Hẹp van động mạch phổi là bệnh lý gây chiếm 7 – 12% các bệnh tim bẩm sinh, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, dị tật bẩm sinh không phải nguyên nhân duy nhất khiến van động mạch phổi bị hẹp. Các triệu chứng của bệnh cũng biểu hiện hết sức đa dạng trên từng bệnh nhân. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và các biến chứng thường gặp của căn bệnh này qua bài viết sau đây.
1. Hẹp van động mạch phổi là gì?
Hẹp van động mạch phổi là tình trạng van động mạch phổi bị mở hạn chế trong trong thì tâm thu khiến máu không được tống từ tâm thất phải vào động mạch phổi.
Trong cấu tạo tim người, van động mạch phổi là van nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi, giúp máu được bơm lên phổi một cách nhịp nhàng trong từng chu kỳ co bóp của tim.
Cụ thể, lúc van này hoạt động bình thường, dòng máu từ tâm thất phải sẽ chảy theo một chiều tới động mạch phổi, đưa đến phổi để lấy oxy và trao đổi chất. Sau đó, máu giàu oxy sẽ theo tĩnh mạch phổi trở về tim và được bơm đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Nhưng vì nhiều lý do, van động mạch phổi không thể mở hoàn toàn khiến lượng máu đến phổi không còn đạt tối đa, làm giảm chất lượng máu cung cấp cho hệ tuần hoàn.
Trong nhiều trường hợp, van động mạch phổi nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi không thể mở được hoàn toàn để tống máu tới động mạch phổi.
2. Nguyên nhân khiến van động mạch phổi không thể đóng khít
Bẩm sinh là nguyên nhân chủ yếu khiến van động mạch phổi bị hẹp. Khuyết tật này thường được chẩn đoán chỉ vài giờ đầu tiên sau khi sinh. Do những khiếm khuyết khi hình thành bào thai mà van này có cấu tạo không bình thường.
Cụ thể, thay vì mở và đóng linh hoạt để máu có thể đi từ tim đến phổi, van động mạch phổi lại tồn tại như một mô rắn khiến máu không thể di chuyển bình thường để lấy oxy từ phổi. Một phần máu sẽ đi đến phổi qua các con đường tự nhiên khác trong tim và động mạch của nó.
Khi còn trong bụng mẹ, những đoạn mạch là cần thiết nhưng chúng thường đóng ngay lại sau khi trẻ sinh ra. Nếu sau khi sinh, những động mạch này không được đóng lại thì có thể gây nguy hiểm đến khả năng hô hấp và tuần hoàn của trẻ.
Theo thống kê, hẹp động mạch phổi chiếm 7-12% các bệnh tim bẩm sinh và thường được chẩn đoán chỉ vài giờ đầu tiên sau khi sinh. Hẹp tại van động mạch phổi đơn thuần chiếm 80 – 90% các trường hợp tắc nghẽn đường ra thất phải.
Ba hình thái bệnh thường gặp trên lâm sàng là:
– Van động mạch phổi chỉ có một hay hai lá van
– Van động mạch phổi có ba lá van dày, kém di động, mở dạng vòm
– Van động mạch phổi thiểu sản
3. Các triệu chứng cảnh báo van động mạch phổi bị hẹp
3.1 Triệu chứng hẹp van động mạch phổi toàn thân
Các trường hợp van động mạch phổi hẹp đơn thuần thường không có biểu hiện toàn thân. Bệnh nhân vẫn phát triển thế chất và tinh thần một cách bình thường.
Trong khi đó, các thể bệnh khác thường gây ra các triệu chứng như:
– Chậm phát triển thể chất, sinh dục
– Cổ thừa da, tai đóng thấp, hàm nhỏ
– Biến dạng lồng ngực
– Chậm phát triển tinh thần, chiếm 30% bệnh nhân
– Điếc
– Đục thủy tinh thể
Đặc biệt, các triệu chứng của bệnh ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện một cách rõ nét gồm:
Nếu trẻ sinh ra với chứng hẹp động mạch phổi, các triệu chứng sẽ được nhận thấy ngay sau khi sinh. Triệu chứng hẹp động mạch phổi có thể xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày.
– Da xanh xám, xanh tím, tái nhợt
– Da lạnh, ẩm ướt
– Thở nhanh hoặc khó thở
– Bú kém, khó thở tăng khi bú
Khó thở là một triệu chứng dễ thấy khi van động mạch phổi bị hẹp vừa và nặng.
3.2 Các triệu chứng báo hiệu bệnh hẹp van động mạch phổi nặng
Ở những bệnh nhân vừa và nặng, hẹp rất khít van động mạch phổi, các dấu hiệu thường xuất hiện ở bệnh nhân là:
– Khó thở
– Đau ngực
– Mất ý thức (ngất xỉu)
– Mệt mỏi
– Thấy rung miu tâm thu, tiếng thổi tim
Bệnh nhân gặp phải những triệu chứng nào, các triệu chứng xuất hiện ít hay nhiều còn phụ thuộc vào mức độ hẹp của van động mạch phổi. Các chẩn đoán nguyên nhân và mức độ của bệnh cần phải được thực hiện tại chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả chính xác và hướng điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
4. Biến chứng của bệnh
Những người bị có van động mạch phổi hẹp nhẹ đến trung bình thường ít gặp phải biến chứng. Tuy nhiên, nếu hẹp van mức độ nặng hơn, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng sau đây:
– Nhiễm trùng
Những người mắc bệnh hẹp động mạch phổi có nguy cơ nhiễm trùng rất cao do vi khuẩn trong lớp lót bên trong của tim, còn gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
– Phì đại thất phải
Trong bệnh cảnh hẹp động mạch phổi nặng, để đảm bảo đủ lượng máu cung cấp cho động mạch phổi, tâm thất phải phải bơm mạnh hơn so với bình thường. Điều này khiến cơ của thành tâm thất dày lên và khoang chứa trong tâm thất to ra. Hiện tượng này được gọi là phì đại tâm thất phải. Tình trạng này kéo dài khiến tim trở nên cứng và suy yếu.
Phì đại thất phải là một trong những biến chứng của bệnh lý ở van động mạch phổi.
– Suy tim
Nếu tâm thất phải trở nên yếu và không thể bơm máu một cách hiệu quả, suy tim phát triển. Điều này dẫn đến phù chân và bụng, cũng có thể gây ra mệt mỏi và khó thở.
– Rối loạn nhịp tim
Nhịp tim không đều là biến chứng có thể xảy ra ở những người bị hẹp động mạch phổi. Rối loạn nhịp liên quan đến hẹp động mạch phổi thường không đe dọa tính mạng trừ những trường hợp hẹp nghiêm trọng.
Hẹp van động mạch phổi thường không phải là bệnh cấp tính nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của tim và chất lượng dòng máu cung cấp cho hệ tuần hoàn. Vì thế bạn cần bảo vệ hệ thống van tim cũng như toàn bộ hệ tim mạch để tránh những nguy cơ không mong muốn đối với sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.