Ung thư xương là một căn bệnh không còn xa lạ với chúng ta. Căn bệnh này còn đặc biệt phổ biến ở đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Vậy liệu ung thư xương có chữa được không?
1. Khái quát về ung thư xương
Ung thư xương xảy ra khi một khối u ác tính xuất hiện trong xương, khối u này sẽ dần phá hủy các mô xương khỏe mạnh. Ung thư xương có thể chia thành hai loại:
– Ung thư xương nguyên phát: Khối u xuất phát từ trong các tế bào xương
– Ung thư xương thứ phát: Khối u xuất phát từ cơ quan khác nhưng di căn đến xương.
1.1. Ung thư xương phát triển qua mấy giai đoạn?
Dựa vào mức độ phát triển của khối u, ung thư xương được chia thành 4 giai đoạn sau:
– Giai đoạn 1: Tế bào ung thư phát triển chậm, chưa lan từ xương đến các bộ phận khác.
– Giai đoạn 2: Tế bào ung thư có sự phát triển mạnh mẽ hơn nhưng vẫn chưa lan ra ngoài xương.
– Giai đoạn 3: Khối u xuất hiện tại ít nhất 2 vị trí trong cùng một xương.
– Giai đoạn 4: Khối u lan rộng ra ngoài xương, xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể.
Mỗi giai đoạn sẽ có đặc điểm khác nhau nên cần có phương pháp điều trị tương ứng
1.2. Nguyên nhân gây ung thư ở xương
Như đã đề cập ở trên, ung thư xương có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Trên thực tế, hầu hết những trường hợp mắc ung thư xương đều là kết quả của quá trình di căn tế bào ung thư ở các bộ phận khác sang. Chỉ một phần rất nhỏ trong số đó là ung thư xương nguyên phát.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư xương vẫn chưa được khẳng định. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ cao có thể gây nên ung thư xương bao gồm:
– Lỗi ở ADN khiến các tế bào phát triển và phân chia một cách không kiểm soát được.
– Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ion hóa như khi tiến hành xạ trị.
– Chấn thương hoặc gặp tai nạn khiến xương bị tổn thương nhưng không thể điều trị dứt điểm.
2. Ung thư xương có chữa được không?
Khi mắc ung thư xương, chắc hẳn người bệnh nào cũng lo lắng và băn khoăn rằng liệu căn bệnh này có chữa được không. Câu trả lời là nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị tích cực theo phác đồ phù hợp thì người bệnh hoàn toàn có cơ hội kéo dài tuổi thọ.
Để xây dựng được phác đồ điều trị cho người bệnh ung thư xương, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp chẩn đoán nhằm đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng có thể kể đến như:
– Xét nghiệm máu
– Chụp X-quang
– Chụp cắt lớp xương (chụp CT)
– Chụp cộng hưởng từ MRI
– Chụp cắt lớp phát xạ (PET)
– Chọc sinh thiết xương
Chụp cộng hưởng từ là một trong những phương pháp chẩn đoán ung thư chính xác
Sau đó, từ kết quả thu được kết hợp với khả năng đáp ứng và nguyện vọng của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
2.1. Phẫu thuật ung thư xương
Để loại bỏ được khối u cũng như một số mô xương bao quanh nó, phẫu thuật là phương pháp được cân nhắc đầu tiên. Nếu tình hình khả quan, người bệnh có thể được phẫu thuật bảo tồn chi. Đây là phương pháp giúp loại bỏ tế bào ung thư trong xương nhưng vẫn giữ lại được chân tay, đảm bảo chức năng hoạt động của những bộ phận này.
Ngược lại, nếu phải cắt bỏ xương thì bác sĩ có thể lấy xương từ một bộ phận khác của cơ thể hoặc dùng xương nhân tạo để cấy ghép cho bệnh nhân. Trong trường hợp không có phương án thay thế, người bệnh sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn chi.
2.2. Xạ trị ung thư xương
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ như tia X hoặc một số hạt mang năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này cũng thường được sử dụng trong điều trị ung thư xương.
Bằng cách tác động vào cấu trúc ADN của tế bào ung thư, xạ trị sẽ ngăn chúng tái sinh sản. Xạ trị có thể làm nhỏ dần kích thước khối u trước phẫu thuật hoặc tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Ngoài ra, xạ trị còn giúp giảm cảm giác đau đớn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộnở các bệnh nhân có ung thư tiến triển hơn.
Ngoài phẫu thuật, xạ trị còn có thể kết hợp cùng với hóa trị
2.3. Hóa trị ung thư xương
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc và hóa chất qua đường tĩnh mạch hoặc uống trực tiếp để phá hủy các tế bào ung thư. Trong điều trị ung thư xương, hóa trị có năm mục tiêu sau:
-Tác động trực tiếp vào khối u để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư xương.
– Ngăn chặn sự tái phát của ung thư, thường sử dụng sau phẫu thuật cắt bỏ khối u trong xương.
– Khống chế sự tăng sinh, làm chậm tốc độ phát triển của tế bào ung thư.
– Giảm bớt các triệu chứng ung thư xương ở người bệnh trong giai đoạn muộn.
– Kết hợp và bổ trợ cho phẫu thuật và xạ trị để tối ưu hiệu quả điều trị ung thư.
Như vậy, những thông tin trên đây hẳn đã có thể giúp bạn trả lời cho câu hỏi “ung thư xương có chữa được không”. Hãy luôn ghi nhớ, nên điều trị bất cứ bệnh ung thư nào càng sớm càng tốt và lựa chọn các cơ sở y tế uy tín thay vì nghe theo những bài thuốc chưa được khoa học kiểm chứng bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.