Triệu chứng đau nửa đầu thường xuyên có thể gặp ở nhiều người, có trường hợp không mấy nguy hiểm nhưng cũng có nhiều trường hợp tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm về thần kinh, tuần hoàn máu, não bộ. Cùng tìm hiểu đau nửa đầu thường xuyên có thể tiềm ẩn những bệnh lý nguy hiểm gì và khi nào bạn nên đi khám?
1. Đau nửa đầu thường xuyên do bệnh nguy hiểm
1.1 Tai biến mạch máu não gây đau nửa đầu thường xuyên
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ (đột quỵ não). Đây là bệnh lý hệ thần kinh vô cùng nguy hiểm, không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà cả những người trẻ tuổi cũng dễ mắc phải.
Tình trạng thiếu máu lên não lâu ngày do các nguyên nhân như xơ vữa thành mạch máu, cục máu đông, stress căng thẳng kéo dài,… có thể dẫn tới cơn đau nửa đầu thường xuyên. Đặc biệt, khi đau thường kèm theo nôn mửa, thay đổi ý thức, suy giảm thị lực, suy giảm khả năng ngôn ngữ, mất khả năng giữ thăng bằng, tê bì mặt, các chi hoặc nửa người (bên trái hoặc bên phải),… Đây là những dấu hiệu cảnh báo triệu chứng đau nửa đầu có thể do bệnh lý tai biến mạch máu não gây ra.
Nếu không được xử trí kịp thời và hiệu quả, tai biến mạch máu não sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề thậm chí đe dọa đến tính mạng – Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não lên tới 50%, số bệnh nhân may mắn vượt qua “cửa tử” do tai biến phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề như: liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức, rối loạn cơ vòng khiến người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ, trầm cảm,…
Vì vậy, khi có biểu hiện đau nửa đầu thường xuyên kèm các triệu chứng nghi ngờ trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám với bác sĩ.
1.2 Có khối u não chèn ép gây đau nửa đầu thường xuyên
Khối u trong não dù không phổ biến nhưng đây là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện cơn đau nửa đầu thường xuyên. Theo nghiên cứu, có tới hơn 50% số người có khối u trong não gặp phải tình trạng đau đầu hoặc đau nửa đầu dai dẳng kéo dài nhiều tháng không khỏi. Cơn đau đầu do u não thường xuất hiện vào lúc nửa đêm về sáng, cơn đau tăng dần mức độ có thể từ âm ỉ đến dữ dội. Trong cơn đau còn kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt, sợ ánh sáng, giảm thị lực (mắt nhìn mờ hoặc nhìn đôi, nhìn thấy vật thể lạ),…
Đau đầu do u não thường không có biểu hiện hoặc biểu hiện rất mờ nhạt ở giai đoạn đầu khi mà khối u còn rất nhỏ. Khi khối u não lớn dần, chúng chèn ép các tế bào não và các mô, mạch máu lân cận thì các triệu chứng ngày càng rõ rệt hơn và triệu chứng đau đầu cũng được cảm nhận rõ hơn. Ở giai đoạn muộn, bệnh có thể kèm theo nhiều triệu chứng và diễn biến khó lường. Người bệnh cần chụp cắt lớp vi tính não (CT scanner não) hoặc chụp cộng hưởng từ não (MRI não) để chẩn đoán chính xác bệnh.
Khối u trong não sẽ phát triển, gây chèn ép dây thần kinh và các tế bào não lân cận gây hiện tượng đau đầu, đau nửa đầu âm ỉ kéo dài.
1.3 Nhiễm trùng não – màng não
Nếu bạn thấy xuất hiện cơn đau nửa đầu liên tục, có cảm giác cứng gáy, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, kèm theo sốt hoặc nhiễm trùng thì coi chừng đây có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng não – màng não.
Để chẩn đoán đau nửa đầu có phải do nhiễm trùng não – màng não hay không, các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm và chẩn đoán cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chọc dò dịch não tủy để xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI sọ não),…
1.4 Di chứng sau chấn thương hoặc tai nạn
Nhiều người sau khi trải qua cơn tai nạn, chấn thương có va đập vùng đầu thường xuyên bị đau nửa đầu bên vùng bị chấn thương. Điều này là do sự co thắt bất thường mạch máu não sau khi vùng đầu bị chấn thương.
Nguyên nhân có thể do tổn thương tại vùng mạch máu bị chấn thương, thiếu máu nuôi dưỡng, máu tụ (cục máu đông) cản trở dòng máu lưu thông lên não. Cơn đau đầu này thường có biểu hiện như mức độ đau tăng dần, thường kèm nôn,…
Khi có biểu này, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh chụp CT scan hoặc MRI sọ não để chẩn đoán chính xác và đánh giá mức độ tổn thương. Các biện pháp nội khoa sẽ được ưu tiên áp dụng, nếu không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để bơm rửa, dẫn lưu huyết tụ và giải phóng chèn ép thần kinh.
Sau chấn thương hoặc tai nạn va đập vùng đầu có thể gây đau đầu, đau nửa đầu kéo dài hoặc dữ dội.
1.5 U tuyến yên, đột quỵ tuyến yên
Tuyến yên chiếm một vị trí rất nhỏ trong não (nằm ở hố yên trong não) và có kích thước chỉ bằng một hạt đậu. Tuy nhiên, đây là tuyến vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát các bộ phận khác của hệ thống nội tiết.
Nếu tuyến yên có u, viêm nhiễm làm tăng áp lực nội sọ, gây tình trạng đau đầu – đau nửa đầu âm ỉ kéo dài, nói khó, giảm thị lực,…. Nguy hiểm hơn, sự chảy máu ở tuyến yên có thể dẫn tới đột quỵ tuyến yên – một dạng đột quỵ não gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không nên để tình trạng đau nửa đầu kéo dài, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán chính xác, loại trừ các bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu đau nửa đầu thường xuyên do các bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, thì việc thăm khám sớm sẽ giúp bạn phát hiện sớm, có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Khi có biểu hiện đau đầu hoặc đau nửa đầu không nên chủ quan, hãy đi thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.
U tuyến yên, đột quỵ tuyến yên có thể gây đau đầu, đau nửa đầu.
2. Đau nửa đầu thường xuyên không do bệnh lý
Có một số nguyên nhân gây đau nửa đầu thường xuyên không do bệnh lý, mà bạn cần lưu ý để có biện pháp từ bỏ hoặc hạn chế như:
– Thường xuyên lo âu, căng thẳng, stress.
– Cơ thể thiếu nước cũng dễ gây thiếu máu và oxy lên não, dẫn tới đau đầu – đau nửa đầu.
– Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, thời kỳ mang thai và sau sinh.
– Sự thay đổi giờ giấc, thói quen sinh hoạt.
– Lạm dụng cafe, bia, rượu, các chất kích thích.
– Môi trường sống ồn ào, bị ô nhiễm, …
Đau đầu do các nguyên nhân này thường không quá nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng bạn cần thay đổi sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.