Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến và gây tỷ lệ tử vong cao ở nhiều nước trên thế giới. Biết được độ tuổi dễ mắc ung thư phổi cùng các nguyên nhân gây bệnh khác sẽ giúp bạn chủ động hơn trong phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Ung thư phổi thường gặp ở độ tuổi nào?
Ung thư phổi thường gặp ở người trên 50 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở cả những người trẻ tuổi hơn
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp nhất ở nam giới và đứng thứ ba ở nữ giới. Thống kê về tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nước ta cho biết, năm 2010, số ca mắc ung thư phổi ở nam giới là khoảng 20 nghìn ca và 7 nghìn ca ở nữ giới. Với đà tăng như hiện tại, ước tính đến năm 2020, số ca mắc ung thư phổi ở nam giới sẽ vượt 40 nghìn ca và ở nữ giới gần 20 nghìn ca, gấp 2 – 3 lần thời điểm 10 năm trước đó.
Độ tuổi nào dễ mắc ung thư phổi là thắc mắc của rất nhiều người. các bác sĩ cho biết, ung thư phổi có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, phổ biến nhất là ở độ tuổi ngoài 50 tuổi. Tuy nhiên, số ca mắc ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng đang ngày càng trẻ hóa.
Phòng bệnh ung thư phổi như thế nào?
Có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc ung thư phổi. Vì vậy, cách phòng bệnh được các bác sĩ khuyên là hạn chế tối đa các yếu tố đó.
Không hút thuốc lá
Không hút thuốc lá giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư phổi
Thuốc lá được xác định là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư phổi. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ hô hấp, giảm tuổi thọ người hút mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau, trong đó có ung thư phổi.
Thuốc lá được xác định có liên quan đến khoảng trên 80% ca tử vong do bệnh ung thư phổi và riêng tại Việt Nam có tới gần 97% ca mắc được chẩn đoán ung thư phổi có hút thuốc lá.
Một số thành phần độc hại trong khói thuốc lá như hắc ín, benzene, nitrosamines… làm hư hại các tế bào phổi, biến đổi tế bào và hình thành ung thư.
Không hút thuốc lá sẽ giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Thường xuyên đo nồng độ khí radon, mở cửa thông thoáng không gian sống
Khí radon là một trong những yếu tố gây ung thư phổi hàng đầu ở những người không hút thuốc lá ở Mỹ. Radon là loại khí phóng xạ tự nhiên lọt vào tòa nhà qua kẽ nứt, vết nứt ở tường, sàn nhà… Đây cũng là yếu tố có liên quan đến khoảng 8% ca tử vong do bệnh ung thư phổi.
Thường xuyên mở cửa thông thoáng nhà cửa và kiểm tra nồng độ khí radon trong nhà sẽ giảm được lượng khí độc hại trong nhà và giúp bạn điều chỉnh không gian sống.
Trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động
Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với khói bụi đặc biệt là aming – nguyên liệu chính để sản xuất tấm lợp fibro xi măng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Trong số khoảng khoảng 40% số ca tử vong do amiang là bệnh nhân ung thư phổi.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng có liên quan đến khoảng 5% ca mắc bệnh, sử dụng bảo hộ khi đi ngoài đường cũng có thể giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Chế độ ăn uống khoa học, sử dụng nguồn nước uống an toàn
Rau bắp cải có thể giảm 40% nguy cơ mắc ung thư phổi
Nước uống nhiễm asen làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Vì vậy, để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này, bạn cần sử dụng một nguồn nước uống đảm bảo, tinh khiết.
Một số loại thực phẩm được khuyên dùng có tác dụng phòng bệnh ung thư phổi là: rau họ cải, ngô, cá hồi, nước cam ép…
Khám sức khỏe, sàng lọc ung thư định kì
Thực tế, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi mà bạn không thể kiểm soát được. Vì vậy, khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kì, đặc biệt cho những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao cần được quan tâm. Khám sàng lọc ung thư phổi có thể phát hiện bệnh ngay từ khi chưa có triệu chứng, giúp phát hiện bệnh sớm, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.