Tuy không phổ biến và nguy hiểm như bệnh hẹp van tim 2 lá hay hẹp van động mạch chủ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh hẹp van tim 3 lá vẫn có thể gây những nguy hại đến sức khỏe như suy tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…Vậy bệnh hẹp van 3 lá là gì, có nguy hiểm không, triệu chứng và cách chẩn đoán, điều trị bệnh này ra sao?
1. Hẹp van tim 3 lá là bệnh gì?
Trong hệ thống van tim của chúng ta, van 3 lá là van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Thông thường, khi tâm nhĩ phải co lại để bơm máu tống xuống thất phải thì van 3 lá mở ra. Khi tâm thất co lại tống máu ra động mạch phổi thì van này đóng lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ.
Hẹp van 3 lá là hiện tượng van 3 lá bị cứng, hẹp, không mở được hoàn toàn khiến tâm thất không nhận đủ lượng máu cần thiết.
Hẹp van 3 lá là hiện tượng van giữa nhĩ phải và thất phải không mở được hoàn toàn
2. Nguyên nhân hẹp van 3 lá
Phần lớn bệnh nhân hẹp van tim 3 lá là do nhiễm trùng tim. Trong một số trường hợp hiếm, tổn thương van ba lá cũng có thể là do nguyên nhân bẩm sinh.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có thể gây hẹp van 3 lá như:
– Sốt thấp khớp
– Có khối u ở tim
– Hội chứng Marfan
– Bệnh tim bẩm sinh Ebstein
– Lupus ban đỏ hệ thống
– Bệnh lý thấp khớp, viêm khớp dạng thấp
– Do tác dụng phụ của một số thuốc
3. Triệu chứng của bệnh
Đối với những trường hợp hẹp van 3 lá nhẹ, bệnh nhân thường không có triệu chứng. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và trở nên rõ rệt sau vài năm bao gồm:
– Sưng bàn chân, cẳng chân hoặc bụng
– Khó thở
– Nhịp tim rối loạn, lúc nhanh lúc chậm
– Ho ra máu
– Đau ngực
– Mệt mỏi
Đây thường là những dấu hiệu cảnh báo suy tim mà người bệnh cần hết sức lưu tâm. Nếu bạn có một trong các triệu chứng trên, đặc biệt là cảm giác mệt mỏi, khó thở ngay cả khi hoạt động nhẹ nhàng, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và thực hiện các chẩn đoán cần thiết, giúp đưa ra kết luận chính xác và phương án điều trị hiệu quả.
4. Chẩn đoán hẹp van 3 lá bằng cách nào?
Do những triệu chứng của bệnh hẹp van 3 lá thường mờ nhạt nên để phát hiện bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu bạn nên khám tim mạch sớm hoặc khám ngay khi nhận thấy những triệu chứng bất thường.
Tại các chuyên khoa tim mạch, quy trình thăm khám để chẩn đoán hẹp van tim 3 lá thường bao gồm các bước:
4.1 Khám lâm sàng
+ Hỏi triệu chứng
+ Hỏi tiền sử bệnh
+ Nghe tim để kiểm tra có tiếng máu chảy trong van một cách bất thường hay không
4.2 Khám cận lân sàng bệnh hẹp van tim 3 lá
Bao gồm siêu âm tim, chụp X-quang ngực và điện tâm đồ.
+ Siêu âm tim được đánh giá là phương pháp rất giá trị giúp tìm ra các dấu hiệu của bệnh hẹp van ba lá và các bệnh van tim nói chung. Phương pháp này cho phép quan sát rõ hình ảnh của tim, van tim, cơ tim, giúp đánh giá mức độ hẹp của van tim
+ Điện tâm đồ cho ta thấy những thay đổi trong hoạt động của tim như nhịp đập bất thường.
Ngoài ra, một số xét nghiệm, chẩn đoán khác có thể được sử dụng để chẩn đoán nâng cao hoặc phân biệt. Qua các chẩn đoán này, các bác sĩ sẽ có được nhận định chính xác về tình trạng của bệnh nhân.
Người có van tim 3 lá bị hẹp ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện cần được chẩn đoán qua thăm khám với chuyên gia và các xét nghiệm chuyên sâu.
4. Bị bệnh hẹp van 3 lá có nguy hiểm tới tính mạng không?
Bệnh hẹp van 3 lá nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Biến chứng nguy hiểm nhất mà bệnh nhân thường gặp phải là suy tim.
Cụ thể, sau một thời gian, máu bị ứ đọng ở tâm nhĩ làm cho buồng tim này bị phình to ra. Trong khi đó, tâm thất bị teo lại do không được nhận đủ máu. Tâm nhĩ phải hoạt động nhiều hơn nên ngày càng lớn hơn và trở nên kém hiệu quả khi truyền máu sang tâm thất phải. Tâm thất bị teo sẽ làm giảm cung lượng máu đến tim. Những điều này gây nên tình trạng suy tim.
Bên cạnh đó, máu tích tụ nhiều ở buồng tâm nhĩ cũng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khổi. Các cục máu đông này di chuyển trong tuần hoàn. Hậu quả là gây tai biến mạch máu não do tắc mạch máu não, nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành.
5. Cách điều trị bệnh hẹp van tim
Việc điều trị bệnh hẹp van 3 lá nhằm mục đích giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng. Cụ thể có các phương pháp điều trị bệnh hẹp van 3 lá như sau:
5.1 Thay đổi lối sống – Phương pháp điều trị hỗ trợ và phòng ngừa hẹp van tim 3 lá hiệu quả
Các bệnh nhân bị hở van tim 3 lá mức độ nhẹ (1/4) thường không cần phải điều trị. Tuy nhiên, dù may mắn phát hiện sớm ở giai đoạn này, bạn cũng nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn. Lời khuyên dành cho các bệnh nhân bị hở van 3 lá:
– Nên ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả, tăng cường các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đạm từ thực vật, cá.
– Tránh chất béo bão hòa, đường, muối.
– Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng như dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ, bơi lội…, cường độ tăng dần theo thời gian. Cố gắng duy trì thường xuyên ít nhất 5 buổi/tuần.
– Vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng tim. Điều trị triệt để nếu mắc bệnh nhiễm trùng như sốt, đau họng, mệt mỏi…
Việc này được khuyến khích duy trì trong suốt quá trình điều trị dù bệnh nhân mắc chứng hẹp van tim ở giai đoạn nào.
Tập luyện đều đặn, vừa sức giúp máu lưu thông, cải thiện tình trạng hẹp van
5.2 Điều trị bằng các phương pháp y khoa
Nếu phát hiện bệnh ở những giai đoạn nặng hơn hoặc hẹp van nhẹ nhưng nguyên nhân do bệnh lý, bạn thường phải điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc được sử dụng cho các bệnh nhân trong trường hợp này thường là: thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh,…
Nếu bệnh nhân hẹp van 3 lá quá nặng, đặc biệt đã xuất hiện các biến chứng thì các bác sĩ có thể chỉ bệnh nhân thực hiện phẫu thuật sửa chữa hoặc thay van để phục hồi chức năng của van tim.
Hi vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh hẹp van tim 3 lá, từ đó nhận diện và điều trị bệnh này hiệu quả. Lưu ý, các thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo và không thay thế cho các chẩn đoán y khoa. Bạn nên chủ động thăm khám tim mạch định kỳ hoặc đi khám sớm khi có các dấu hiệu bất thường để phát hiện và điều trị các bệnh lý tim mạch ngay từ đầu với sự đồng hành của các bác sĩ chuyên khoa. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh cũng như phương pháp điều trị, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.