Ung thư hắc tố có lẽ không phải là một cái tên mà bạn sẽ thấy quen thuộc. Tuy nhiên, đây lại là một bệnh về da vô cùng nguy hiểm và thường gặp ở phụ nữ. Vậy có cách nào để nhận biết sớm được các dấu hiệu ung thư hắc tố hay không?
1. Ung thư hắc tố là gì?
Ung thư hắc tố còn được gọi là ung thư hắc tố da hay ung thư sắc tố. Đây là loại nghiêm trọng nhất trong số các bệnh ung thư da. Bệnh thường xuất phát từ các tế bào sản xuất melanin, được biết đến như một loại sắc tố có thể quyết định màu sắc của da.
Cho tới nay, nguyên nhân gây ra ung thư da hắc tố vẫn chưa được xác định chính xác. Một số thói quen thường ngày như phơi nắng hay tắm nắng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư hắc tố. Nguyên nhân là vì cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, trong đó có một lượng lớn các tia cực tím gây tổn thương da.
Đối tượng mắc ung thư da hắc tố thường là những người trẻ, dưới 40 tuổi. Tỉ lệ mắc phải ung thư hắc tố ở nữ giới cao hơn so với nam giới.
Tiên lượng sống của người mắc ung thư da hắc tố
Tiên lượng sống được xác định bằng tỉ lệ bệnh nhân sống sót sau 5 năm tính từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của ung thư mà tỉ lệ này sẽ có sự chênh lệch, cụ thể:
– Giai đoạn khu trú: 99%
– Giai đoạn di căn gần: 66%
– Giai đoạn di căn xa: 27%
2. Nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư hắc tố
Những vùng da thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, tay, chân, lưng chính là vị trí dễ phát triển tế bào ung thư hắc tố. Vì vậy, các triệu chứng sớm nhất của ung thư da hắc tố cũng được biểu hiện trên những vị trí này.
Bên cạnh đó, dấu hiệu ung thư hắc tố cũng có thể xuất hiện ở những vị trí ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nếu người bệnh có màu da tối. Các vị trí đó là kẽ móng tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân và da đầu.
Dưới đây là các dấu hiệu của ung thư da hắc tố ở giai đoạn sớm mà bạn nên chú ý:
– Nốt ruồi trên cơ thể bị thay đổi màu sắc, hình dạng và kích thước
– Nốt ruồi dần sẫm màu, bị loét sùi, không đối xứng
– Một số đốm, mảng da có màu lạ đột ngột xuất hiện và lan ra
– Da ngứa hoặc bị chảy máu
– Đặc biệt, ung thư hắc tố xuất hiện ở mắt sẽ làm thay đổi thị lực người bệnh
Tình trạng nốt ruồi trên người có thể cho biết da bạn có đang khỏe mạnh không
3. Chẩn đoán ung thư da hắc tố như thế nào?
Để chẩn đoán một người có mắc ung thư da hắc tố hay không, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bao gồm:
3.1. Khám lâm sàng và kiểm tra các dấu hiệu ung thư hắc tố
Bác sĩ hỏi thăm các thông tin về tiền sử bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh và gia đình. Đồng thời, bác sĩ cũng quan sát và dùng kính soi da để tìm ra sự tồn tại của các dấu hiệu cảnh báo ung thư.
3.2. Làm sinh thiết da
Sinh thiết da là cách làm giúp xác định chính xác mẫu da nghi ngờ có phải là ung thư hắc tố hay không. Mẫu da đã thu thập từ cơ thể người bệnh sẽ được gửi đi phân tích ở phòng thí nghiệm.
Khi đã xác định được người bệnh mắc ung thư hay không, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để xác định giai đoạn bệnh cụ thể là gì.
Nếu nghi ngờ vùng da nào đó bị ung thư hắc tố, bệnh nhân có thể được chỉ định sinh thiết
3.3. Xác định độ dày của khối u hắc tố
Độ dày của khối u hắc tố sẽ giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với bệnh nhân. Để xác định và kết luận được về độ dày, khối u sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi và đo bằng công cụ đặc biệt.
Theo đó, khối u có độ dày càng lớn thì càng nguy hiểm và có thể xảy ra di căn. Lúc này, một số xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện để bác sĩ nắm được mức độ di căn cụ thể. Nếu khối u đã xâm lấn các hạch bạch huyết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm sinh thiết hạch giữ cửa.
Độ dày khối u da được xác định khi quan sát dưới kính hiển vi
3.4. Một số chẩn đoán xác định ung thư hắc tố khác
Với những bệnh nhân ung thư hắc tố có dấu hiệu nghi ngờ di căn, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang, chụp CT (cắt lớp vi tính), chụp PET (chụp cắt lớp positron) sẽ được thực hiện để xác định mức độ xâm lấn của khối u.
4. Một số biện pháp phòng ngừa ung thư da hắc tố
Để chủ động phòng ngừa ung thư hắc tố, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời giữa trưa nắng (từ 11h – 14h): Hạn chế vận động cũng như tổ chức các hoạt động ngoài trời vào thời điểm ánh nắng chiếu mạnh là biện pháp hiệu quả nhất giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư da hắc tố.
– Sử dụng kem chống nắng nếu phải ra ngoài trời: Tuy không thể bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ ánh nắng mặt trời, nhất là tia UV một cách tuyệt đối nhưng bôi kem chống nắng khi hoạt động ngoài trời vẫn là một biện pháp không nên bỏ qua. Vì vậy, hãy sử dụng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở nên được bác sĩ khuyên dùng.
– Che chắn da cẩn thận, mặc quần áo dài tay và đeo kính chống nắng khi ra ngoài.
Mong là qua những thông tin trên đây, bạn có thể chủ động chăm sóc da hàng ngày và chú ý đến những thay đổi bất thường ở da để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.