Dị dạng mạch vành là những những khiếm khuyết ở động mạch vành do bẩm sinh hoặc bệnh lý. Dù do nguyên nhân nào, dị dạng mạch máu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cung cấp máu tới tim, não và toàn cơ thể.
1. Dị dạng mạch vành là gì?
Dị dạng mạch vành là khái niệm chỉ chung các khiếm khuyết ở động mạch vành – mạch máu chính nuôi cơ tim.
Vậy, bình thường, động mạch vành có cấu tạo và chức năng như thế nào?
Hệ thống động mạch vành gồm 3 phần: động mạch vành phải, động mạch liên thất trước và động mạch mũ. Chúng đều xuất phát từ động mạch chủ, đi qua các xoang Valsalva và chạy trên bề mặt tim.
Các động mạch này sẽ được chia thành nhiều nhánh động mạch nhỏ hơn, mang máu giàu oxy từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng tim.
Do vậy, bất cứ bất thường nào về hình dạng, cấu trúc, kích thước ở hệ thống động mạch đều có thể làm giảm lưu lượng máu, chất lượng dòng máu nuôi dưỡng tim. Đây là nguyên nhân gây ra những cơn đau tim hoặc tử vong.
Những khiếm khuyết của động mạch vành có thể khiến mạch vành bị dị dạng
2. Dị dạng mạch vành do đâu?
Theo các chuyên gia, mạch vành bị dị dạng thường do các nguyên nhân sau là:
Do bẩm sinh: Cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, tim và hệ thống động mạch cũng cần quá trình hình thành và hoàn thiện. Quá trình này thường hoàn thành sau 8 tuần mang thai với qua nhiều giai đoạn. Bất cứ “lỗi” nhỏ nào khiến các giai đoạn này bị sai lệch đều có thể gây nên những khuyết tật.
Do các dạng bẩm sinh khác; chuyển vị các động mạch lớn, tứ chứng Fallot, hẹp van phổi, động mạch phổi…
Do các loại bệnh lý: Nhiều người sinh ra với một trái tim và hệ động mạch khỏe mạnh, bình thường. Nhưng qua thời gian, cùng với những tác động của môi trường, các loại bệnh lý khiến hoạt động của hệ tim mạch bị ảnh hưởng, gây nên những biến dạng.
3. Triệu chứng ở người bị dị dạng động mạch vành
Triệu chứng của bệnh dị dạng động mạch vành rất đa dạng. Thông thường, chỉ có một vài loại dị dạng động mạch vành gây ra các triệu chứng.
Ở một số người, các triệu chứng có thể xuất hiện từ khi còn nhỏ. Các triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh và một số trẻ em bị khiếm khuyết này là:
– Khả năng hô hấp kém
– Da xanh xao, tái nhợt
– Ăn ít, tiêu hóa kém
– Trẻ thường đổ mồ hôi
Trong khi đó, một số người bị dị dạng mạch vành lại không hề có triệu chứng cho đến khi trưởng thành. Các triệu chứng của dị dạng động mạch vành ở người trưởng thành thường xảy ra khi hoạt động với cường độ cao, khi gắng sức, thậm chí cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Phổ biến nhất là:
– Khó thở
– Mệt mỏi
– Đau ngực
– Choáng, ngất xỉu
– Đột tử
Trong đó đột tử do tim hay ngừng tim đột ngột là triệu chứng nguy hiểm nhất. Hiện tượng này xảy ra do động mạch vành dị dạng bị chèn ép bởi các động mạch lớn hơn. Điều này khiến lượng máu đến tim giảm, dẫn đến tử vong đột ngột.
Trên thực tế rất nhiều người không biết họ mắc bệnh này, cho đến khi đột tử tim. Thực tế cho thấy, khoảng 15-34% những người trẻ bị chết tim đột ngột. Sau đó họ mới được phát hiện mắc dị dạng động mạch vành.
Như vậy, dị dạng mạch máu không chỉ đơn thuần là những dị thường của mạch máu mà tiềm ẩn rất nhiều mối nguy cho sức khỏe.
Nếu may mắn được “cảnh báo” bằng những triệu chứng dù là rất nhỏ, bạn đừng nên bỏ qua. Và ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường nào, bạn vẫn nên duy trì việc thăm khám định kỳ. Mục đích là phát hiện sớm dị dạng mạch máu bằng những xét nghiệm chính xác.
Những người bị dị dạng mạch vành có thể cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi gắng sức
4. Chẩn đoán dị dạng động mạch vành bằng cách nào?
Tại chuyên khoa tim mạch của cơ sở y tế uy tín, bệnh thường được chẩn đoán qua các bước sau:
– Hỏi bệnh sử: nắm được các triệu chứng nếu có, cùng với các bệnh lý liên quan
– Các xét nghiệm: điện tâm đồ, Hortel theo dõi mạch, huyết áp,…
– Các chẩn đoán hình ảnh:
Siêu âm tim: cho thấy hình ảnh chuyển động của tim và van tim.
Chụp X-quang ngực: tái hiện hình ảnh tim và phổi, cho thấy những thay đổi trong phổi do lưu lượng máu tăng thêm.
Điện tâm đồ: ghi lại những bất thường của nhịp tim, qua đó giúp phát hiện căng thẳng do cơ tim giãn hoặc mở rộng.
Chụp cắt lớp vi tính tim: cung cấp hình ảnh chi tiết của các mạch máu.
Chụp mạch cộng hưởng từ tim: phương pháp hiện đại giúp đánh giá lưu lượng máu qua các động mạch của tim.
5. Điều trị các dị dạng ở mạch vành
Dựa trên những chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị dị dạng động mạch vành phù hợp tùy vào:
– Độ tuổi
– Tình trạng sức khỏe
– Tiền sử bệnh
– Mức độ bệnh
– Lối sống của bệnh nhân
5.1. Điều trị dị dạng mạch vành bằng thuốc
Nếu bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị như:
– Thuốc chẹn beta: có tác dụng làm chậm nhịp tim
– Thuốc lợi tiểu: được sử dụng nhằm loại bỏ lượng nước thừa ra khỏi cơ thể. Nhờ đó làm giảm công suất hoạt động co bóp của tim
– Thuốc chống loạn nhịp: giúp điều chỉnh nhịp tim, ổn định huyết áp…
– Liệu pháp oxy: trong một số trường hợp được áp dụng nhằm tăng lượng máu giàu oxy đến tim.
Bệnh dị dạng động mạch vành thường được chẩn đoán chính xác nhờ các thiết bị hiện đại
5.2. Phẫu thuật
Nếu mức độ dị dạng nhiều, ở những vị trí quan trọng, bác sĩ có thể phải sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật khác nhau để sửa chữa dị dạng động mạch vành. Hình thức phẫu thuật sẽ được chỉ định tùy vào loại dị dạng cụ thể của từng bệnh nhân.
5.3. Những lưu ý đối với bệnh nhân dị dạng mạch vành
– Vận động ở mức độ vừa phải
– Tránh tập luyện với cường độ quá cao
– Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho tim mạch
– Tái khám theo định kỳ để theo dõi sự thay đổi của động mạch vành
Việc phát hiện sớm và kiểm soát các dị dạng ở mạch vành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, trong đó có đột quỵ. Bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, nơi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu và hệ thống thiết bị hiện đại sẽ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.
Hi vọng những thông tin trên đây đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về bệnh mạch vành này. Từ đó nâng cao ý thức và hành động tự bảo vệ mình trước căn bệnh này. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ để được tư vấn chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.