Ung thư dạ dày di căn là giai đoạn cuối của bệnh – khi mà các tế bào ung thư đã lan tới các cơ quan xa trong cơ thể như phổi, gan, xương… Vậy điều trị ung thư dạ dày di căn như thế nào? Chế độ chăm sóc người bệnh khi bị ung thư dạ dày di căn ra sao… Mời độc giả đón đọc bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này.
Trước khi tìm hiểu về phương pháp điều trị ung thư dạ dày di căn, độc giả cần hiểu thêm về các cơ quan mà bệnh có thể di căn tới. Tùy vào từng vị trí di căn, mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
1. Các vị trí dễ bị ung thư dạ dày di căn tới
1.1. Ung thư dạ dày di căn hạch
Khi các tế bào ung thư xâm lấn ra khỏi thành dạ dày chúng sẽ tấn công vào các hạch bạch huyết. Tế bào ung thư có thể di căn đến một hoặc nhiều hạch trong cơ thể. Di căn hạch có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn II, III khi mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày di căn là giai đoạn cuối của bệnh và có thể di căn tới nhiều vị trí như hạch, gan, phổi…
Các biểu hiện thường thấy khi bị ung thư dạ dày di căn hạch là hạch sưng to, sốt, đau tức ngực, khó thở, hay đổ mồ hôi, mệt mỏi…
1.2. Ung thư dạ dày di căn gan
Đây là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã xâm lấn sang gan. Lúc này sức khỏe của người bệnh rất yếu, không ăn uống được khiến cơ thể gầy sút nghiêm trọng, xanh xao, mệt mỏi…
1.3. Ung thư dạ dày di căn phổi
Lúc này, các tế bào ung thư có thể tấn công một hoặc cả hai lá phổi với mức độ khác nhau tùy theo thời gian phát hiện ra bệnh. Người bệnh lúc này có các triệu chứng như ho ra máu, ho sặc sụa, đau rát họng…
1.4. Ung thư dạ dày di căn buồng trứng
Giai đoạn này thường gặp ở nữ giới khi các tế bào ung thư dạ dày tấn công xuống buồng trứng sẽ khiến buồng trứng bị rối loạn và kèm theo các biểu hiện: đau lưng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa…
Ung thư dạ dày di căn buồng trứng thường xuất hiện ở chị em phụ nữ
1.5. Ung thư dạ dày di căn đại trực tràng
Các tế bào ung thư có thể di căn tới nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, trong đó có đại trực tràng và gây ra các biểu hiện như rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân đen, phân mỏng, đau âm ỉ vùng bụng…
Ung thư dạ dày di căn là giai đoạn bệnh đã tiến triển nặng, vì thế các phương pháp điều trị ở giai đoạn này sẽ nhằm mục đích giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và kéo dài cơ hội sống cho người bệnh.
Tham khảo liên quan:
Dấu hiệu ung thư dạ dày di căn
bị ung thư dạ dày sống được bao lâu |
2. Phương pháp điều trị ung thư dạ dày di căn
Ở giai đoạn di căn, người bệnh cần phải điều trị theo phác đồ riêng biệt, kết hợp nhiều biện pháp chữa trị như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Để có phác đồ điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh và vị trí di căn của khối u trong cơ thể.
2.1. Phẫu thuật
Ở giai đoạn muộn, phẫu thuật cũng có thể được áp dụng, đặc biệt là phẫu thuật cắt một phần dạ dày hoặc toàn bộ dạ dày kèm các cơ quan di căn như hạch, gan… bằng phương pháp mổ mở.
Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày di căn có thể là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị kết hợp nhằm giảm triệu chứng và kéo dài cơ hội sống cho người bệnh
Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn nhằm giữ lại các cơ quan trong cơ thể. Do đó các phương pháp điều trị khác được áp dụng.
2.2. Xạ trị
Đối với ung thư đã di căn, xạ trị được chiếu vào vùng bị bệnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị được dùng trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u.
2.3. Hóa trị
Các loại thuốc hóa chất được tiêm vào cơ thể qua tĩnh mạch hoặc đường uống sẽ truyền đi khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn ngừa chúng phát triển. Hóa trị sẽ tác động tới toàn bộ cơ thể giúp kiểm soát sự lây lan của tế bào ung thư.
Ở giai đoạn muộn, người bệnh phải kết hợp nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị khác nhau tuy nhiên kết quả không được khả quan vì khối u có kích thước lớn và tế bào ung thư đã di căn sang nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Chính vì thế, ở giai đoạn này, mục đích chính của các phương pháp điều trị là nhằm giảm triệu chứng, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư và kéo dài cơ hội sống cho người bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.