Ung thư gan giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất và rất nguy hiểm. Các phương pháp điều trị ung thư gan giai đoạn cuối nhằm mục đích giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và kéo dài cơ hội sống cho người bệnh.
1. Những điều cần biết về ung thư gan giai đoạn cuối
Ung thư gan được chia làm 4 giai đoạn, ung thư gan giai đoạn 4 là giai đoạn cuối và nặng nhất. Khác với giai đoạn đầu, các triệu chứng ung thư gan thường mờ nhạt thì ở giai đoạn cuối, các dấu hiệu nặng và rõ ràng hơn, người bệnh sẽ dễ dàng nhận thấy:
- Mệt mỏi thường xuyên
Khi bệnh bước vào giai đoạn muộn, sức khỏe người bệnh suy yếu trầm trọng, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi dù không làm bất cứ công việc gì và mất dần khả năng lao động.
Các triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối rõ ràng và nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe
- Rối loạn tiêu hóa
Khi chức năng gan suy giảm, hệ tiêu hóa cũng suy giảm theo dẫn tới tình trạng thường xuyên bị rối loạn như tiêu chảy, táo bón, thường xuyên đau bụng. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy đầy bụng, chướng bụng, đầy hơi, đại tiện nhiều lần trong ngày, phân nát và có dịch nhầy.
- Đau tức liên tục
Ở giai đoạn cuối, người bệnh thường xuyên thấy xuất hiện những cơn đau quặn thắt ở gan và lan tới dạ dày. Cơn đau diễn ra liên tục khiến người bệnh khó chịu cần phải sử dụng thuốc giảm đau.
- Gan to
Khi vào giai đoạn cuối, người bệnh có thể sờ thấy khối u ở phần gan trên cơ thể. Lúc này cơ thể bị suy kiệt nhanh chóng, giảm cân đột ngột và gầy yếu.
- Thường xuyên bị sốt
Đối với người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, biểu hiện thường thấy là người bệnh sốt nhẹ hoặc cao với thời gian sốt kéo dài vài ngày hoặc vài tháng.
Gan to, sốt vừa hoặc cao… là những triệu chứng khi bị ung thư gan giai đoạn cuối
- Cổ trướng
Ở thời kỳ cuối, người bệnh ung thư gan có thể bị phù chi dưới, bụng phình lớn và da có màu vàng rơm hoặc xanh xao. Hiện tượng vàng da có thể gặp ở ngay giai đoạn đầu nhưng tới giai đoạn 4, mức độ vàng da rõ rệt và sậm hơn.
Giai đoạn 4 là giai đoạn các tế bào ung thư đã tiến triển to hơn, di căn xa sang nhiều cơ quan khác trong cơ thể như thận, phổi, xương… Vì thế người bệnh ở giai đoạn này sức khỏe yếu, mệt mỏi, mất khả năng vận động, ăn uống kém…
2. Hỗ trợ điều trị ung thư gan giai đoạn cuối như thế nào?
Phương pháp điều trị cho người bệnh ung thư gan như thế nào cần phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước khối u và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị trúng đích.
Ung thư gan giai đoạn 4 là giai đoạn nặng, mục đích điều trị ung thư gan giai đoạn 4 chủ yếu là chăm sóc giảm nhẹ. Các bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc đặc biệt nhằm kiểm soát các cơn đau và biến chứng của bệnh, đồng thời cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Thông thường, bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối có tỷ lệ sống sau 5 năm rất thấp, chỉ khoảng 3.1% (trường hợp di căn xa). Tuy nhiên tỷ lệ sống sẽ khác nhau phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, độ tuổi, thể chất và tinh thần, khả năng đáp ứng với điều trị của từng người.
Ở giai đoạn cuối, phương pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc giảm nhẹ
3. Lưu ý trong điều trị ung thư gan giai đoạn cuối
Ung thư gan giai đoạn cuối mặc dù là giai đoạn nặng và khả năng chữa khỏi rất thấp, tuy nhiên người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Bởi những yếu tố này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hồi phục sức khỏe, cũng như khả năng sống của từng người.
Người nhà cần thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần cho người bệnh ung thư gan để người bệnh yên tâm điều trị. Người bệnh cần ổn định tâm lý, luôn thoải mái, lạc quan, vui vẻ sẽ giúp ích cho quá trình hồi phục.
Đồng thời chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối cũng rất quan trọng. Người bệnh nên ăn những thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, những thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất cho cơ thể, tốt cho gan; tránh những thực phẩm gây hại cho cơ thể như thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, các đồ uống có ga, rượu bia…
Ngoài ra, người bệnh cần nghỉ ngơi điều độ, tránh hoạt động mạnh, vận động nhiều. Thay vào đó là nên chú ý đi lại, tập những bài tập nhẹ nhàng như dưỡng sinh, yoga… rất tốt cho sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.