Tầm soát ung thư toàn thân là phương pháp tầm soát giúp phát hiện sớm hầu hết các khối u tổng quát cơ thể. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu cụ thể về phương pháp này, các bước thực hiện cũng như ưu điểm qua bài viết dưới đây.
1. Khám tầm soát ung thư toàn thân là gì?
Ung thư là mối đe dọa của toàn xã hội. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 ca mắc ung thư mới với hơn 94.000 trường hợp tử vong. Con số này gấp khoảng 9 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Lý giải về tỷ lệ tử vong tăng cao tại Việt Nam, các chuyên gia y tế cho rằng có tới 70% người bệnh đi khám khi bệnh đã tiến triển muộn và di căn, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, ung thư không phải là bản án tử hình, bệnh vẫn có thể chữa được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
Tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm bất thường trong cơ thể
Chính bởi vậy, theo các chuyên gia, tầm soát ung thư là cách tốt nhất giúp phòng và phát hiện sớm bệnh, tăng cơ hội điều trị thành công, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Tầm soát ung thư toàn thân hay tầm soát ung thư nâng cao thể có thể giúp phát hiện hầu hết những bệnh ung thư trong cơ thể như:
- Ở nam giới: ung thư phổi, đại trực tràng, đường tiêu hóa, ung thư tuyến tiền liệt…
- Ở nữ giới: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng…
2. Độ tuổi cần tầm soát ung thư toàn thân
Ung thư không chừa một ai vì thế mà tất cả mọi người đều cần chủ động tầm soát sớm bệnh.
Tuy nhiên những người trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên hoặc dưới 40 có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cần chủ động tầm soát ung thư toàn thân định kỳ.
- Những người hút thuốc lá, thường xuyên rượu bia
- Người có chế độ ăn uống không khoa học
- Người mắc các bệnh mạn tính như viêm gan B, C; viêm loét dạ dày, viêm đại tràng…
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư
- Có lối sống không lành mạnh, quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều người…
- Những người bị nhiễm virus HPV, vi khuẩn HP…
- Người có các triệu chứng bất thường trong cơ thể như đau tức thượng vị, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, sụt giảm cân nặng, đau khi quan hệ, chảy máu âm đạo bất thường…
3. Các bước khám tầm soát ung thư toàn thân
Bước 1: Khám lâm sàng với bác sĩ Ung bướu
Người bệnh được tầm soát ung thư với bác sĩ ung bướu giàu kinh nghiệm
Đây là bước đầu tiên và cũng đóng vai trò quan trọng trong tầm soát ung thư. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tìm kiếm hạch bất thường, khối u… trên toàn cơ thể và đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư dựa trên cơ sở tuổi tác, giới tính, tiền sử bệnh gia đình, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp… Đối với nữ giới, gói tầm soát ung thư nâng cao có thêm danh mục khám chuyên khoa Phụ Sản nhằm phát hiện sớm một số bệnh lý phụ khoa.
Bước 2: Các xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: giúp phát hiện chất chỉ điểm ung thư trong máu và được dùng như phương tiện phát hiện và sàng lọc ung thư. Trong đó, ở nam giới, PSA là chất chỉ điểm ung thư đặc hiệu, phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt. Một số chất chỉ điểm có giá trị tiên lượng bệnh ung thư như: CEA (ung thư đại trực tràng), AFP (ung thư gan), CA 125 (ung thư buồng trứng)… Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ mang tính chất gợi ý giúp bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác để có kết luận chính xác nhất về sức khỏe.
- Xét nghiệm máu trong phân: sàng lọc ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng.
- Đối với nữ giới, có thêm xét nghiệm sinh hóa: PAP, HPV là những xét nghiệm dành cho nữ giới giúp phát hiện sớm những bất thường trong tế bào vùng cổ tử cung.
Xét nghiệm máu giúp phát hiện chất chỉ điểm ung thư trong máu và được dùng như phương tiện phát hiện và sàng lọc ung thư.
Bước 3 : Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng
Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng có thể cho thấy hình ảnh chi tiết bên trong các cơ quan trong cơ thể, hình ảnh khối u, kích thước khối u, và vị trí di căn. Các phương pháp bao gồm:
- Chụp X-quang tuyến vú: là kỹ thuật đơn giản nhất nhưng có giá trị rất lớn trong chẩn đoán ung thư vú ở nữ giới
- Siêu âm ổ bụng: được ứng dụng nhiều trong chẩn đoán ung thư nguyên phát, sự xâm lấn của u nguyên phát sang các cơ quan lân cận và phát hiện di căn xa như: ung thư gan, ung thư thận, ung thư buồng trứng…
- Siêu âm tuyến giáp: phát hiện sớm ung thư và bệnh lý tuyến giáp
- Chụp CT: làm nổi bật các khối u nguyên phát và cả các ổ di căn với khả năng phát hiện các khối u (nguyên phát và thứ phát) có đường kính xấp xỉ 1 mm.
- Nội soi: nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày – thực quản, nội soi đại trực tràng… cho phép bác sĩ phát hiện các bất thường, ung thư trong cơ thể. Trong quá trình nội soi, nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể làm thủ tục sinh thiết để đánh giá tính chất u.
Giá tiền tầm soát ung thư toàn thân
Tùy theo lứa tuổi, nguy cơ ung thư cao hay thấp, phụ thuộc vào tiền sử bệnh tật của bản thân, gia đình mà người bệnh được tư vấn gói khám phù hợp. Hiện tại khoa ung bướu có xây dựng hai gói khám với mức giá khác nhau.
Các bạn nên tham khảo chi tiết :
Khám tầm soát ung thư toàn thân cơ bản
Khám tầm soát ung thư nâng cao.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.