Đột quỵ cấp thể nhồi máu não còn có tên gọi khác là nhồi máu não cấp hoặc đột quỵ thiếu máu não cấp. Đây là bệnh lý thần kinh cực kỳ nguy hiểm, thường khởi phát đột ngột và gây các khiếm khuyết thần kinh cục bộ kéo dài trên 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ. Người bệnh cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị đột quỵ cấp thể nhồi máu não trong bài viết dưới đây.
1. Đột quỵ cấp thường xảy ra khi nào?
Đột quỵ cấp xảy ra một cách bất ngờ với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào và có thể có dấu hiệu báo trước nhưng phần lớn là không (khởi phát đột ngột). Các triệu chứng báo trước như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai,… có thể âm ỉ trong một thời gian dài hoặc mờ nhạt dễ khiến người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua.
Khi đột quỵ xảy ra, các triệu chứng diễn biến một cách rất nhanh chóng. Những khiếm khuyết thần kinh cục bộ, tổn thương não do bất thường ở hệ thống mạch máu não thường đến một cách tự phát hoặc khi có yếu tố tác động như tăng huyết áp đột ngột, quá sức, sốc, thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, …
Đột quỵ nhồi máu não cấp là do mạch máu não bị tắc nghẽn và/hoặc giảm lưu lượng máu lên não, gây tổn thương (chết) tế bào não (vùng không được máu cung cấp), gây ra những tổn thương về thần kinh.
Đột quỵ cấp xảy ra một cách bất ngờ với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào và có thể có dấu hiệu báo trước nhưng phần lớn là không.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ não cấp
2.1 Xơ vữa động mạch máu lớn và trung bình gây đột quỵ cấp
Khi động mạch máu lớn và trung bình bị các mảng vón bám (tích tụ) lâu ngày trên thành mạch gây xơ cứng thành mạch. Điều này sẽ cản trở dòng máu lưu thông đi nuôi các tế bào não, tế bào não bị thiếu hụt oxy và dưỡng chất sẽ hoạt động yếu hơn, rối loạn và lâu hơn sẽ bị chết. Sự xơ vữa động mạch máu này thường xảy ra do các tác nhân như tăng lipid máu, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng homocystein máu, xạ trị. Loạn sản sợi cơ, bóc tách động mạch, bệnh moyamoya, sarcoidois, viêm mạch do varicella zoster, viêm mạch do nấm và lao, hội chứng viêm mạch hệ thống, viêm mạch hệ thần kinh trung ương cùng bên,…
2.2 Bệnh mạch máu nhỏ
Còn gọi là bệnh tiểu động mạch vành – đây là tình trạng thành động mạch nhỏ nuôi tim bị tổn thương. Nguyên nhân do: xơ vữa động mạch, viêm mạch, nhiễm trùng (giang mai, lao, cryptococcus), Lipohyalinosis,…
2.3 Thuyên tắc từ tim gây đột quỵ cấp
Huyết khối (cục máu đông) được tạo ra ở tim có thể di chuyển theo dòng động mạch máu đi xa, gây tắc ở động mạch máu não, tĩnh mạch máu não gây cản trở máu lên não. Các nguyên nhân gây thuyên tắc ở tim có thể kể đến như tăng huyết áp, bệnh cơ tim, rung nhĩ, bệnh van tim, huyết khối nhĩ trái, huyết khối thành thất sau nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, không do vi trùng (ung thư, hội chứng antiphospholipid), u nhày nhĩ trái.
2.4 Đông máu (tăng đông máu) dễ gây đột quỵ cấp
Tình trạng tăng đông máu làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông (huyết khối) gây cản trở dòng máu lên não. Các nguyên nhân làm tăng sự đông máu như: sử dụng thuốc ngừa thai, thai kỳ và hậu sản, hôi chứng antiphospholipid, bệnh hồng cầu liềm, ung thư, đa hồng cầu thực sự, TTP, DIC, tăng đông máu di truyền.
2.5 Do sử dụng thuốc
Việc sử dụng một số loại thuốc có thể gây đột quỵ nhồi máu não cấp như các chất gây co mạch (chất gây nghiện), viêm mạch, loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc, phình mạch dàng nấm, tiêm truyền các chất gây nhiễm hoặc tạo huyết khối.
2.6 Những nguyên nhân khác gây đột quỵ cấp
Người mắc các bệnh mạch máu não di truyền trội nhiễm sắc thể (CADASIL), bệnh fabry, hội chứng Sneddon, MELAS (bệnh anxo ty thể với nhiễm acid lactic máu và đột quỵ từng đợt) dễ gây đột quỵ thiếu máu não.
Bệnh lý mạch máu như dị dạng mạch máu não (túi phình mạch não),… có thể gây vỡ mạch máu não (đột quỵ thể xuất huyết não).
3. Chẩn đoán
3.1 Chẩn đoán lâm sàng đột quỵ cấp
Khai thác bệnh sử
Việc khai thác bệnh sử của người bệnh rất quan trọng vì cung cấp nhiều dữ liệu cần thiết cho bác sĩ để đưa ra nhận định chính xác, chẩn đoán nhanh hơn và có phương án xử trí kịp thời. Vì vậy, cần khai thác bệnh sử trên lâm sàng cẩn thận, nếu bệnh nhân mất ý thức hoặc mất ngôn ngữ, bác sĩ có thể hỏi người chứng kiến hoặc đưa bệnh nhân để có các thông tin như sau:
Bệnh xảy ra như thế nào, mô tả các triệu chứng?
Thời điểm khởi phát và diễn tiến bệnh theo thời gian?
Người bệnh từng có lần nào bị tương tự như này chưa?
Tiền căn bệnh lý của người bệnh và các thuốc họ đang dùng là gì?
Có các yếu tố nguy cơ mạch máu không (máu khó đông, dị dạng mạch máu não,…)
Tình trạng chức năng, nghề nghiệp và nhận thức trước khởi bệnh?
Gia đình có ai bị đột quỵ hay mắc các bệnh lý ở mạch máu ngoại biên, tim không?
Khám lâm sàng
Khám tổng quát để tìm kiếm dấu hiệu đột quỵ, đánh giá các bệnh lý đi kèm, loại trừ bệnh lý có biểu hiện tương tự.
Khám thần kinh: kiểm tra các dây thần kinh sọ, trương lực cơ, trương lực cơ, phản xạ; khám ý thức; dấu màng não; dấu hiệu chấn thương; đáy mắt, thị trường; ngôn ngữ. Nhận diện hội chứng đột quỵ. Đánh giá tình trạng mạch máu, tim mạch (gợi ý nguyên nhân): sinh hiệu, âm thổi vùng cổ, tình trạng tim, phổi,…
Hỏi bệnh sử và thăm khám là một quá trình quy nạp: sử dụng thông tin từ bệnh sử để xây dựng giả thiết về những việc đang xảy ra, từ đó đặt các câu hỏi mới. Các bác sĩ cần tìm bằng chứng đây là một trường hợp nhồi máu não cấp và loại trừ các chẩn đoán khác. Ngoài ra, cần xem xét trong bối cảnh các bệnh lý đi kèm của bệnh nhân và tình trạng chức năng trước khởi phát để giúp quyết định điều trị phù hợp.
Chụp cộng hưởng từ MRI hỗ trợ rất nhiều cho quá trình chẩn đoán phân biệt loại đột quỵ, tìm ra nguyên nhân và đưa ra hướng xử trí kịp thời cứu sống người bệnh.
3.2 Chẩn đoán xác định và phân biệt
Xét nghiệm thường quy
Xét nghiệm đặc hiệu
Cận lâm sàng: Chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc hoặc chụp cộng hưởng từ MRI; hình ảnh tổn thương mạch máu não trên CTA hoặc MRA.
Chẩn đoán phân biệt với các dạng bệnh mạch máu não khác như: xuất huyết não, xuất huyết dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch nội sọ; liệt sau cơn động kinh; liệt trong migraine; hạ đường huyết; khối choán chỗ nội sọ; rối loạn chuyển dạng…
4. Điều trị đột quỵ cấp
Điều trị cấp cứu chung và điều trị đặc hiệu gồm: Tái tưới máu (ly giải huyết khối hoặc các chiến lược tái tưới máu khác); điều trị nguyên nhân nhồi máu não; điều chỉnh các thông số sinh lý; phòng ngừa và điều trị các biến chứng; phòng ngừa tái phát.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.