Hẹp van 2 lá là dạng thường gặp nhất hiện nay trong các bệnh lý về van tim. Các triệu của bệnh thường ít biểu hiện, khi phát hiện thì bệnh thường đã ở giai đoạn nặng, thậm chí dẫn đến suy tim. Cùng tìm hiểu nguyên lý, triệu chứng và cách điều trị bệnh van tim này qua bài viết sau đây.
1. Tìm hiểu về bệnh hẹp van 2 lá
Trái tim bình thường có 4 buồng, 2 buồng nhĩ phía trên có vai trò nhận máu, 2 buồng thất phía dưới dùng để bơm máu. Giữa các buồng tim này và giữa tim với động mạch chủ có tồn tạo hệ thống van tim bao gồm: van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi có vai trò đóng – mở đúng lúc để dòng máu chỉ đi một chiều và tống đầy các buồng tim.
Trong đó, van 2 lá là van tim nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái, mở khi dòng máu từ nhĩ trái xuống thất trái và đóng lại để ngăn dòng máu chảy ngược về nhĩ trái. Hẹp van 2 lá tình trạng van tim không thể mở hoàn toàn khiến khả năng bơm máu của tim bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho biết hẹp van tim 2 lá đang chiếm đa số các trường hợp mắc bệnh lý van tim. Đặc biệt ở các nước đang phát triển, bệnh này thường tiến triển nặng hơn ở người trưởng thành với tỷ lệ cao ở phụ nữ.
Van 2 lá là van tim có nhiệm vụ giữ cho máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái theo 1 chiều. Khi van này bị hẹp, không thể mở hoàn toàn có thể khiến lưu lượng máu xuống thất trái giảm.
2. Nguyên nhân gây hẹp ở van 2 lá
Van 2 là bị hẹp có thể do rất nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là:
– Sốt thấp khớp, viêm nội tâm mạc do liên cầu khuẩn nhóm A: Thông thường những trường hợp này, van tim có thể bị dính lại và gây hẹp van 2 lá sau khoảng 5 đến 10 năm sau.
– Vôi hóa vòng van: Van tim bị hẹp do canxi tích tụ xung quanh và khiến van tim mất đi sự đàn hồi, không còn khả năng mở hoàn toàn.
– Bệnh tự miễn: Một số bệnh tự miễn như viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,… cũng có thể liên quan đến tình trạng hở van 2 lá.
– Rối loạn nội tiết: Tiêu biểu là hội chứng chuyển hóa U carcinoid.
– Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ như vòng thắt trên van hay van hai lá hình dù,… có thể là nguyên nhân gây bệnh hẹp van hai lá.
Các đối tượng có nguy cơ bị hẹp van hai lá gồm: những người đã từng bị sốt thấp khớp, từng mắc bệnh tự miễn, người già, người thường xuyên hút thuốc lá, có bệnh về huyết áp, người bệnh tiểu đường,…
3. Các triệu chứng của bệnh hẹp van tim 2 lá
Bệnh không quá nguy hiểm nhưng thường ít biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm. Thực tế, rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, van 2 lá đã hẹp nặng và thậm chí đã tiến triển đến giai đoạn suy tim.
Do vậy, bạn tuyệt đối không nên chủ quan, hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường dưới đây:
+ Khó thở khi nằm, kịch phát về đêm hoặc khi gắng sức
+ Hay mệt mỏi, dễ bị đuối sức, đặc biệt khi chạy bộ hoặc leo cầu thang,…
+ Đau tức, khó chịu ở ngực
+ Ho ra máu
+ Hồi hộp, tim đập nhanh
+ Phù chân ấn lõm
+ Bị chóng mặt, ngất
Các triệu chứng này thường rõ ràng hơn khi người bệnh gắng sức hoặc khởi phát trong trường hợp nhiễm trùng hoặc mang thai.
Khó thở, đau ngực khi nằm có thể là triệu chứng cho thấy van tim 2 lá bị hẹp.
4. Chẩn đoán và điều trị hẹp van hai lá như thế nào?
4.1 Các phương pháp chẩn đoán bệnh hẹp van 2 lá
Tại chuyên khoa Tim mạch, bệnh nhân được chẩn đoán các bất thường van tim qua quá trình hỏi bệnh, thăm khám thực thể, nghe tim, phổi.
Khi khám lâm sàng, nếu thấy các dấu hiệu âm thổi ở tim, sung huyết phổi, nhịp tim không đều, các bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ về tình trạng hẹp van hai lá.
Để chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các phương pháp cận lâm sàng gồm:
– Siêu âm tim
– Điện tâm đồ
– Chụp X-quang ngực
Ngoài ra, một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác có thể được tiến hành để khẳng định hoặc loại trừ các bệnh lý khác, từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
4.2 Phương pháp điều trị hẹp van 2 lá
– Hẹp van tim hai lá có chữa được không?
Bệnh hẹp van tim hai lá hiện nay có thể được điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc, phẫu thuật và thay đổi lối sống. Tuy nhiên các phương pháp này không thể khiến van tim hết hẹp hoàn toàn và vẫn có nguy cơ tái phát. Vì vậy, việc điều trị hẹp van hai lá là quá trình bền bỉ, cần sự theo dõi thường xuyên.
Nếu đã được chẩn đoán hẹp van tim 2 lá, dù chưa có triệu chứng, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất và tuân thủ điều trị.
– Hẹp van tim 2 lá điều trị bằng thuốc gì?
Thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông, thuốc chống loạn nhịp, kháng sinh phòng sốt thấp,… là những loại thuốc thường dùng trong điều trị hẹp van tim 2 lá. Khi điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh loại thuốc và liều dùng để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị chung.
– Phẫu thuật van tim dùng trong trường hợp nào?
Các phương pháp phẫu thuật van 2 lá thường được chỉ định trong các trường hợp người bệnh không đáp ứng điều trị bằng thuốc, hoặc khi van tim đã hẹp nặng, có biến chứng.
– Người bệnh hẹp van 2 lá nên ăn, uống, sinh hoạt như thế nào?
+ Hạn chế ăn đồ ăn, thức uống nhiều muối
+ Duy trì cân nặng trong giới hạn và giảm cân nếu bị béo phì
+ Tiêu thụ cafein phù hợp, tránh gây rối loạn nhịp tim
+ Tập luyện thể thao phù hợp, tránh gắng sức quá mức
+ Nói không với rượu, hút thuốc lá
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần đi khám ngay khi thấy khó thở, tức ngực và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản nếu mắc bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có thai, vì việc mang thai có thể làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh.
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà sẽ có những phương pháp điều trị hẹp van tim 2 lá khác nhau.
Hi vọng những thông tin về bệnh hẹp van 2 lá vừa được chia sẻ đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này và chủ động thăm khám, chăm sóc sức khỏe. Thông tin chỉ mang tính tham khảo, khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.