Ăn uống có ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị và phục hồi bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy bệnh nhân gan nhiễm mỡ không nên ăn gì? Đồng thời người bệnh cần bổ sung những loại thực phẩm nào trong chế độ ăn?
1. Thông tin chung về bệnh gan nhiễm mỡ
1.1. Định nghĩa
Gan nhiễm mỡ là biểu hiện của việc quá nhiều mỡ tích lũy ở gan, còn được gọi là thoái hóa mỡ gan. Lượng mỡ trong gan ở cơ thể khỏe mạnh chỉ chiếm khoảng 2 – 4% trọng lượng gan. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với người bệnh gan nhiễm mỡ vượt quá 5%, có thể lên tới 10%, thậm chí là nhiều hơn.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng viêm gan, xơ gan, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Gan nhiễm mỡ rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa mỡ gan. Thống kê cho thấy bệnh lý này thường bắt nguồn từ những lý do như sau:
– Nghiện rượu;
– Lười vận động cơ thể;
– Bị thừa cân, béo phì;
– Bệnh đái tháo đường, tăng lipid máu (bao gồm cả cholesterol và triglyceride);
– Các bệnh viêm gan (như viêm gan virus A, B, C, E) hoặc do bệnh sốt rét khiên gan tích lũy mỡ thừa. Đáng chú ý, người mắc bệnh gan nhiễm mỡ kèm viêm gan virus B, C có nguy cơ cao tiến triển xơ gan (tỷ lệ khoảng 25%), thậm chí ung thư gan.
– Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường, quá ít chất đạm cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
1.3. Dấu hiệu nhận biết bệnh gan nhiễm mỡ
Ở giai đoạn đầu, tình trạng lắng đọng mỡ gan diễn ra từ từ, đồng thời tế bào gan có khả năng tự tái tạo. Do đó người bệnh thường không có dấu hiệu rõ rệt ở giai đoạn sớm của bệnh. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi thực hiện siêu âm, xét nghiệm máu, chụp CT kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Tuy nhiên, một số người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như: mệt mỏi, ăn không ngon miệng, đau tức hoặc nặng vùng gan. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng rõ ràng hơn sẽ xuất hiện, gồm: đau bụng, vàng da, nôn và buồn nôn.
2. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ không nên ăn gì?
“Bệnh gan nhiễm mỡ không nên ăn gì?” là câu hỏi nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc trước thực trạng bệnh ngày càng phổ biến. Dưới đây là một số thực phẩm/ nhóm thực phẩm mà bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần hạn chế ăn:
2.1. Hạn chế đường, mỡ động vật
Đường và mỡ động vật là một trong những loại thực phẩm được liệt vào “danh sách đen” của người bệnh gan nhiễm mỡ. Ăn quá nhiều chất béo, mỡ động vật sẽ khiến lượng mỡ trong máu tăng cao và tích tụ ở gan. Thay vì sử dụng mỡ động vật, nên dùng các loại dầu thực vật như hạt cải, hướng dương, olive,…
Đường có nhiều trong các loại bánh ngọt và đặc biệt là bơ. Bơ có chứa 81% chất béo không có lợi cho gan.
Gan nhiễm mỡ cần hạn chế ăn mỡ động vật
2.2. Gan nhiễm mỡ không nên ăn gì? – Thịt đỏ
Thịt đỏ giàu protein, khi chuyển hóa tại gan có thể làm tăng gánh nặng cho cơ quan này. Chức năng chuyển hóa suy giảm sẽ khiến lượng mỡ tồn đọng trong gan tăng lên. Điều này khiến bệnh gan nhiễm mỡ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên hạn chế ăn nhiều thịt, đặc biệt là các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn,… Thay vào đó, người bệnh nên thay thế bằng các loại thịt trắng như thị gà, thịt vịt, cá,…
2.3. Tránh thực phẩm chứa nhiều cholesterol
Các loại thực phẩm chứa lượng cholesterol cao gồm: nội tạng động vật, lòng đỏ trứng,… Bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần hạn chế ăn các loại thực phẩm này nhằm giảm lượng cholesterol trong máu và áp lực lên gan.
2.4. Gan nhiễm mỡ không nên ăn gì? – Các loại đồ ăn nhanh
Các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn thường gây dư thừa năng lượng cho cơ thể. Chúng tích tụ ở gan, tăng áp lực lên gan và càng làm xấu tình trạng bệnh gan nhiễm mỡ.
2.5. Tránh các loại trái cây khó tiêu, hàm lượng fructose cao
Bệnh nhân vừa mắc gan nhiễm mỡ vừa bị xơ gan cần tránh một số loại hoa quả khó tiêu như mít, sầu riêng… Fructose được chuyển hóa tại gan. Hạn chế các loại trái cây chứa hàm lượng fructose cao sẽ giúp giảm gánh nặng cho gan, tăng hiệu quả điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.
2.6. Kiêng gia vị cay nóng
Gia vị cay nóng như gừng, tỏi, ớt, hồ tiêu, cà phê,… là tác nhân khiến chức năng gan bị ảnh hưởng, không thể bài tiết chất béo. Người bệnh cần cẩn thận khi sử dụng các loại gia vị này để không khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.
2.7. Không sử dụng rượu bia
Rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh gan nhiễm mỡ. Theo thống kê của một khảo sát gần đây, khoảng 90% người dùng rượu bia nhiều (trên 60 gam chất alcohol mỗi ngày) có liên quan đến gan nhiễm mỡ.
Chính vì vậy, đây chính là nhóm thực phẩm cấm kỵ với người bị gan nhiễm mỡ. Chất cồn trong rượu bia sẽ thúc đẩy quá trình tiến triển xơ gan, ung thư gan xảy ra nhanh hơn. Gan phải chịu áp lực lớn khi phải thực hiện đào thải mỡ cùng các chất độc hại từ rượu bia. Người bệnh cần kiêng rượu bia để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nghiện rượu bia dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan
3. Gan nhiễm mỡ nên ăn gì?
Sau khi đã nắm được gan nhiễm mỡ không nên ăn gì, hãy cùng tìm hiểu các loại thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn.
3.1. Ăn nhiều rau củ quả
Nhóm thực phẩm này có tác dụng hạ cholesterol trong máu và tế bào gan. Đậu Hà Lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, mướp đắng, diếp cá, tỏi, bắp chuối, nấm hương, các loại trái cây tươi (chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín), trà xanh, lá sen, hoa hòe, hoa atiso… những những thực phẩm lý tưởng cho người bệnh gan nhiễm mỡ. Người bệnh nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi mỗi ngày.
3.2. Dầu thực vật
Dầu thực vật chứa nhiều acid béo không no có tác dụng làm giảm cholesterol. Người bệnh nên sử dụng dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu tương (trừ dầu dừa) để thay thế mỡ động vật.
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên sử dụng 1g dầu thực vật/1kg cân nặng mỗi ngày
3.3. Đạm từ trứng, sữa, thịt, cá, các loại đậu đỗ
Các loại thực phẩm này, đặc biệt là cá tươi, chứa nhiều protein nhưng lại ít chất béo. Người bệnh cũng cần lưu ý, cần hạn chế lipid nhưng không nên kiêng khem tuyệt đối. Cơ thể cần mỡ để chuyển hóa các chất. Người bệnh cần có chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ, cân bằng dưỡng chất.
Trên đây là những thông tin về bệnh gan nhiễm mỡ không nên ăn gì cũng như các loại thực phẩm tốt cho người bệnh. Hãy thăm khám kịp thời khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh, tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì chế độ ăn uống khoa học. Làm được những điều này, bệnh gan nhiễm mỡ sẽ được đẩy lùi hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.