Đột quỵ xuất huyết não là tình trạng đột quỵ nặng, có tỷ lệ tử vong lên tới 50% (khoảng 10-15% bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện). Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não, biểu hiện và biện pháp điều trị đối với căn bệnh nguy hiểm này.
1. Xuất huyết màng não
Là dạng đột quỵ vỡ mạch máu não, xảy ra khi máu chảy vào khoang dưới nhện. Dạng đột quỵ này chiếm khoảng 5% tổng số ca đột quỵ não và có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 50%).
Mọi lứa tuổi đều có thể bị xuất huyết màng não, nhưng phổ biến nhất là ở người trẻ có độ tuổi từ 40-60 tuổi. Nữ giới thường bị xuất huyết não nhiều hơn nam giới (nữ gấp 1,6 lần nam).
Theo thống kê, có khoảng 50% số bệnh nhân may mắn sống sót sau khi trải qua cơn đột quỵ xuất huyết não đang phải gánh chịu di chứng tàn tật nghiêm trọng.
Thời gian cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ vỡ mạch máu não chỉ tính bằng giây, phút, do đó cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, phối hợp nhiều chuyên khoa để chăm sóc tối ưu cho người bệnh.
Xuất huyết mạch máu não là tình trạng đột quỵ nặng, có tỷ lệ tử vong lên tới 50% (khoảng 10-15% bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện).
2. Nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não
2.1 Nguyên nhân chung gây đột quỵ xuất huyết não
Nguyên nhân chính gây đột quỵ xuất huyết não là vỡ phình mạch não (chiếm 85% trường hợp). Các nguyên nhân khác như xuất huyết quanh cuống não không do phình mạch chiếm 10% và 5% là các nguyên nhân hiếm gặp.
Phần lớn túi phình phát triển ở chỗ phân nhánh thuốc đa giác Willis, có tới 40-45% là động mạch thông trước, 10-15% chỗ chia đôi của động mạch não giữa, 10-15% động mạch cảnh trong và 5% thuộc động mạch thân nền. Phần lớn túi phình không vỡ và nguy cơ vỡ gia tăng theo kích thước.
Người mắc bệnh tăng huyết áp, hút thuốc lá, nghiện rượu làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ xuất huyết màng não. Túi phình hình thành trong cuộc sống (không hẳn bẩm sinh), phát triển từ cấu trúc bị yếu hoặc khiếm khuyết của lớp cơ ngoài cùng của động mạch. Khi lưu lượng máu cao và áp lực cao trong động mạch sẽ góp phần tạo ra túi phình và tăng đột ngột áp lực này làm vỡ túi phình (khoảng 20% xuất huyết màng não xảy ra lúc gắng sức).
Vỡ túi phình mạch não là nguyên nhân chính gây đột quỵ thể xuất huyết não là vỡ phình mạch não.
2.2 Các nguyên nhân cụ thể gây đột quỵ xuất huyết não
Bệnh lý di truyền
– Phình mạch máu nội sọ gia đình
– Hội chứng Ehlers-Danlos type IV
– Bệnh thận đa nang
– Thiếu alpha-1 antitrypsin
– Loạn sản sợi cơ
– Bệnh lý Parry-Romberg
– Hội chứng Marfan
Bệnh mạch máu nội sọ không do viêm
– Bóc tách động mạch
– Dị dạng động tĩnh mạch
– Phình mạch hình thoi, rò động tĩnh mạch
– Huyết khối tĩnh mạch não
– Bệnh lý mạch máu amyloid, moyamoya
– Tổn thương mạch máu trong tủy
– U mạch máu dạng hang
Tổn thương động mạch não do viêm
– Phình mạch máu do nấm Borreliosis, bệnh Behcet
– Viêm mạch nguyên phát
– Hội chứng Churg-Strauss
– Viêm nút đa động mạch
U
– U di căn não
– Ung thư tế bào thần kinh đệm
– U neuron thần kinh
– U tế bào Schwannoma
– U nguyên bào mạch tủy sống cổ
Bệnh lý huyết học
– Hồng cầu hình liềm
– Rối loạn đông máu
– Rối loạn tăng sinh tủy
– Bệnh bạch cầu
Thuốc
– Lạm dụng cocain
– Thuốc kháng đông Phenylpropanolamine Ethanol, chì
– Chấn thương
– Tổn thương não do chấn thương, do áp lực.
3. Nhận biết các biểu hiện xuất huyết não trên lâm sàng
Đột quỵ xuất huyết não trên lâm sàng có biểu hiện rất đa dạng, các triệu chứng cụ thể như sau:
– Đau đầu: Khởi phát đột ngột, dữ dội (người bệnh có cảm giác như bị ai đó đánh vào sau đầu). Có tới khoảng 25% trường hợp ghi nhận đã có đau tương tự hoặc nhẹ hơn trước đó. Nếu cơn đau đầu khởi phát đột ngột, kéo dài trên 2 giờ không loại trừ nguyên nhân xuất huyết màng não. Khi này bệnh nhân cần được chụp cắt lớp vi tính CT scan/chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chọc dò tủy sống để loại trừ.
– Mất ý thức: thường xảy ra trong thời gian rất ngắn diễn ra sau cơn đau đầu (chiếm khoảng 50% các trường hợp). Có khoảng 1/2 trường hợp không hồi phục ý thức và khoảng 10% xảy ra sau co giật.
– Một số biểu hiện khác: mê sảng, lú lẫn, kích động, nôn ói, sợ ánh sáng, yếu liệt chi
– Tăng huyết áp: chiếm khoảng 50% trường hợp
– Sốt: phổ biến, không do nhiễm trùng và có thể kéo dài vài ngày, tiên lượng xấu, khoảng 50% trường hợp sốt liên quan viêm phổi.
– Đáy mắt có thể phù gai hoặc xuất huyết võng mạc hoặc dịch kính.
– Nếu túi phình lớn có thể sẽ chèn ép dây thần kinh sọ (biểu hiện trước vỡ vài giờ đến vài ngày): xoang hang (dây III, IV, V, VI); động mạch thông sau hoặc thân nền (dây III).
– Các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu đột quỵ – thần kinh có thể xem xét thêm tình trạng cổ gượng và dấu Kernig (dấu màng não).
4. Chẩn đoán cận lâm sàng
Để chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não người bệnh cần thực hiện một số cận lâm sàng như sau:
– Xét nghiệm máu thường quy: công thức máu, đông máu toàn bộ, chức năng tiểu cầu, glucose, BUN, creatinine, ion đồ, AST, ALT…
– Xét nghiệm đặc hiệu như: xét nghiệm đông cầm máu, chọc dò dịch não tủy
– Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính CT scan; chụp cộng hưởng từ sọ não – mạch máu não (MRI và MRA); chụp DSA (tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán vỡ túi phình trong xuất huyết não, với độ nhạy lên tới 95%).
Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật chẩn đoán đột quỵ được nhiều bệnh viện ứng dụng, trong đó có Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
5. Điều trị đột quỵ xuất huyết não
Sau khi mạch máu não bị vỡ (xuất huyết) sẽ có nhiều tổn thương tiếp tục diễn ra. Do đó, cần có kế hoạch can thiệp thích hợp. Mục tiêu điều trị cần đảm bảo các yếu tố sau:
– Ổn định tình trạng ban đầu
– Đánh giá tình trạng bệnh lý
– Giảm nguy cơ tái phát vỡ lại
– Điều trị túi phình
– Phòng ngừa và điều trị các biến chứng não: co mạch và nhồi máu não muộn, não úng thủy…
– Phòng ngừa và điều trị các biến chứng toàn thân.
– Điều chỉnh các thông số sinh lý (Huyết áp, Đường huyết, Sốt…).
6. Phòng ngừa đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não có thể phòng ngừa nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để nhận biết các bất thường về sức khỏe có khả năng dẫn tới đột quỵ, người dân nên chủ động thăm khám tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.