Ung thư máu có thể xảy ra ở bất cứ ai, trong đó trẻ em là đối tượng khó điều trị hơn cả vì sức đề kháng kém hơn người lớn. Vì vậy, để có thể tối ưu hiệu quả điều trị thì chúng ta cần nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em.
1. Ung thư máu ở trẻ em là gì?
Ung thư máu là tình trạng các tế bào bạch cầu trong tủy xương tăng lên một cách mất kiểm soát và di chuyển vào máu, làm cản trở hoạt động của các tế bào bình thường. Điều này sẽ dẫn tới việc cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc một số bệnh khác.
Ung thư máu bao gồm 3 loại: bệnh bạch cầu, bệnh ung thư hạch bạch huyết và bệnh đa u tủy xương. Trong đó, loại ung thư máu phổ biến ở trẻ em nhất chính là bệnh bạch cầu.
Điều trị ung thư máu ở trẻ em được đánh giá là khá khó khăn, tuy nhiên phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị thành công.
2. Các dạng ung thư máu ở trẻ em
Ung thư máu ở trẻ em là bệnh cấp tính vì thường phát triển rất nhanh, bao gồm 6 dạng sau:
– Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính: Có tới 3/4 số trẻ em mắc bệnh bạch cầu được chẩn đoán bạch cầu dòng lympho cấp tính.
– Bệnh bạch cầu tủy cấp tính: Liên quan đến các tổn thương ung thư của tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.
– Bệnh bạch cầu hỗn hợp: Là dạng bệnh bạch cầu hiếm gặp, có đặc điểm của cả bạch cầu dòng lympho cấp tính và bạch cầu dòng tủy cấp tính.
– Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính: Là dạng mạn tính và hiếm gặp. Xảy ra do sự tăng sinh bất thường của các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong tủy xương.
– Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính: Là dạng đặc biệt hiếm gặp, ảnh hưởng trực tiếp đến tủy xương.
– Bệnh bạch cầu tủy bào thiếu niên: Là dạng hiếm gặp ở trẻ, liên quan đến sự biến đổi DNA của một loại tế bào gốc trong tủy xương.
3. Nhận biết các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em
3.1. Thiếu máu
Sự tăng lên của tế bào bạch cầu sẽ làm cho cơ thể thiếu hụt hồng cầu, gây ra tình trạng thiếu máu. Lúc này, trẻ em sẽ có thể gặp phải một số triệu chứng như sức khỏe kém, chóng mặt, đau đầu, người mỏi mệt, khó thở, da nhợt nhạt hoặc cảm thấy lạnh bất thường.
3.2. Bị nhiễm trùng liên tục
Tế bào bạch cầu khỏe mạnh có chức năng bảo vệ cơ thể và chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi mắc ung thư máu, số lượng tế bào bạch cầu tuy tăng lên những lại là những tế bào bất thường và gây hại cho cơ thể. Do đó, trẻ mắc ung thư máu rất dễ bị nhiễm trùng và nhiễm trùng nhiều lần mà không thể trị dứt điểm.
3.3. Dễ bị chảy máu và bầm tím
Nếu để ý thấy cơ thể trẻ dễ xuất hiện các vết bầm tím, thường xuyên bị chảy máu nướu hoặc chảy máu mũi nghiêm trọng thì hãy cảnh giác. Đây có thể là dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em, bởi lúc này lượng tiểu cầu trong cơ thể không đủ để làm đông máu.
Bệnh bạch cầu có thể khiến trẻ bị chảy máu ở một số vị trí như mũi hoặc nướu
3.4. Đau xương hoặc đau khớp
Trẻ em có nguy cơ mắc ung thư máu nếu thường xuyên cảm thấy đau nhức ở xương hoặc các khớp. Nguyên nhân là khi mắc bệnh, các tế bào bất thường có thể tồn tại và phát triển trong khớp hoặc ở gần bề mặt của xương rồi gây ra đau nhức.
3.5. Một số bộ phận bị sưng
Ung thư máu ở trẻ em cũng có thể dẫn đến tình trạng sưng ở một số bộ phận khác nhau trên cơ thể, điển hình như:
– Bụng
– Mặt và cánh tay
– Các hạch bạch huyết: Sưng thành u nhỏ ở hai bên cổ, dưới nách, trên xương đòn.
3.6. Ăn không ngon, dạ dày đau và bị sút cân
Nếu các tế bào ung thư máu khiến gan, thận và lá lách bị sưng thì các cơ quan này sẽ chèn ép lên dạ dày. Do đó, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, đầy bụng, ăn không tiêu và dẫn đến sút cân.
Hãy đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ đau bụng và sút cân không rõ nguyên nhân
3.7. Ho và khó thở
Bệnh bạch cầu làm ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết và một số bộ phận ở gần phổi và ngực. Khi các khu vực này sưng lên, khí quản của trẻ sẽ phải chịu áp lực làm cho trẻ có cảm giác khó thở.
Ngoài ra, nếu các tế bào bạch cầu bất thường tập trung nhiều trong các mạch máu nhỏ của phổi, trẻ cũng sẽ bị ho và cảm thấy khó thở. Đây là một dấu hiệu khá nguy hiểm nên hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu xảy ra tình trạng này.
3.8. Đau đầu, nôn mửa và co giật
Trong trường hợp bệnh bạch cầu gây ảnh hưởng đến não hoặc tủy sống, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn và nôn, co giật, khó tập trung, khó giữ thăng bằng,…
3.9. Phát ban trên da
Ung thư máu khi lan đến da có thể khiến da trẻ nổi những đốm nhỏ sẫm màu, trông giống phát ban. Ngay cả những vết bầm tím và hiện tượng chảy máu khi bị bệnh bạch cầu cũng có thể khiến da trẻ xuất hiện nhiều đốm nhỏ như phát ban.
Bệnh bạch cầu cũng có thể gây ra tình trạng phát ban đỏ trên da trẻ em
3.10. Kiệt sức
Trong một số trường hợp ung thư máu hiếm gặp, trẻ có thể bị kiệt sức nghiêm trọng, thậm chí không thể phát âm rõ ràng. Nguyên nhân là vì các tế bào bạch cầu tích tụ quá nhiều trong máu, làm thể tích máu tăng và khó lưu thông lên não.
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em như đã đề cập trên đây, bố mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay để có thể làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.