nửa đầu sau. Cơn đau đầu vận mạch thường dữ dội và lan rộng ra cả đầu trước. Đặc biệt tại vùng thái dương và trán.
Người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng như buồn nôn, nôn. Đặc biệt khi vận động, các cơn đau nhói lên từng nhịp. Đau từ phía sau đầu lan đến phía trước đầu, kèm hoa mắt, chóng mặt.
2.7. Chứng đau đầu cụm
Chứng đau đầu cụm khá hiếm gặp. Cơn đau xảy ra bất ngờ, đột ngột gây khó chịu cho người bệnh. Cảm giác nhức nhối dữ dội, nhói lên từng cơn, cảm giác ê buốt, sau đó giảm dần, tần suất không cố định.
Cơn đau có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng khiến người bệnh khó chịu. Đặc biệt, khi đi ngủ, những cơn đau đột ngột sẽ khiến người bệnh thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại được. Cảm giác đau nhói nặng hơn khi bệnh nhân nằm xuống. Sụp mí mắt, chảy nước mắt liên tục, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, nghẹt mũi… là những biểu hiện rõ rệt của bệnh.
2.8. Chứng đau đầu Cervicogenic
Đây là chứng đau đầu do dây thần kinh bị chèn ép, viêm cột sống cổ gây ra. Đau đầu Cervicogenic là những cơn đau đầu một bên. Cơn đau có cường độ từ vừa đến nặng, khi vận động không nhói và trầm trọng hơn. Tuy nhiên, cơn đau đầu sẽ kèm với tình trạng đau vai, cánh tay, cứng cổ.
Đau đầu Cervicogenic có thể nhói lên khi bạn nằm xuống. Lúc này áp lực đè nặng lên toàn vùng vai-cổ-gáy, đặc biệt là vùng phía sau đầu. Những người từng bị chấn thương cổ hoặc người bị viêm khớp và thoát vị cột sống cổ thường dễ mắc chứng đau đầu Cervicogenic.
2.9. Đau đầu sau chọc dò tủy sống
Chọc dò tủy sống là thủ thuật y khoa mà bác sĩ sử dụng kim tiêm trích xuất dịch não tủy tại khu vực gần cột sống thắt lưng. Sau khi thực hiện rút dịch não tủy, bệnh nhân có thể bị đau nửa đầu sau do sự thay đổi áp suất đột ngột trong khoang não tủy.
Đau nửa đầu sau kéo dài có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm như viêm màng não, đột quỵ não, chấn thương sọ não, xuất huyết hoặc các bệnh lý về đốt sống cổ… Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải những cơn đau nhức ở phía sau đầu, hãy đến khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.