Sản phụ sau sinh thường có thể gặp một số vấn đề do thay đổi hormone, sinh lý. Đặc biệt, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh thường xảy ra ở hầu hết các mẹ, nhất là rong kinh sau sinh thường. Vậy chị em cần lưu ý những gì để cải thiện, hạn chế mức độ khó chịu khi gặp phải tình trạng này.
1. Về tình trạng rong kinh, rối loạn kinh nguyệt sau đẻ thường
Sau khoảng 6 tháng, tử cung dần co hồi, trở lại trạng thái bình thường trước sinh. Sản dịch được đẩy ra hết. Buồng trứng cũng đã bắt đầu hoạt động lại, xuất hiện quá trình rụng trứng. Từ đó, kinh nguyệt sẽ trở lại với sản phụ sau sinh.
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 28 đến 32 ngày, với thời gian hành kinh từ 3 đến 5 ngày. Lượng máu kinh mất đi khi lớp niêm mạc tử cung bị bong ra rơi vào khoảng 50 đến 80ml.
Từ đó, có thể nhận định rong kinh là khi chu kỳ kinh nguyệt kéo dài quá 32 ngày, thậm chí quá 35 ngày. Thời gian hành kinh ở mỗi kỳ kinh dài trên 7 ngày. Trong thời gian hành kinh, máu kinh đào thải ra ngoài vượt quá 80ml.
Tình trạng rong kinh sau sinh thường diễn ra khi tử cung đang trong quá trình co hồi, buồng trứng hoạt động trở lại
Đây là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều chị em sau sinh thường, diễn ra ở giai đoạn đầu sau sinh. Nếu có biện pháp cải thiện, ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, đảm bảo sức khỏe tốt, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở lại bình thường.
2. Từ đâu chị em bị rong kinh sau sinh thường?
Sau sinh thường, cơ thể sản phụ còn yếu, tử cung đang trong quá trình hồi phục, buồng trứng chưa hoạt động trở lại, hormone nội tiết cũng chưa ổn định. Vì vậy, thời gian đầu chị em có thể chưa thấy kinh xuất hiện.
Khi cơ thể bắt đầu quá trình tái tạo, phục hồi, kinh nguyệt bắt đầu trở lại, tuy nhiên chưa ổn định hoàn toàn. Lúc này, tình trạng thường gặp nhất là rong kinh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, rong kinh sau sinh thường có thể đến từ một số nguyên nhân. Nắm rõ nguyên nhân là bước đầu tiên giúp các mẹ xử lý, cải thiện hiệu quả tình trạng này.
2.1. Bị rong kinh sau sinh thường do hormone thay đổi
Trong cả thai kỳ, hormone nội tiết trong cơ thể của người mẹ sẽ không ngừng thay đổi, tăng cao để giúp tử cung nuôi dưỡng, bảo vệ thai nhi. Tuy nhiên, sau sinh, do cơ thể thay đổi đột ngột nên hormone cũng sụt giảm đi rõ rệt để dần ổn định lại như trước. Cùng với quá trình tiết sữa, nuôi con bằng sữa mẹ, buồng trứng của sản phụ cũng không tiếp tục sản sinh hormone estrogen. Thay vào đó, hormone prolactin tăng dần nhằm kích thích tuyến sữa của mẹ, phục vụ việc cho con bú thường xuyên.
Hormone thay đổi trong và sau thai kỳ, đặc biệt là sự tăng sinh của hormone prolactin kích thích tuyến sữa trở thành nguyên nhân gây rong kinh sau sinh
Cũng từ đây, lớp nội mạc tử cung dần dày lên. Niêm mạc khó bong tróc, quá trình tống máu kinh ra ngoài lâu hơn, dẫn đến rong kinh sau sinh.
2.2. Buồng trứng dần hoạt động lại
Trong quá trình mang thai, buồng trứng tạm ngưng hoạt động. Sau sinh, khi cơ thể đang trong quá trình phục hồi, buồng trứng cũng dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất từ từ, dẫn đến kinh nguyệt có thể bị rối loạn, xảy ra tình trạng rong kinh.
2.3. Bị rong kinh sau sinh thường do tác động của thuốc tránh thai
Phụ nữ sau sinh, quan hệ tình dục trở lại và có thói quen sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ rất dễ bị rối loạn kinh nguyệt. Thuốc tránh thai tác động trực tiếp đến quá trình cân bằng các hormone nội tiết, từ đó làm ảnh hưởng đến độ dày niêm mạc tử cung, khiến cho tình trạng rong kinh diễn ra.
2.4. Do một vài tổn thương, bệnh lý tại tử cung, buồng trứng
Rong kinh thường xuất phát từ sự rối loạn của hormone nội tiết tố và hoạt động của tử cung, buồng trứng. Bởi vậy, khi hai cơ quan sinh dục này bị ảnh hưởng, kỳ kinh nguyệt sẽ bị rối loạn, ngoài ra còn ảnh hưởng đến sức khỏe phụ khoa của chị em.
Một số bệnh lý tại tử cung, buồng trứng mà chị em dễ gặp phải gồm: Viêm tử cung, viêm buồng trứng, buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung,…
3. Những dấu hiệu cho thấy mẹ đang bị rong kinh sau sinh thường
Những dấu hiệu cho thấy tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh đều rất rõ ràng. Cụ thể, các mẹ có thể nhận biết bản thân bị rong kinh khi:
– Thời gian hành kinh dài hơn 7 ngày, máu kinh ra nhiều, phải thay băng vệ sinh thường xuyên.
– Kinh nguyệt ra nhiều bất thường ở hai kỳ kinh liên tiếp. Hai chu kỳ sát nhau.
– Thời gian hành kinh, chị em có thể cảm nhận được những cơn đau tức đặc biệt nghiêm trọng ở bụng và lưng.
– Máu kinh được đẩy ra ngoài có lẫn cục máu đông.
– Thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, buồn ngủ, thiếu tập trung.
– Da sạm, xấu và tóc rụng nhiều.
4. Tình trạng rong kinh sau sinh nở liệu có gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mẹ bầu?
Tình trạng rong kinh thường gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, thể chất, tinh thần và cả cuộc sống thường ngày của chị em phụ nữ. Đối với phụ nữ sau sinh, mới phục hồi thể trạng, vấn đề này càng trở nên đáng ngại hơn:
– Chị em có thể bị thiếu máu do rong kinh thường xuyên. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể suy nhược, da dẻ xanh xao, khó hấp thụ dinh dưỡng. Đồng thời, đề kháng tự nhiên cũng giảm sút, khiến mẹ dễ đau ốm liên miên.
– Rong kinh làm mất cân bằng môi trường âm đạo, khiến cho hệ vi sinh vật trong âm đạo bị rối loạn, ảnh hưởng đến độ pH. Vì vậy, phụ nữ sau sinh gặp tình trạng rong kinh kéo dài thường bị viêm nhiễm phụ khoa nghiêm trọng. Nếu không điều trị, viêm có thể lan rộng và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan sinh dục, sinh lý.
Tình trạng rong kinh kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường âm đạo, là tiền đề của nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm
– Bên cạnh đó, tình trạng rong kinh khiến sản phụ mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong đời sống vợ chồng.
5. Điều trị rong kinh sau sinh ở phụ nữ đẻ thường
Thông thường, tình trạng rong kinh sau sinh được xếp vào dạng rong kinh cơ năng, rong kinh xuất hiện do thay đổi nội tiết tố. Vì vậy, phương pháp điều trị phù hợp lúc này là điều chỉnh lại lối sống, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt sao cho khoa học, cân đối, giúp ổn định hoạt động của hệ nội tiết, buồng trứng, từ đó thiết lập lại vòng kinh đều hơn.
– Tránh xa những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng, mệt mỏi, cố gắng duy trì tâm trạng vui vẻ, thoải mái để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ nội tiết.
– Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc để cơ thể được thư giãn.
– Chú ý vệ sinh, thay đồ lót và băng vệ sinh thường xuyên.
– Ăn uống đủ chất, không nên kiêng khem và cần bổ sung nhiều thực phẩm chứa sắt.
– Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn, tư vấn chi tiết.
Nếu tình trạng rong kinh kéo dài quá lâu, khiến bạn cảm thấy suy nhược, mệt mỏi, hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ để có hướng điều trị, chẩn đoán chính xác nguyên nhân rong kinh (có thể là những nguyên nhân từ bệnh lý).
Chị em có thể lựa chọn các địa chỉ y tế chất lượng, uy tín để thăm khám, kiểm tra sức khỏe sau sinh. Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những đơn vị được nhiều sản phụ lựa chọn khi gặp các vấn đề hậu sản.
Với tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rong kinh sau sinh thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành các bước khám lâm sàng, cận lâm sàng để nắm được nguyên nhân bệnh. Người bệnh sẽ hiểu hơn về tình trạng thực tế của bản thân và có biện pháp điều trị, xử lý phù hợp, an toàn nhất.
Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm, từng thực hiện khám và điều trị cho nhiều ca bệnh. Hệ thống máy móc đầy đủ, hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu chẩn đoán về hình ảnh lẫn các xét nghiệm cần thiết, giúp đưa ra kết luận sát nhất về từng vấn đề của chị em. Vì vậy, Thu Cúc TCI luôn thuộc top những địa chỉ thăm khám Sản phụ khoa nhận được nhiều lượt đánh giá cao.
Với những thông tin trên đây, hy vọng chị em đã có thể yên tâm hơn khi gặp phải tình trạng rong kinh sau sinh thường. Đồng thời, bạn cũng nên chủ động thăm khám để được hướng dẫn cách khắc phục sớm nhất, tránh để tình trạng tiến triển nặng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.