Hở động mạch vành là một hiện tượng tổn thương mạch vành ít gặp nhưng có thể gây nguy hiểm do làm gián đoạn quá trình cung cấp máu cho tim. Vậy hở động mạch vành là gì, mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào những yếu tố nào và làm sao để chẩn đoán? Hãy cùng tìm hiểu bài viết sau đây để cùng tìm câu trả lời.
1. Hở động mạch vành là hiện tượng gì?
Động mạch vành là hệ thống mạch máu có nhiệm vụ đưa máu giàu dinh dưỡng và oxy đến nuôi dưỡng cơ tim. Bình thường động mạch như một “đường ống” kín để chứa và đưa máu đến cơ tim. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, động mạch này có thể bị hở dẫn tới máu bên trong bị rò rỉ ra bên ngoài.
Cho đến nay nguyên nhân chủ yếu gây hở mạch vành là tình trạng bóc tách động mạch vành tự phát, xảy ra khi một vết rách đột ngột xuất hiện trên mạch vành. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết các trường hợp là những người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 30 và 50.
Một số trường hợp chấn thương hoặc tăng huyết áp cũng có thể gây tổn thương và rách vỡ mạch vành.
Động mạch vành có thể bị hở do các mạch máu nuôi tim bị rách, vỡ.
2. Động mạch vành bị hở có nguy hiểm không?
Đây là một tình trạng cấp tính hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Bởi bóc tách động mạch vành tự phát có thể làm gián đoạn đột ngột quá trình vận chuyển máu, làm chậm lại hoặc ngăn chặn hoàn toàn dòng máu đến nuôi cơ tim. Người bệnh có thể gặp một cơn đau tim, nhịp tim bất thường hoặc tử vong đột ngột mà không được báo trước.
Hiện tượng này khiến giảm lưu lượng máu đến tim dẫn đến tình trạng đột quỵ tim.
3. Các yếu tố nguy cơ gây hở mạch vành
Do nguyên nhân chủ yếu gây hở mạch vành là bóc tách động mạch nên các yếu tố gây bóc tách cũng là những tác nhân làm tăng nguy cơ hở mạch vành, bao gồm:
3.1 Giới tính
Mặc dù hiện tượng bóc tách mạch vành có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính, nhưng bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ thường xuyên hơn. Đặc biệt, một số phụ nữ gặp phải hiện tượng bóc tách động mạch vành sau khi sinh khoảng vài tuần.
3.2 Bất thường mạch máu
Những tình trạng mạch máu tiềm ẩn có thể liên quan đến bệnh. Trong đó phổ biến nhất là tình trạng sợi cơ loạn sản (FMD). Hiện tượng này gây ra do sự phát triển bất thường các tế bào trong thành của một hoặc nhiều động mạch, làm suy yếu thành động mạch, dẫn đến tắc nghẽn, rách hoặc phình mạch. Sợi cơ loạn sản cũng có thể gây huyết áp cao, đột quỵ và vết rách trong các mạch máu khác. Yếu tố này cũng thường xảy ra ở nữ giới hơn nam giới.
3.3 Tập thể dục quá sức
Nếu tập tập thể dục quá mức với tần suất và cường độ cao thì có thể gây tổn tương mạch máu, điển hình là hiện tượng rách, vỡ mạch.
Tập luyện quá sức có thể là nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao, gây rách , hở mạch vành.
3.4 Căng thẳng cảm xúc nghiêm trọng
Trải qua căng thẳng cảm xúc đặc biệt nghiêm trọng có thể khiến người bệnh có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
3.5 Các vấn đề mạch máu
Các bệnh gây viêm các mạch máu như lupus và viêm nút quanh động mạch, có liên quan đến bóc tách động mạch vành tự phát.
3.6 Bệnh mô liên kết di truyền
Bệnh di truyền gây ra vấn đề với mô liên kết của cơ thể như hội chứng mạch máu Ehlers-Danlos và hội chứng Marfan thường được tìm thấy ở những người bị bóc tách động mạch vành tự phát.
3.7 Huyết áp rất cao
Bệnh cao huyết áp nghiêm trọng không được điều trị có thể khiến động mạch suy yếu, rách, vỡ và bóc tách bất cứ lúc nào.
3.8 Sử dụng các chất ma túy
Sử dụng cocaine hoặc các loại thuốc bất hợp pháp khác có thể làm tăng nguy cơ bị bóc tách động mạch vành tự phát, gây hở mạch vành.
4. Chẩn đoán hở mạch vành
4.1 Chẩn đoán hở động mạch vành qua các triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng bóc tách mạch vành gồm:
– Chóng mặt
– Đau ngực
– Buồn nôn
– Nôn
– Hơi thở ngắn
– Đau cánh tay hoặc hàm
– Tăng nhịp tim
– Kiệt sức
– Vã mồ hôi
Các phương pháp hiện đại như siêu âm tim, chụp CT mạch vành, chụp MRI mạch vành có thể giúp phát hiện các tổn thương mạch vành.
4.2 Chẩn đoán cận lâm sàng giúp xác định nguyên nhân và mức độ hở động mạch vành
Các xét nghiệm và phương pháp thăm dò, chẩn đoán hình ảnh có tác dụng phát hiện tổn thương cơ tim, đánh giá các cơn đau ngực bao gồm: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT). Trong các trường hợp hở mạch vành do chấn thương, các phương pháp chụp X-quang, chụp cộng hưởng (MRI) từ có thể được sử dụng để tìm kiếm các tổn thường bằng cách tái hiện những hình ảnh rõ nét, chân thực.
5. Điều trị hở mạch vành
Mục tiêu của điều trị hở mạch vành là khôi phục lưu lượng máu đến tim.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tim mạch sau bóc tách như:
– Aspirin: Ngăn ngừa các vấn đề về bệnh tim mạch sau bóc tách động mạch vành tự phát.
– Thuốc kháng tiểu cầu: Làm giảm số lượng và hoạt động tiểu cầu đông trong máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch bị rách.
– Thuốc huyết áp: Giảm nhu cầu máu của tim, giảm áp lực trong động mạch bị tổn thương.
– Nitrat và thuốc chẹn kênh canxi: Giúp điều trị cơn đau ngực có thể gặp phải sau bóc tách.
– Thuốc giảm cholesterol: Ngăn chặn xơ vữa mạch máu do rối loạn mỡ máu, giảm nguy cơ tái phát bệnh và suy yếu động mạch.
Một số trường hợp động mạch vành được tái tưới máu tự nhiên. Nhưng ở những người khác, có thể các bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp nhằm “vá” chỗ hở.
Lưu ý, việc sử dụng phương pháp nào cần dựa trên kết quả thăm khám kỹ càng và được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa để quá trình điều trị trở nên hiệu quả và an toàn.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng hở động mạch vành và những hệ lụy đối với sức khỏe. Để tránh tinh trạng này, bạn cần chăm sóc mạch vành thật tốt, phát hiện sớm và hạn chế các yếu tố nguy cơ để giảm thiểu những tổn thương mạch vành.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.