Bệnh mạch vành hiện là một gánh nặng cho rất nhiều người bệnh và toàn xã hội. Ước tính tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành ở Việt Nam chiếm khoảng 11 – 36%. Cùng tìm hiểu nguyên nhân bệnh mạch vành, các yếu tố nguy cơ và cách chẩn đoán bệnh chính xác qua bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân gây bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là tình trạng máu lưu thông kém qua mạch vành, khiến cơ tim không nhận đủ lượng máu cần thiết để hoạt động.
Nguyên nhân bệnh mạch vành được xác định chủ yếu là do xơ vữa động mạch vành. Các mảng xơ vữa được hình thành từ cholesterol, canxi và các chất dễ lắng đọng khác trong máu. Sự phát triển của các mảng xơ vữa khiến cho thiết diện của mạch máu bị thu hẹp lại, máu chảy qua mạch vành một cách khó khăn do gặp chướng ngại.
Hậu quả của tình trạng xơ vữa mạch vành là cơ tim bị thiếu máu, không nhận được đủ oxy cần thiết để hoạt động, làm xuất hiện những cơn đau tim, đau thắt ngực khó chịu. Khi mảng xơ vữa mềm vỡ ra, cơ thể sẽ tự làm lành vết thương bằng cách tập kết các tiểu cầu, gây hình thành cục máu đông. Nếu các cục máu đông quá lớn có thể làm tắc hoàn toàn động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Ngoài xơ vữa, có một số nguyên nhân khác gây bệnh mạch vành như:
– Chứng co thắt mạch vành
– Viêm mạch máu: lupus ban đỏ, bất thường mạch máu bẩm sinh
– Bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại dẫn đến suy vành cơ năng…
Nguyên nhân bệnh mạch vành chủ yếu được các chuyên gia xác định là do xơ vữa động mạch vành.
2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành
2.1 Các yếu tố không thay đổi được
– Tuổi tác
Các nghiên cứu cho thấy tuổi tác là một trong những yếu tố dự đoán bệnh tật quan trọng nhất và không ngoại lệ đối với bệnh mạch vành. Tuổi càng cao, nguy cơ xảy ra bệnh mạch vành cũng như các biến cố tim mạch càng lớn. Tuy bạn không thể thay đổi tuổi đời của mình có thể làm chậm lại quá trình suy vành do tuổi tác gây ra bằng việc ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý.
– Giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn nữ giới, thường chiếm khoảng 70% các trường hợp mắc bệnh mạch vành. Sau tuổi mãn kinh, tốc độ gia tăng các bệnh tim mạch ở phụ nữ càng nhanh. Vì vậy, nữ giới từ độ tuổi này có nguy cơ mắc bệnh mạch vành nhiều hơn.
– Yếu tố di truyền
Những người có người thân trong gia đình bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ sẽ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn những người khác. Yếu tố di truyền hiểu rộng ra còn bao gồm cả vấn đề chủng tộc.
2.2 Các yếu tố có thể thay đổi được
– Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch thường gặp nhất. Đối với các động mạch vành, tăng huyết áp làm tổn thương thành mạch, góp phần vào sự hình thành hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa mạch máu, gây nhiều biến cố tim mạch nguy hiểm.
– Tăng mỡ máu
Rối loạn chuyển hóa lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành. Việc tăng hàm lượng các chất béo trong máu khiến các mảng xơ vữa dễ hình thành và phát triển. Tuy nhiên đây là yếu tố có thể thay đổi được nếu người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị và có lối sống tích cực.
– Đái tháo đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường có tỉ lệ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Đặc biệt, đái tháo đường type 2 làm đẩy nhanh quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.
– Thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì ở các mức độ khác nhau đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Vì thế bạn nên kiểm soát cân nặng của mình để giảm thiểu khả năng mắc bệnh.
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh mạch vành.
– Hút thuốc lá
Không chỉ gây hại cho phổi, hút thuốc lá (bao gồm cả chủ động và thụ động) được khẳng định là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi và nhiều bệnh tim mạch khác.
Việc bỏ thuốc lá là biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Vì vậy, bạn nên hạn chế hút thuốc để phòng tránh và ngăn ngừa biến chứng do bệnh mạch vành gây ra.
– Lười vận động
Lối sống tĩnh, ngồi nhiều, ít vận động tại được coi là một nguy cơ đáng chú ý của các bệnh nhân tim mạch. Theo các chuyên gia, bạn nên vận động hàng ngày đều đặn ít nhất 30 phút để giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
– Uống rượu
Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng một cách chừng mực, không quá 1 lon bia 5% 330ml, hay 50ml rượu 30% độ cồn mỗi ngày, thì sẽ không gây ảnh hưởng đến tim mạch mà ngược lại còn có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Tuy nhiên nếu lạm dụng bia rượu, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh mạch vành rất cao.
3. Làm thế nào để xác định nguyên nhân gây bệnh mạch vành?
3.1 Xác định nguyên nhân bệnh mạch vành qua triệu chứng
Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực. Tỉ lệ bệnh nhân mạch vành có đau thắt ngực chiếm tới 50%.
Theo phân loại của Hội tim mạch Việt Nam, cơn đau ngực được chia thành 3 loại:
– Cơn đau thắt ngực điển hình: Người bệnh cảm thấy đau, tức ở giữa ngực, sau xương ức; đau xảy ra khi gắng sức hoặc căng thẳng, stress; giảm khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng Nitroglycerine.
– Đau ngực không điển hình: Cơn đau ngực có 2 trong 3 tiêu chuẩn trên.
– Đau ngực không đặc hiệu: Cơn đau ngực có ≤ 1 trong 3 tiêu chuẩn.
Đôi khi, người bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng, nhất là khi mức độ bệnh còn nhẹ. Muốn xác định bệnh mạch vành sớm, cách tốt nhất là thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng.
3.2 Xác định nguyên nhân bệnh mạch vành qua các xét nghiệm cận lâm sàng
Để chẩn đoán được nguyên nhân chính xác gây bệnh mạch vành và mức độ của bệnh, bạn cần thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như:
– Điện tâm đồ
Điện tâm đồ không có ý nghĩa trực tiếp trong chẩn đoán bệnh mạch vành nhưng có thể tăng thêm cơ sở cho việc chẩn đoán, đồng thời giúp tim kiếm các dấu hiệu loạn nhịp do thiếu máu cơ tim.
– Siêu âm tim
Siêu âm tim là phương pháp giúp nhận biết các dấu hiệu rối loạn vận động cơ tim thiếu máu. Các rối loạn bao gồm: giảm động, vô động, loạn động, thành tim mỏng và không dày lên trong thì tâm thu.
– Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT)
Đây là phương pháp khảo sát mạch vành không xâm lấn, cho kết quả chính xác tới 97-100%. Đồng thời giảm thiểu số lượng bệnh nhân phải chụp mạch vành xâm lấn một cách không cần thiết.
Chụp mạch vành bằng máy chụp cắt lớp vi tính là một trong những phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán nguyên nhân và mức độ bệnh mạch vành.
– Chụp cộng hưởng từ tim (MRI)
Kỹ thuật có độ phân giải không gian, tương phản mô mềm cao, nhiều mặt cắt, không sử dụng tia xạ, không xâm lấn. Phương pháp này có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh mạch vành, các bệnh lý van tim, tim bẩm sinh, cơ tim, suy tim…
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn nắm được các nguyên nhân bệnh mạch vành thường gặp, cách phòng tránh, cách chẩn đoán hiệu quả. Các kiến thức trên đây chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế việc thăm khám chuyên khoa. Khi có các biểu hiện của bệnh, bạn nên khám sớm tại chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.