Điều trị viêm gan B khi nào và như thế nào là vấn đề nhiều bệnh nhân thắc mắc, sau khi được chẩn đoán dương tính HBsAg.
1. Viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm gây ra do virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của gan và có thể nguy cơ gây nhiễm trùng gan. Hiện nay, virus viêm gan B là mối đe dọa lớn cho sức khỏe toàn cầu.
Viêm gan B mạn là nguyên nhân dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan. Đối với một số trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc người lớn, điều trị viêm gan B sẽ không thể khỏi hoàn toàn.
Có trường hợp nhiễm HBV cần điều trị nhưng cũng có trường hợp chỉ cần theo dõi
2. Viêm gan B lây qua đâu?
Cũng như virus HIV, virus viêm gan B chủ yếu lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Tuy nhiên, virus viêm gan B lây nhiễm cao gấp 100 lần virus HIV. 3 con đường lây nhiễm bệnh cần lưu ý là:
– Lây từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai nếu bị viêm gan B có thể lây bệnh sang con. Tùy vào từng giai đoạn thai kỳ mà tỷ lệ lây nhiễm sẽ khác nhau.
– Lây qua quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục với người mắc viêm gan B mà không có biện pháp an toàn khiến bạn có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
– Lây qua đường máu: Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây nhiễm qua truyền máu, tiêm, hiến máu, xăm hình… nếu dụng cụ tiếp xúc không được khử trùng đúng chuẩn. Ngoài ra, sử dụng chung dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng… cũng là con đường lây nhiễm bệnh nhanh chóng.
Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây nhiễm qua truyền máu, tiêm, hiến máu, xăm hình…
3. Viêm gan B khi nào cần điều trị?
Viêm gan B là một trong những bệnh về gan nguy hiểm tấn công lá gan. Nhiều số liệu thống kê đã chỉ ra, tỷ lệ mắc viêm gan B ở nước ta khá cao, khoảng 15 – 25% dân số. Thực tế, rất nhiều người bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) thường lo lắng không biết nên dùng thuốc nào điều trị và dùng như thế nào. Thực tế có phải ai nhiễm virus HBV đều phải điều trị?
Các bác sĩ cho biết có 4 trường hợp nhiễm HBV có thể gặp và không phải trường hợp nào cũng cần phải điều trị. Bác sĩ sẽ xem xét điều trị trong trường hợp xét nghiệm có kháng nguyên bề mặt HBsAg dương tính chứng tỏ có virus, có kháng nguyên nội sinh HBeAg dương tính chứng tỏ virus đang sinh sôi. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng bệnh lâm sàng rõ ràng như vàng da, vàng mắt, chán ăn, mệt mỏi, xét nghiệm ALT tăng cao.
4. Trường hợp cần theo dõi để can thiệp kịp thời
Các trường hợp khác tuy chưa cần thiết điều trị ngay nhưng cần theo dõi và tái khám để có hướng can thiệp kịp thời, bao gồm:
– Xét nghiệm có HBsAg dương tính chứng tỏ có virus đang hoạt động, HBeAg âm tính chứng tỏ virus không sinh sôi, bệnh nhân không có triệu chứng bệnh lâm sàng
– Xét nghiệm HBsAg dương tính, HBeAg dương tính nhưng người bệnh không có triệu chứng lâm sàng. Trường hợp này cần theo dõi cẩn thận vì virus có thể kích hoạt gây bệnh.
– HBsAg dương tính chứng tỏ có virus, HBeAg âm tính chứng tỏ không có dấu hiệu virus sinh sôi nhưng người bệnh lại có những triệu chứng lâm sàng. Đây là trường hợp người bệnh đã từng bị nhiễm viêm gan B, virus đã từng kích hoạt âm thầm sau đó ngừng kích hoạt. Đây là trường hợp cần theo dõi cẩn thận, bệnh nhân cần xét nghiệm, tái khám định kì để có hướng xử lý kịp thời.
5. Điều trị viêm gan B như thế nào?
Mục đích chính của điều trị viêm gan B là giảm sự tăng trưởng virus, giảm nguy cơ xâm nhập của chúng vào tế bào gan. Điều trị viêm gan B như thế nào còn phụ thuộc vào loại viêm gan cấp tính hay mạn tính, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp.
Với viêm gan B cấp tính, điều trị bằng thuốc chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ gan, hạ enzyme, giải vàng da… Đối với bệnh nhân viêm gan B mạn tính, mục đích điều trị lâu dài là giảm lượng virus viêm gan trong huyết thanh, giảm nguy cơ tiến triển xơ gan và ung thư gan.
Thăm khám sớm giúp người bệnh điều trị hiệu quả
6. Viêm gan B có nguy cơ gây ung thư gan
Nguyên nhân chính xác gây ung thư gan chưa được xác định rõ ràng nhưng nhiễm virus viêm gan B là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất tăng khả năng phát triển bệnh. Nguyên nhân được giải thích là do khi xâm nhập vào gan, virus gây viêm gan cấp thoáng qua sau đó chuyển dạng thành viêm gan mạn tiến triển và dễ dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Hai hậu quả xơ gan và ung thư gan thường đi đôi với nhau hoặc ung thư xuất hiện muộn hơn trên nền xơ gan.
Ung thư gan rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn cần quan tâm đến khám sức khỏe, tầm soát ung thư gan định kỳ. Tầm soát ung thư gan có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi bệnh chưa có biểu hiện.
Trên đây là thông tin tham khảo giải đáp viêm gan B khi nào cần điều trị và một số thông tin liên quan. Để đăng ký khám điều trị tại Bệnh viện Thu Cúc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 55 88 92.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.