Bệnh mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng đau thắt ngực và các biến cố tim mạch hiện nay. Khám tim mạch có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán bệnh này. Vậy khám tim mạch bệnh hẹp mạch vành là khám gì? Cần lưu ý những gì để việc thăm khám đạt hiệu quả tối ưu?
1. Tìm hiểu về bệnh hẹp mạch vành
1.1 Hẹp mạch vành là gì?
Hẹp mạch vành là tình trạng động mạch vành – mạch máu duy nhất nuôi cơ tim – bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Hiện tượng này còn có tên gọi khác là bệnh mạch vành, suy vành.
Nguyên nhân của tắc hẹp mạch vành chủ yếu là do sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa. Điều này khiến cho lượng máu lưu thông qua mạch vành giảm, lượng máu cung cấp cho cơ tim bị thiếu hụt.
Không được cung cấp đủ lượng máu trong một thời gian dài hoặc đột ngột có thể gây hoại tử, làm chết một phần cơ tim, gây ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của tim. Suy tim, nhồi máu cơ tim là những biến chứng nguy hiểm nếu bệnh hẹp mạch vành không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Khám tim mạch có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh mạch vành
1.2 Dấu hiệu của bệnh mạch vành
Tắc hẹp 1 vài nhánh động mạch nhỏ với mức độ tắc hẹp ít có thể không gây ra triệu chứng gì. Tuy nhiên khi tắc nghẽn xảy ra ở các động mạch lớn, mức độ tắc hẹp nhiều thì có thể biểu hiện thành các triệu chứng sau:
Đau ngực
Đau ngực là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh lý mạch vành. Khi động mạch vành bị tắc hẹp sẽ khiến hoạt động của cơ tim tim bị suy yếu. Tim không thể co bóp bình thường dẫn tới những cơn đau ở giữa ngực về phía bên trái sau xương ức. Đau có thể lan lên cằm, vai trái sau đó xuống mặt trong cánh tay trái.
Cơn đau có khi chỉ xảy khi bạn hoạt động gắng sức, lo lắng, và thường sẽ giảm hoặc chấm dứt khi bạn nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch. Đó là đặc trưng cho những cơn đau thắt ngực ổn định.
Cũng có thể cơn đau không thuyên giảm ngay cả khi dùng thuốc giãn mạch hoặc xuất hiện ngay cả khi bạn không thực hiện bất cứ một hoạt động gì. Đây là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực không ổn định, thường gây nguy hiểm.
Các triệu chứng đi kèm của bệnh mạch vành có thể là:
– Khó thở, mệt khi thở
– Hoảng hốt, đánh trống ngực
– Vã mồ hôi
– Nôn, buồn nôn
– Khó nuốt
– Sốt nếu nguyên nhân do viêm nhiễm
1.3 Khi nào cần đi khám tim mạch bệnh hẹp mạch vành?
Khi thấy bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào kể trên, bạn cần đi khám ngay tại các chuyên khoa tim mạch sớm.
Nếu cơn đau thắt ngực kéo dài hơn 20 phút, dùng thuốc giãn mạch cũng không thuyên giảm, bạn cần đi khám ngay vì đó rất có thể là cảnh báo của hiện tượng nhồi máu cơ tim, suy tim cấp.
Ngoài ra, khám tim mạch định kỳ cũng là cách giúp bạn sớm phát hiện bệnh hẹp động mạch vành để có hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Khi có biểu hiện đau ngực, rất có thể bạn đã mắc bệnh mạch vành, nên đi khám tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị
2. Khám tim mạch bệnh hẹp mạch vành là khám những gì?
Mục đích của việc khám bệnh hẹp mạch vành là kiểm tra cấu trúc, chức năng, mức độ xơ vữa của động mạch vành, khả năng lưu thông của máu qua mạch vành. Đối với các bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, việc thăm khám giúp kiểm tra tình trạng của động mạch vành, đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị.
Quá trình thăm khám tim mạch bệnh mạch vành thường gồm các bước sau:
2.1 Khám lâm sàng – Bước khám có ý nghĩa nhận diện
Khám lâm sàng là bước để các bác sĩ ghi nhận các triệu chứng, tìm hiểu về thói quen ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc, bia rượu của bệnh nhân. Đây là những yếu tố nguy cơ quan trọng ảnh hưởng đến mạch vành.
Sờ tim, nghe tim khi khám lâm sàng cũng là một trong những bước quan trọng giúp bác sĩ có thêm cơ sở để phán đoán ban đầu, từ đó, đưa ra các chỉ định hợp lý ở khâu khám cận lâm sàng.
2.2 Khám cận lâm sàng – Bước khám tim mạch bệnh hẹp mạch vành quan trọng
Khám cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh mạch vành gồm rất nhiều xét nghiệm, chụp chiếu. Trong đó, chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch vành là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao, xác định chính xác bệnh mạch vành từ 97 – 100%. Sở dĩ, chụp CT mạch vành làm được điều này là do khả năng ghi lại và tái hiện hình ảnh chi tiết mạch vành, qua đó cho thấy mức độ tắc hẹp và khả năng lưu thông của máu.
Ngoài ra một số phương pháp khác thường được chỉ định như xét nghiệm máu, điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang tim phổi,…giúp hỗ trợ chẩn đoán các yếu tố liên quan đến bệnh như chức năng của tim. gan thận, các yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim,…
Sau khi khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác về tình trạng của bạn với những lời khuyên và tư vấn điều trị phù hợp nhất.
Khám tại các chuyên khoa tim mạch uy tín giúp phát hiện và đẩy lùi bệnh hẹp mạch vành
3. Các phương pháp điều trị bệnh hẹp mạch vành
Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh mạch vành. Dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Thay đổi lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt không chỉ có tác dụng rất tốt hỗ trợ quá trình điều trị mà còn giúp ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol trong cơ thể.
Trong khi đó, điều trị nội khoa bằng các loại thuốc vẫn là phương pháp chủ yếu hiện nay giúp cải thiện các triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Các loại thuốc này cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Vì vậy, bạn nên thăm khám với bác sĩ để được tư vấn điều trị và kê đơn phù hợp.
Trong những trường hợp tắc hẹp nặng, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bệnh nhân, điều trị nội khoa không đáp ứng được thì các biện pháp khác có thể được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Như vậy, khám tim mạch bệnh hẹp mạch vành có ý nghĩa cô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh lý này. Trong mọi trường hợp, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để việc thăm khám và điều trị đạt kết quả cao nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.