Xơ gan và ung thư gan có mối liên hệ với nhau như thế nào, xơ gan có phải ung thư gan không hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Các thông tin tổng hợp về xơ gan và ung thư gan
1.1 Xơ gan và ung thư gan là gì?
Xơ gan là bệnh lý mạn tính nguy hiểm của gan với đặc trưng là gan bị tổn thương trong thời gian dài, những mô gan khỏe mạnh dần thay thế bằng mô xơ, sẹo. Khi các mô sẹo này ngày càng phát triển rộng sẽ ngăn chặn dòng máu lưu thông ở gan, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Biến chứng nguy hiểm mà người bệnh phải đối mặt có thể là: Xuất huyết tiêu hóa, bệnh não do gan, hội chứng gan thận, cổ trướng, suy gan nặng… thậm chí dẫn đến ung thư gan và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Có rất nhiều nguyên nhân hình thành nên xơ gan là do viêm gan virus, lạm dụng rượu bia, tổn thương gan không do rượu, xơ gan ứ mật, xơ gan tự miễn, xơ gan do tình trạng ứ đọng đồng và sắt tại gan…
Ung thư gan là một bệnh lý ác tính được hình thành do sự phát triển của các tế bào phát triển đột biến tại gan hình thành nên khối u ác tính. Khối ung thư có khả năng phát triển, xâm lấn sang những cơ quan lân cận và cơ quan xa ngoài gan.
1.2 Xơ gan có phải là bệnh ung thư gan không?
Theo như định nghĩa phía trên thì câu hỏi xơ gan có phải ung thư gan không sẽ được trả lời là không phải. Xơ gan là một nhân tố hàng đầu thúc đẩy hình thành ung thư gan. Có đến khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư gan có biểu hiện của xơ gan. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào mắc xơ gan cũng sẽ trở thành ung thư gan.
Bên cạnh yếu tố xơ gan thúc đẩy hình thành ung thư gan thì còn có các yếu tố nguy cơ khác như là: Viêm gan B, viêm gan C, uống quá nhiều rượu bia, mắc các bệnh lý di truyền, nhiễm độc tố aflatoxin B1, béo phì, gan nhiễm mỡ không do rượu…
Có nhiều yếu tố tạo các mô sẹo ở gan hình thành nên xơ gan, và việc không kiểm soát bệnh kịp thời có thể sẽ dẫn đến ung thư gan – Biến chứng nguy hiểm nhất của xơ gan
2. Làm thế nào để phát hiện sớm xơ gan ngăn chặn nguy cơ hình thành ung thư
2.1 Phát hiện xơ gan qua triệu chứng
Ở giai đoạn đầu của xơ gan, người bệnh thường không có triệu chứng, nhưng theo thời gian khi gan dần bị tổn thương nặng nề hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Vàng mắt, vàng da, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, nước tiểu đậm màu, nam giới có thể mất khả năng quan hệ tình dục, ngực phát triển và chảy, nữ giới có thể sẽ không còn kinh nguyệt… Vậy nên khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện các bất thường về gan, từ đó có phương pháp điều trị hoặc hướng dẫn thay đổi trong chế độ sinh hoạt, lối sống để cải thiện.
2.2 Phát hiện xơ gan qua kiểm tra sức khỏe gan mật định kỳ
Các dấu hiệu của xơ gan có thể mờ nhạt, hoặc gây nhầm lẫn khó để người bệnh có thể nhận biết, vậy nên kiểm tra sức khỏe gan mật định kỳ 6 tháng/ lần là cách giúp phát hiện sớm được bệnh hoặc phát hiện ra những yếu tố nguy cơ có khả năng sẽ tiến triển thành xơ gan. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng điều trị, giải quyết triệt để các bệnh lý về gan, ngăn chặn tình trạng xơ hóa và giảm nguy cơ gây ung thư gan.
Thông qua các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, sinh thiết gan sẽ giúp bác sĩ có kết quả chẩn đoán xác định chính xác bạn đang gặp vấn đề gì ở gan.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách giúp phát hiện sớm các bệnh lý ở gan, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả, tránh biến chứng xấu
3. Nên làm gì nếu phát hiện mắc xơ gan
Trong trường hợp phát hiện mắc bệnh xơ gan, bác sĩ sẽ xây dựng biện pháp điều trị đúng nguyên nhân gây tổn thương gan nhằm mục đích ngăn chặn biến chứng của xơ gan, làm chậm quá trình hình thành mô sẹo tại gan.
Người bệnh cũng cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ về chế độ ăn uống sinh hoạt, luyện tập, liệu trình sử dụng thuốc, tránh bỏ lỡ các thời điểm điều trị khiến bệnh trở nên phức tạp, diễn biến xấu gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ trong việc điều trị biến chứng trên nền xơ gan.
Phòng tránh bệnh xơ gan là cách hiệu quả giúp phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư gan – căn bệnh ác tính hàng đầu có tỷ lệ tử vong cao.
4. Phòng ngừa bệnh xơ gan dẫn đến nguy cơ ung thư gan
– Để giảm tối đa khả năng mắc hai căn bệnh nguy hiểm này, bạn nên chủ động tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ em và cả người lớn khi lượng kháng thể trong người đã yếu hoặc hết.
– Đối với những người bệnh mắc viêm gan B hoặc C mạn tính thì cần theo dõi, thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ điều trị để hạn chế biến chứng như xơ gan và ung thư gan.
– Tránh sử dụng thức ăn sống để tránh nhiễm ký sinh trùng, sử dụng thực phẩm sạch an toàn không nhiễm hóa chất phẩm màu gây hại cho gan, tránh sử dụng rượu bia quá mức, chất kích thích, đồ chiên rán, nướng gây gánh nặng trọng việc đào thải ở gan.
– Ngủ nghỉ đầy đủ, đúng giờ giấc, duy trì cân nặng ở mức hợp lý bằng cách luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để tránh tình trạng thừa cân, béo phì, đồng thời nâng cao thể trạng, tăng cường đào thải độc tố ở gan.
Ung thư gan là một trong những biến chứng nguy hiểm hàng đầu của xơ gan, vậy nên xơ gan có phải ung thư gan không thì câu trả lời được khẳng định đây là 2 căn bệnh khác nhau. Việc để xơ gan tiến triển thành ung thư gan gây khó khăn cho các bác sĩ trong điều trị loại bỏ ung thư, từ đó khiến tiên lượng sống kém. Vậy nên cách tốt nhất là phát hiện sớm và điều trị triệt để các vấn đề về gan khi các vấn đề này chưa phát triển quá nhanh hình thành nên xơ gan hay bệnh ung thư gan ác tính.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.