Trong tất cả các loại đột quỵ (tai biến mạch máu não) thì đột quỵ xuất huyết não tự phát hay còn gọi là đột quỵ chảy máu não tự phát, dễ dẫn đến tàn tật nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cao nhất. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về đột quỵ chảy máu não tự phát: nguyên nhân, biểu hiện, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.
1. Đột quỵ chảy máu não tự phát là gì?
Tình trạng xuất huyết não không do chấn thương, gây nên sự thoát mạch tự phát cấp tính của máu vào nhu mô (do vỡ các mạch máu trong não và chảy máu quanh các mô não, gây tổn thương các tế bào ở não) thì được gọi là đột quỵ xuất huyết não tự phát hay đột quỵ chảy máu não tự phát.
2. Nguyên nhân gây xuất huyết não tự phát
2.1 Bệnh lý cao huyết áp
Huyết áp cao làm tăng áp lực bơm máu lên não, dễ hình thành cục máu đông gây vỡ mạch máu não. Tăng huyết áp mạn tính chiếm hơn một nửa các trường hợp xuất huyết não tự phát. Theo nghiên cứu, bệnh nhân huyết áp cao tăng gấp 2 lần nguy cơ đột quỵ xuất huyết màng não so với người bình thường.
Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ khiến người bệnh dễ bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) thể xuất huyết não.
2.2 Dị dạng mạch máu
Dị dạng mạch máu, động tĩnh mạch có thể gây vỡ các mạch máu bất thường (mạch máu bị dị dạng) bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi có tác động mạnh như hoạt động quá sức.
2.3 Túi phình động mạch vỡ gây đột quỵ chảy máu não
Có thể hình thành do bẩm sinh hoặc trong quá trình sống do sự bất thường. Khi túi phình đạt đến một mức độ nhất định sẽ có nguy cơ vỡ khiến máu tràn vào các mô não xung quanh gây đột quỵ não.
2.4 Huyết khối xoang tĩnh mạch
Sự hình thành của huyết khối xoang tĩnh mạch dễ gây nhồi máu tĩnh mạch xuất huyết, dẫn tới xuất huyết não do tăng áp lực tĩnh mạch.
2.5 Mạch máu dạng bột dễ gây đột quỵ chảy máu não
Amyloid loại Cystatin lắng đọng trong các thành động mạch não, thẩm lậu và dần phá hủy thành mạch, theo thời gian thành mạch dễ bị vỡ gây đột quỵ xuất huyết não (đột quỵ chảy máu não).
2.6 U não
Sự hình thành và phát triển của khối u não dễ dẫn đến hoại tử và chảy máu trong u, thường gặp trong u não di căn hoặc u tuyến yên.
2.7 Hậu phẫu
Sau khi phẫu thuật bóc lớp áo trong động mạch cảnh và phẫu thuật tim có thể gây xuất huyết mạch máu não, cần đặc biệt lưu ý.
2.8 Do một số nguyên nhân khác
Rối loạn chức năng đông máu, nhồi máu chuyển dạng xuất huyết, lạm dụng thuốc hoặc rượu. Ngoài ra, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương cũng có thể gây biến chứng xuất huyết não.
3. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ chảy máu não tự phát
Biểu hiện của người bị xuất huyết não thường diễn ra rất nhanh chóng và rầm rộ, nhận biết sớm để đưa người bệnh đến cơ sở cấp cứu ngay là điều vô cùng quan trọng, giúp tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.
Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết đột quỵ chảy máu não tự phát:
– Suy giảm ý thức: người bệnh ú ớ, mất ý thức tạm thời. Tuỳ vị trí và mức độ xuất huyết mà người bệnh bị suy giảm chức năng cảm giác và vận động đối bên ở mức độ khác nhau.
– Mất ngôn ngữ, sững sờ, khó liếc do rối loạn chức năng vỏ não.
– Bất thường về liếc ngang (mắt liếc ngang liếc dọc), chân tay co cứng khó vận động do rối loạn chức năng thân não.
– Thất điều, rung giật nhãn cầu
– Các triệu chứng không đặc hiệu khác bao gồm: đau đầu (dữ dội và đột ngột), nôn và hội chứng màng não (sợ ánh sáng, sợ âm thanh),…
Người bị đột quỵ não thường có biểu hiện như tê yếu người, đau đầu, lú lẫn,… các biểu hiện này thường rầm rộ cần nhận biết sớm để đưa người bệnh đến cơ sở cấp cứu kịp thời.
4. Phương pháp chẩn đoán
Sau khi được chẩn đoán lâm sàng với bác sĩ cấp cứu đột quỵ (bác sĩ chuyên khoa Thần kinh – Đột quỵ), người bệnh cần làm xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính (chụp phim CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI sọ não). Mục đích của việc thực hiện chụp CT hay MRI là để chẩn đoán xác định loại đột quỵ (xuất huyết não hay nhồi máu não), giúp đánh giá mức độ lan rộng của vùng tổn thương, xác định nguyên nhân, đưa ra phương pháp điều trị và loại trừ bệnh lý liên quan khác.
Chẩn đoán đột quỵ bằng chụp cộng hưởng từ MRI có nhiều ưu điểm vượt trội, hiện đang được nhiều bệnh viện lớn áp dụng, trong đó có Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
5. Hướng điều trị
Xuất huyết trong não không do chấn thương là nguyên nhân quan trọng gây tử vong và bệnh tật trên toàn thế giới. Điều trị nội khoa tốt có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ tử vong và bệnh tật ngay cả trước khi tìm được điều trị đặc hiệu. Toàn bộ các chăm sóc tích cực xuất huyết trong não liên quan trực tiếp đến tình trạng tử vong của bệnh này.
Việc điều trị xuất huyết não tự phát có thể sử dụng phương pháp nội khoa bảo tồn hoặc phẫu thuật.
5.1 Phương pháp nội khoa
– Theo dõi ban đầu và điều trị xuất huyết não ở trung tâm hồi sức tích cực và điều trị glucose.
– Kiểm soát đường huyết, đồng thời đưa đường huyết đúng giới hạn bình thường.
– Chống cơn động kinh.
5.2 Phương pháp phẫu thuật
– Đối với người bệnh có khiếm khuyết thần kinh hoặc chèn ép thân não, tràn dịch não do tắc nghẽn não thất, các bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật để lấy khối máu tụ càng sớm càng tốt.
– Trường hợp người bệnh có khối máu tụ ở thùy trên 30ml và nằm cách bề mặt khoảng 1cm, có thể xem xét mở hộp sọ trên lều lấy máu tụ.
6. Theo dõi và phòng ngừa đột quỵ chảy máu não
Người bị tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể tái phát sau đó, chính vì vậy khâu theo dõi và phòng ngừa đột quỵ chảy máu não ở những người từng bị tai biến và người có yếu tố nguy cơ gặp phải là việc làm hết sức quan trọng.
Theo các chuyên gia, bạn cần lưu ý một số điều sau:
– Từ bỏ hoặc hạn chế tối đa bia, rượu, thuốc lá vì chúng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não tái phát.
– Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Hạn chế ăn, uống những thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo, để làm giảm mảng xơ vữa bám trong động mạch.
– Nên duy trì tập luyện thể dục thể thao hàng ngày với các bài tập vừa sức. Tập thể dục giúp làm giảm huyết áp, tăng mức HDL-cholesterol có lợi cho sức khỏe, cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm cân, kiểm soát bệnh đái tháo đường và giảm căng thẳng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.