Nếu bạn thấy có triệu chứng mặt bị co giật, yếu cơ hoặc liệt nửa mặt nên đi khám, vì đây là dấu hiệu của bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (liệt mặt). Cùng tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi, để hiểu hơn về căn bệnh này.
1. Bệnh liệt dây thần kinh số 7
Liệt dây thần kinh mặt (tên tiếng anh là Bell’s Palsy), thực chất là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Điều này có nghĩa là các cơ bắp ở một bên mặt bị tê liệt tạm thời (trong hầu hết trường hợp) với mức độ khác nhau.
Điều này xảy ra do các dây thần kinh vận động bị xáo trộn theo cách nào đó. Dây thần kinh số 7 (dây thần kinh mặt) điều khiển các cơ bắp, kiểm soát việc nhắm mắt, chớp mắt, cười hoặc nhăn mặt.
Ngoài việc điều khiển cơ mặt thì dây thần kinh số 7 còn đóng vai trò trong việc điều khiển nước mắt, tuyến mồ hôi và tuyến nước bọt.
2. Liệt dây thần kinh số 7 sẽ có cảm giác ra sao?
Ban đầu bạn sẽ có cảm giác mặt bị co giật, yếu cơ hoặc bị liệt ở một bên mặt, hiếm khi là cả hai bên mặt. Các triệu chứng khác này có thể bao gồm mí mắt, khóe miệng xệ xuống, nhỏ dãi, khô mắt, khô miệng, vị giác bị tổn thương, chảy nước mắt quá nhiều ở một bên mắt. Những cảm giác này có thể thay đổi từ yếu nhẹ cho đến liệt hoàn toàn.
Hầu hết các triệu chứng này thường khởi phát một cách bất ngờ. Thường đạt mức cao điểm trong vòng 48 giờ. Điều này khiến khuôn mặt người bệnh bị méo mó đáng kể.
Các triệu chứng khác có thể gồm có đau nhức, khó chịu quanh hàm và sau tai, ù tai (ở một hoặc cả hai tai), nhức đầu, mất mát vị giác. Phía tai bị ảnh hưởng thường sẽ rất nhạy cảm đối với tiếng động. Người bệnh thường có vấn đề trong việc nói năng, cảm thấy choáng váng, khó khăn trong việc ăn uống (nhai nuốt).
Mô tả vị trí dây thần kinh số 7 ngoại biên và biểu hiện liệt dây thần kinh số 7
3. Vì sao bạn lại bị liệt dây thần kinh số 7?
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên xảy ra khi dây thần kinh điều khiển cơ mặt này bị sưng, viêm, chèn ép, làm cho cơ mặt bị yếu hoặc bị liệt. Tuy nhiên, trên thực tế điều gì thực sự gây ra những tổn hại này thì vẫn không được biết rõ.
Đa số các chuyên gia cho rằng việc nhiễm khuẩn siêu vi đã gây ra chứng rối loạn này. Điều này được lý giải rằng, dây thần kinh mặt bị sưng và viêm nhiễm trong việc phản ứng đối với nhiễm trùng đã gây ra sức ép trong ống Fallopio và dẫn tới chứng thiếu máu cục bộ (sự cản trở máu và oxygen tới tế bào thần kinh). Trong các trường hợp nhẹ thì dây thần kinh bị ảnh hưởng ít hơn.
Chứng rối loạn này có liên kết với chứng cúm hoặc bệnh giống cúm, nhức đầu, nhiễm trùng tai giữa mạn tính, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh sarcoid, ung bướu, bệnh Lyme, các chấn thương như nứt sọ hoặc thương tích trên mặt.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh liệt mặt
4.1 Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Việc chẩn đoán chứng liệt dây thần kinh mặt được dựa trên triệu chứng lâm sàng (bác sĩ khám bệnh) và bằng cách loại trừ các nguyên nhân khả hữu khác của việc bị liệt cơ mặt, chẳng hạn như đột quỵ. Không có thử nghiệm cụ thể nào để khẳng định việc chẩn đoán của chứng rối loạn này.
Một thử nghiệm gọi là điện cơ đồ (electromyography – EMG) có thể khẳng định rằng có sự tổn hại dây thần kinh và xác định trầm trọng và mức độ liên quan của dây thần kinh. Việc thử máu đôi khi có thể giúp ích chẩn đoán các vấn đề khác mà xảy ra cùng lúc chẳng hạn như tiểu đường và một số bệnh nhiễm trùng. Các thử nghiệm khác chẳng hạn như dò CT hoặc MRI chỉ có thể được thực hiện nếu có đề nghị trong kết quả khám lâm sàng.
Ứng dụng điện cơ đồ (electromyography – EMG) để chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7.
4.2 Điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Phụ thuộc vào từng cá nhân, tùy theo nguyên nhân được tìm thấy và các vấn đề nào khác. Các loại thuốc steroid như prednisone và thuốc giảm đau hiện là cách điều trị chính yếu.
Điều quan trọng không kém khi chữa trị liệt dây thần kinh số 7 là bảo vệ cho mắt.
Chứng liệt dây thần kinh mặt có thể ngăn trở khả năng nháy mắt tự nhiên của mí mắt, dễ dẫn đến xốn mắt và khô mắt. Do đó, điều quan trọng là giữ cho mắt được ẩm và bảo vệ mắt khỏi bị thương tích hoặc các mảnh vụn văng vào, nhất là vào ban đêm. Các thuốc nhỏ mắt giúp cho mắt trơn ướt, chẳng hạn như nước mắt nhân tạo (dùng cách mỗi giờ trong ngày) hoặc thuốc hoặc gel nhỏ mắt (dùng ban đêm) và băng che mắt cũng có hiệu quả. Nếu bị đau mắt, hãy gặp bác sĩ ngay.
Đối với một số bệnh nhân, phương pháp vật lý trị liệu để kích thích dây thần kinh mặt và giúp duy trì sức mạnh của cơ mặt có thể giúp ích.
Các bài tập thể dục và xoa bóp vùng mặt có thể giúp ngăn ngừa việc co lại vĩnh viễn (cơ bị co rút hoặc ngắn lại) của cơ bị liệt trước khi phục hồi trở lại. Sức nóng ẩm được đắp trên vùng mặt bị ảnh hưởng có thể giúp giảm đau.
Các liệu pháp khác có thể giúp ích cho một số người kể cả kỹ thuật thư giãn, châm cứu, kích thích bằng điện, huấn luyện cách phản hồi sinh học (biofeedback training), và trị liệu bằng vitamin (kể cả vitamin B12, B6, và kẽm [zinc]).
Khám và điều trị liệt dây thần kinh số 7 với chuyên gia Nội thần kinh của Thu Cúc TCI.
5. Tình trạng sau điều trị của bệnh nhân
Tiên lượng phục hồi cho cá nhân bị liệt dây thần kinh mặt thường là rất tốt. Mức độ thương tổn dây thần kinh sẽ quyết định mức độ phục hồi.
Việc phục hồi sẽ dần dà xảy ra và thời gian phục hồi sẽ thay đổi tùy trường hợp. Với chữa trị hoặc không có chữa trị, hầu hết người bệnh sẽ đỡ hơn trong vòng 2 tuần sau khi triệu chứng khởi phát lần đầu và hầu hết sẽ bình phục hoàn toàn, trở lại chức năng bình thường trong vòng 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, đối với một số người, triệu chứng có thể kéo dài lâu hơn. Trong một vài trường hợp, các triệu chứng có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn. Trong các trường hợp hiếm, chứng rối loạn này có thể tái phát, cùng bên mặt đã bị ảnh hưởng trước kia hoặc ở bên kia của mặt.
Thường bạn sẽ được khuyên trở lại bác sĩ gia đình để được theo dõi tiếp. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Hãy dùng thuốc theo như đã được kê toa và nếu triệu chứng trở nên tệ hơn hoặc bạn cảm thấy không khỏe, hãy gặp bác sĩ ngay.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.