Có nhiều người không khỏi thắc mắc rằng tại sao có những người cũng bị polyp túi mật như mình nhưng họ chỉ cần theo dõi và thăm khám định kỳ với bác sĩ còn mình thì phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ túi mật. Vậy bị Polyp túi mật thì khi nào cần cắt bỏ và phương pháp điều trị polyp túi mật cụ thể là như thế nào? Để hiểu hơn về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Làm thế nào để phát hiện được Polyp túi mật?
Siêu âm ổ bụng
siêu âm ổ bụng là phương pháp đang được sử dụng phổ biến để giúp chẩn đoán và phát hiện polyp túi mật. (ảnh minh họa)
Hiện nay phương pháp thường được sử dụng để phát hiện polyp túi mật nhất, đó là siêu âm ổ bụng. Các hình ảnh túi mật thu được qua màn hình siêu âm giúp tầm soát và phát hiện được các bệnh lý sỏi túi mật, polyp túi mật. Hình ảnh Polyp túi mật trên siêu âm là hình tăng âm (chiếm đến 95%), không có bóng cản, khác với sỏi túi mật là hình tăng âm có bóng cản). Hình ảnh tăng âm này không di động khi thay đổi tư thế và nằm bám trên bề mặt của niêm mạc túi mật.
Siêu âm ổ bụng cho phép xác định được polyp, vị trí của polyp, kích thước và hình dạng polyp túi mật (có cuống hay không có cuống). Ngoài ra còn giúp theo dõi sự tiến triển của các polyp này để từ đó có biện pháp xử trí sao cho phù hợp. Ngoài ra, siêu âm ổ bụng còn giúp đánh giá các thương tổn khác ở gan và các cơ quan khác trong ổ bụng.
Chụp đường mật cản quang
Polyp túi mật thể hiện là một hình khuyết cản quang ở túi mật đã ngấm thuốc.
Chụp đường mật ngược dòng qua nội soi
Ít dùng và thường chỉ định khi siêu âm đường mật thất bại.
Chụp CT-scanner hay MSCT Scanner
Được chỉ định trong các trường hợp polyp to có nguy có ác tính được nghi ngờ qua siêu âm ổ bụng. Hình ảnh tổn thương polyp trong chụp cắt lớp là khối tăng tỷ trọng lồi ra trong lòng túi mật.
Chụp cộng hưởng từ – MRI
Chỉ định khi tổn thương polyp nghi ngờ ác tính. Trên phim MRI polyp là khối tăng tín hiệu ở thì T2.
Sinh hóa
Đánh giá chức năng gan thận, test virus viêm gan (HCV, HbsAg,…), miễn dịch u (CEA, CA 19-9)
Polyp túi mật khi nào thì cần cắt bỏ?
Không phải cứ mắc polyp túi mật là cần cắt bỏ, chỉ nên cắt bỏ những polyp có kích thước lớn hơn 1cm và nghi ngờ chúng có khả năng gây ung thư túi mật. (ảnh minh họa)
Không phải cứ phát hiện polyp túi mật là cần phải thực hiện cắt bỏ. 92% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật. Vì túi mật là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do vậy không thể tùy tiện tiến hành cắt bỏ khi chưa có chỉ định.
- Đối với các polyp nhỏ dưới 1cm (hoặc dưới 1,5cm) có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng mà không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
- Polyp lớn hơn 1cm có khả năng tiến triển thành ung thư, đặc biệt là những polyp lớn hơn 1,5cm, do đó, cắt bỏ túi mật có thể được đề nghị để ngăn chặn sự phát triển ung thư túi mật.
Theo các bác sĩ khi thực hiện kiểm tra polyp túi mật nếu thấy các hình ành có tính chất gợi ý tính ác tính, nghĩa là khi thấy polyp có chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh. Khi đó phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật. Nếu nghi ngờ polyp túi mật phát hiện qua siêu âm mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau sốt… thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay 1 năm để khẳng định.
Phương pháp điều trị Polyp túi mật?
Phẫu thuật nối soi cắt túi mật là một trong những phương pháp đang được áp dụng để điều trị polyp túi mật tại nhiều bệnh viện uy tín trong đó có Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc. (ảnh minh họa)
Hiện nay phương pháp điều trị Polyp túi mật chủ yếu là phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật. Cắt túi mật nội soi là một trong những phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng, ít để lại biến chứng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.