Rối loạn nhịp tim nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những nguy cơ đột tử rất cao cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Hiện nay, điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc đang là phương pháp chủ yếu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc để điều chỉnh nhịp tim không hề đơn giản, người bệnh cần hết sức lưu ý để có thể sử dụng các loại thuốc này một cách hiệu quả và an toàn.
1. Mục đích của việc điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc là phương pháp được ưu tiên đối với các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Nếu không hiệu quả mới xét các biện pháp can thiệp lên tim vì các biện pháp này có thể gây biến chứng hoặc tái phát. Mục đích của việc sử dụng thuốc trong thời gian dài là để điều chỉnh rối loạn xung điện và phục hồi nhịp tim bình thường theo cơ chế sau:
– Ngăn chặn tình trạng nhịp tim tự động bất thường
– Kéo dài thời gian trơ của tim và tăng thời gian phục hồi cơ tim
– Điều chỉnh tốc độ của dẫn truyền xung điện trong tim
Điều trị rối loạn nhịp bằng thuốc là phương pháp được ưu tiên hiện nay.
2. Các loại thuốc thường sử dụng trong điều trị rối loạn nhịp
Với mỗi cơ chế nêu trên sẽ có các loại thuốc khác nhau phù hợp. Cụ thể:
2.1 Điều trị rối loạn nhịp tim bằng nhóm thuốc chống loạn nhịp
Tác dụng của nhóm thuốc này là kéo dài thời gian trơ của tim, ngăn chặn tình trạng nhịp tim tự động bất thường. Các loại thuốc thuộc nhóm này thường được sử dụng gồm: Dronedaron, sotalol, amiodaron, propafenon,…
2.2 Điều trị rối loạn nhịp tim bằng nhóm thuốc chẹn beta
Các loại thuốc phổ biến thuộc nhóm này gồm: Atenolol, metoprolol, bisopropol,…
Chúng có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim, nhờ đó giảm gánh nặng hoạt động cho tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất,…
2.3 Điều trị rối loạn nhịp tim bằng nhóm thuốc chẹn kênh canxi
Nhóm thuốc này gồm các thuốc: Diltiazem, Verapamil,… có tác dụng làm giãn mạch, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
Ngoài ra, bạn có thể cần sử dụng các loại thuốc điều trị tốt các bệnh lý nền: như bệnh xơ vữa mạch, mỡ máu cao, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tuyến giáp…
Các thuốc phụ trợ khác có thể tam khảo như: Digoxin (một glycoside tim giúp tăng sức co bóp cơ tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất), Adenosine (giúp giãn mạch và làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất).
Các loại thuốc chống rối loạn nhịp có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim, ngăn chặn tình trạng nhịp tim tự động bất thường.
3. Những lưu ý khi điều trị các rối loạn nhịp bằng thuốc
3.1 Tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc
Nhìn chung, thuốc điều trị các loại rối loạn nhịp tim đều cần được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Vì hầu hết các loại thuốc đều ít hay nhiều có các phản ứng phụ. Tùy vào tình trạng sức khỏe thực tế mà đôi khi người bệnh có thể dùng được loại thuốc này mà không thể sử dụng loại thuốc khác.
Các phản ứng phụ của thuốc điều trị rối loạn nhịp bao gồm:
– Tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng hơn
– Sưng phù chân
– Dị ứng thuốc
– Sạm da do nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
– Mắt mờ
– Khiến bệnh nhân cảm thấy chán ăn, ăn mất cảm giác ngon
– Táo bón, tiêu chảy,…
Việc thăm khám kỹ lưỡng và có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh sử dụng thuốc hiệu quả và hạn chế tối đa những tác dụng phụ. Khi đã được chỉ định đơn thuốc, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ, không tự ý đổi loại thuốc, tăng hoặc giảm liều hay tự ý ngưng thuốc vì sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
3.2 Kết hợp dùng thuốc với điều chỉnh lối sống
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần nhớ rằng chế độ ăn uống, sinh hoạt rất quan trọng đối với quá trình điều trị. Những thói quen sinh hoạt phù hợp không chỉ giúp hạn chế những diễn tiến xấu của rối loạn nhịp tim mà còn tốt cho hệ tim mạch và sức khỏe nói chung.
Các thói quen sinh hoạt lành mạnh cần duy trì gồm:
– Thường xuyên ăn thực phẩm tốt cho tim như chất béo có lợi, trái cây, rau và ngũ cốc. Hạn chế thực phẩm nhiều muối.
– Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày. Các bài tập và cường độ tập luyện bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn lựa phù hợp với sức khỏe.
– Hạn chế hoặc bỏ hẳn uống rượu, hút thuốc và các chất kích thích khác.
– Duy trì cân nặng ổn định, giảm cân nếu cần thiết
– Nếu đang bị bệnh mỡ máu, tăng huyết áp thì cần theo dõi và kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp ổn định bằng cách tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Để việc điều trị các rối loạn nhịp tim đạt hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ đúng đơn thuốc của bác sĩ kết hợp thay đổi lối sống.
3.3 Thận trọng khi sử dụng các sản phẩm hỗ trợ
Bên cạnh các loại thuốc Tây, một số người bệnh còn tìm đến các sản phẩm đông y, các mẹo dân gian để trị bệnh. Tuy nhiên, các sản phẩm hay phương pháp này thường chưa được kiểm chứng và có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng sai cách. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các phương pháp này.
Tóm lại, muốn điều trị rối loạn nhịp tim một cách an toàn và bền vững, người bệnh cần đi khám để kiểm tra nguyên nhân và mức độ bệnh của mình và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Quá trình điều trị bằng thuốc đòi hỏi người bệnh phải hết sức kiên trì và nghiêm túc mới đem lại hiệu quả tích cực. Khi điều trị bệnh, duy trì thăm khám định kỳ để đánh giá hiệu quả và điều chình phác đồ nếu cần thiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.