Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính đường tiêu hóa phổ biến hiện nay. Để biết rõ hơn về căn bệnh này, trước hết hãy cùng tìm hiểu ung thư dạ dày có dấu hiệu như thế nào bạn nhé!
1. Khái quát về ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển một cách bất thường và mất kiểm soát và hình thành các khối u. Bệnh sẽ tiến triển nặng theo thời gian, khi đó khối u ác tính có thể lan rộng ra xung quanh và xâm lấn nhiều cơ quan khác trong cơ thể, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Ung thư dạ dày thường phát triển theo 5 giai đoạn:
– Giai đoạn 0: Khối u chỉ xuất hiện trong lớp niêm mạc của thành dạ dày. Ung thư dạ dày giai đoạn 0 có tên gọi khác là ung thư biểu mô.
– Giai đoạn 1: Khối u làn đến lớp thứ hai của thành dạ dày bên dưới niêm mạc, chưa có triệu chứng rõ rệt và chưa xâm lấn các cơ quan khác.
– Giai đoạn 2: Khối u lan đến lớp dưới niêm mạc nhưng không xâm lấn hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
– Giai đoạn 3: Khối u lan đến lớp dưới niêm mạc và lớp cơ hoặc xâm lấn các cơ quan xung quanh như gan, đại tràng, hoặc lá lách. Tuy nhiên các tế bào ung thư chưa di căn đến hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa.
– Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối cùng của ung thư dạ dày, tế bào ung thư đã lan ra khắp cơ thể, tỷ lệ chữa khỏi rất thấp.
2. Ung thư dạ dày có dấu hiệu như thế nào?
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Bệnh hầu như chỉ được phát hiện khi đã xảy ra hiện tượng di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Để phát hiện bệnh sớm hơn, chúng ta cần lưu ý các dấu hiệu sau:
2.1. Đau bụng
Các cơn đau ban đầu xuất hiện từng đợt, khi chuyển sang ung thư sẽ càng đau trầm trọng hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã uống thuốc.
Đau bụng là một trong những dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất của ung thư dạ dày
2.2. Bụng chướng to
Bệnh nhân ung thư dạ dày thường có bị đầy bụng bất thường sau khi ăn và cảm thấy khó chịu, buồn nôn. Đặc biệt là bụng chướng to bất thường.
2.3. Thường xuyên ợ nóng
Ợ nóng có thể cảnh báo nguy cơ ung thư dạ dày bởi đây là triệu chứng khi dạ dày bị tổn thương và viêm loét do quá dư thừa axit.
2.4. Sút cân đột ngột
Đây là triệu chứng dễ thấy nhất ở những người mắc ung thư tiêu hóa. Chỉ trong một thời gian ngắn, người bệnh có thể mất đi 1/3 trọng lượng cơ thể.
2.5. Đại tiện phân đen hoặc lẫn máu trong phân
Thường xuất hiện ở bệnh nhân bị viêm loét dạ dày đã biến chứng nặng hoặc mắc polyp dạ dày.
2.6. Chán ăn, cơ thể mệt mỏi
Ung thư dạ dày sẽ khiến người bệnh luôn cảm thấy chán ăn trong suốt một thời gian dài, kèm theo triệu chứng khó nuốt, cảm giác thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng, sức khỏe suy giảm nhanh chóng.
Khối u phát triển trong dạ dày khiến cơ quan suy giảm chức năng, làm cho người bệnh cảm thấy chán ăn
2.7. Nôn ra máu
Nôn ra máu là một triệu chứng đặc biệt nguy hiểm có thể gặp phải khi bị ung thư dạ dày. Người bệnh cần đi khám ngay khi xuất hiện triệu chứng này.
3. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm có thể bắt gặp ở mọi đối tượng trong nhiều độ tuổi khác nhau do thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc do chịu sự tác động của các yếu tố tiêu cực đến sức khỏe.
Có 3 nhóm yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, lần lượt như sau:
3.1. Nhóm yếu tố về y tế
– Cơ thể bị xâm nhập và tấn công bởi vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP): loại vi khuẩn này khi vào trong cơ thể sẽ gây viêm loét dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của niêm mạc dạ dày, từ đó tạo nên những tổn thương tiền ung thư.
– Polyp dạ dày, viêm teo niêm mạc, dị sản ruột,… là nhóm bệnh tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới ung thư dạ dày nếu không sớm tiến hành điều trị.
– Chế độ ăn uống thiếu khoa học: ăn ít rau quả, trái cây, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, đồ đã chế biến sẵn, các món nhiều muối, dầu mỡ, thức ăn không được bảo quản đúng cách,… là những tác nhân thúc đẩy quá trình hình thành ung thư dạ dày.
– Viêm dạ dày mạn tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày và gây ra ung thư.
Những người có vi khuẩn HP trong dạ dày sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày
3.2. Nhóm yếu tố di truyền
Người bệnh có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày nếu:
– Trong gia đình có người thân (có quan hệ huyết thống) từng mắc ung thư dạ dày.
– Trong gia đình có người thân (có quan hệ huyết thống) từng mắc một số hội chứng như: Polyp, hội chứng Peutz – Jeghers,…
3.3. Nhóm yếu tố môi trường
– Người bệnh thường xuyên phải làm việc và tiếp xúc với các tia bức xạ.
– Người bệnh làm việc trong ngành cao su, khai thác than,…
Những đối tượng này có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn hẳn so với người bình thường.
Mong rằng bìa viết này đã có thể giải đáp câu hỏi “ung thư dạ dày có dấu hiệu như thế nào” mà bạn đang tìm kếm. Nếu phát hiện một trong số các triệu chứng kể trên, người bệnh cần chủ động đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán kịp thời và có hướng điều trị thích hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.