Khám phụ khoa định kỳ là việc làm quan trọng, được bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện với bất kỳ chị em phụ nữ nào. Vậy khám phụ khoa trước khi mang thai có thực sự cần thiết phải thực hiện hay không?
1. Khám phụ khoa là khám những gì, gồm các bước nào?
Khám phụ khoa là hình thức kiểm tra cơ quan sinh dục của phụ nữ như tử cung, vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung, âm đạo. Việc làm này sẽ giúp theo dõi sức khỏe tất cả các cơ quan thuộc bộ phận sinh dục, đồng thời phát hiện được các bệnh lý ở cơ quan sinh sản, các mầm bệnh (như nấm, virut, vi khuẩn) gây viêm nhiễm tại vùng kín.
Bên cạnh đó, khi khám phụ khoa bác sĩ sẽ chỉ định chị em thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm PAP, sinh thiết cổ tử cung để phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo.
Khám phụ khoa là hình thức kiểm tra cơ quan sinh dục nữ được bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện định kỳ
Thủ tục khám phụ khoa khá đơn giản và không mất quá nhiều thời gian, thường sẽ bao gồm các bước sau đây:
– Khám bên ngoài để quan sát bên ngoài cơ quan sinh dục có gì bất thường không.
– Khám âm đạo: Bước này sẽ giúp quan sát thành âm đạo và cổ tử cung. Cũng ở bước này, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch âm đạo cho xét nghiệm PAP hoặc lấy mẫu tế bào cho xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung.
– Khám tử cung: Ngoài việc dùng tay sờ nắn ở vùng bụng để xác định vị trí, kích thước tử cung, bác sĩ cũng sẽ siêu âm để đánh giá cụ thể cấu trúc tử cung, buồng trứng, vòi trứng.
– Xét nghiệm: Mẫu dịch lấy từ âm đạo sẽ được đưa tới phòng xét nghiệm nhằm xác định xem chị em có bị nhiễm nấm, trùng roi, tạp khuẩn hoặc các bệnh xã hội không.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2014, có tới 90% chị em ở nước ta từng ít nhất một lần mắc các bệnh lý phụ khoa. Con số đáng báo động này cho thấy để bảo vệ sức khỏe của mình chị em nên thực hiện khám phụ khoa định kỳ 6-9 tháng/lần hoặc ít nhất 1 năm/lần.
2. Khám phụ khoa trước khi mang thai – việc làm không thể bỏ qua
Khám phụ khoa trước khi có thai là một trong những việc làm quan trọng mà chị em tuyệt đối không nên bỏ qua. Như đã chia sẻ ở trên, thăm khám phụ khoa sẽ giúp xác định các bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản. Chính vì vậy khám phụ khoa trước khi mang bầu sẽ giúp phát hiện các yếu tố gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc sức khỏe của cả mẹ và bé trong quá trình mang thai như viêm tắc vòi trứng, u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo….
Khi phát hiện những bất thường liên quan đến cơ quan sinh sản, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và có kế hoạch quản lý thai kỳ an toàn cho bạn, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé sau này.
Khám phụ khoa trước khi mang thai sẽ giúp phát hiện nguy cơ gây ảnh hưởng tới việc mang thai và sức khỏe của mẹ, bé trong thai kỳ
3. Trước khi mang thai cần khám sàng lọc những gì?
Thai nhi muốn khỏe mạnh thì trước tiên người mẹ cần có một cơ thể khỏe mạnh. Thăm khám và sàng lọc trước khi mang thai sẽ giúp mẹ biết rõ về sức khỏe của mình, kịp thời điều trị các bệnh lý nếu có, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho thai nhi phát triển ngay từ giai đoạn đầu. Khám sàng lọc trước khi mang thai có ý nghĩa quan trọng và cần thiết không kém việc khám thai định kỳ sau này.
Ngoài khám phụ khoa, trước khi mang thai phụ nữ nên thực hiện các sàng lọc sau:
– Khám nha khoa: Nhiều người cho rằng sức khỏe răng miệng không liên quan gì đến việc mang thai nên khám nha khoa trước khi mang thai là việc làm không cần thiết. Thực tế cho thấy đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Trong thai kỳ việc thay đổi nội tiết sẽ làm các bệnh răng miệng trở nên nặng hơn, phải đi nhổ răng hoặc dùng thuốc kháng sinh, thuốc điều trị… gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Ngoài ra còn có nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan khi mẹ bị các bệnh răng miệng trong thai kỳ với việc trẻ sinh non, sinh nhẹ cân.
– Tầm soát các bệnh lý về tuyến giáp: Tuyến giáp không chỉ có vai trò quan trọng với sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ.
– Điện tâm đồ: Mẹ bầu bị bệnh tim mạch sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng hơn trong thai kỳ. Đo điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.
– Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu không chỉ cho biết nhóm máu, khả năng mắc bệnh thiếu máu, những bất thường của tế bào máu mà còn sàng lọc được bệnh thiếu máu huyết tán (thalassemia) và yếu tố Rh -. Ngoài ra xét nghiệm máu còn giúp đánh giá chức năng gan, thận, phát hiện tình trạng nhiễm một số virus, vi khuẩn có khả năng gây dị tật nghiêm trọng như ký sinh trùng Toxoplasma, Rubella, giang mai…
Ngoài khám phụ khoa, trước khi có bầu chị em nên thưc hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát
– Xét nghiệm nước tiểu: Đây là biện pháp đơn giản để bác sĩ có cái nhìn tổng thể về sức khỏe của bạn thông qua các chỉ số như protein, bạch cầu, hồng cầu, glucose… Kết quả xét nghiệm nước tiểu còn cho biết bạn có mắc bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu không.
– Tiêm phòng: Trước khi mang thai, phụ nữ nên tiêm phòng một số loại bệnh mà thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mẹ mắc bệnh như viêm gan B, cúm, Rubella, thủy đậu….
Để có một thai kỳ suôn sẻ, an toàn, con yêu chào đời khỏe mạnh thì việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là hết sức cần thiết. Tại nước ta, hầu hết các ông bố bà mẹ chỉ quan tâm tới sức khỏe của mẹ và bé sau khi đã mang thai mà không biết rằng việc chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai quan trọng hơn nhiều. Tâm lý coi thường việc khám sàng lọc trước khi mang thai đã làm cho tỷ lệ trẻ sinh ra gặp dị tật và mắc bệnh tăng nhanh chóng. Do đó nếu bạn đang có ý định mang bầu thì hãy thực hiện khám, sàng lọc và tư vấn tại các cơ sở y tế có uy tín để được các bác sĩ trong lĩnh vực Sản phụ khoa hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.