Mạch vành tim là hệ thống có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng trái tim và đảm bảo hoạt động bình thường của toàn cơ thể. Tuy nhiên đây cũng là nơi rất dễ bị tổn thương do nhiều nguyên nhân. Hãy cùng tìm hiểu về hệ thống này và cách bảo vệ mạch vành trước những bệnh lý và tổn thương không mong muốn.
1. Mạch vành tim là gì?
Mạch vành tim hay động mạch vành là hệ thống động mạch duy nhất đưa máu đến nuôi cơ tim.
Cấu tạo của hệ thống động mạch này gồm động mạch vành phải và động mạch vành trái, cùng xuất phát từ gốc của động mạch chủ, nhận máu từ động mạch chủ qua các xoang Valsalva, chạy trên bề mặt quả tim, giữa cơ tim và lớp thượng tâm mạc.
Sau khi chạy một đoạn ngắn khoảng 10mm gọi là thân chung động mạch vành trái, động mạch vành này sẽ chia ra thành hai nhánh là: động mạch liên thất trước và động mạch mũ. Động mạch liên thất trước cấp máu cho khoảng 45-55% thất trái. Trong khi đó động mạch mũ cấp máu khoảng 15-25% thất trái, gồm vùng sau bên và trước bên thất trái.
Động mạch vành phải xuất phát từ xoang Valsalva trước phải, chạy trong rãnh nhĩ thất phải, sau đó vòng ra bờ phải của tim, đi tới đầu sau của rãnh liên thất sau chia làm hai nhánh.
Mạch vành là hệ thống động mạch đưa máu đến nuôi dưỡng cơ tim.
2. Bệnh lý mạch vành
Bệnh mạch vành tim là cụm từ để chỉ tình trạng mạch vành bị hẹp tắc bởi các mảng xơ vữa hình thành từ sự lắng đọng cholesterol, canxi và các chất khác trong máu, dẫn đến giảm lượng máu cung cấp cho cơ tim. Ngoài ra, các cơn cơ thắt, tình trạng bóc tách mạch vành cùng là nguyên nhân gây nên bệnh lý này.
Bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch ở tim bao gồm 2 hội chứng:
– Hội chứng động mạch vành mạn: thuật ngữ mới được đưa ra thay cho các tên gọi trước đây như đau thắt ngực ổn định, bệnh động mạch vành ổn định, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính, suy vành.
– Hội chứng động mạch vành cấp: gồm nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên và đau thắt ngực không ổn định.
3. Các mức độ của bệnh mạch vành
Mức độ của bệnh mạch vành được phân chia theo độ hẹp khẩu kính và tốc độ dòng chảy của máu trong thì tâm thu (PSV – tốc độ đỉnh tâm thu), gồm 5 phân độ như sau:
– Phân độ 0: Không hẹp, PSV <1,5m/s
– Phân độ 1: Hẹp 1 – 49%, PSV 1,5 – <2m/s
– Phân độ 2: Hẹp 50 – 75%, PSV 2 – 4m/s
– Phân độ 3: Hẹp trên 75%, PSV >4m/s
– Phân độ 4: Tắc hoàn toàn, PSV bằng 0
Dựa vào các phân độ này cùng vị trí tắc hẹp, có thể nhận biết được mức độ nguy hiểm của bệnh. Theo các nghiên cứu, nếu hẹp trên 50% (phân độ 3,4) thân chung mạch vành trái tức là bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Còn hẹp trên 50% một trong các nhánh động mạch còn lại thì chưa phải là nguy hiểm.
4. Các triệu chứng của bệnh mạch vành
Nhìn chung các bệnh nhân mắc bệnh mạch vành ở giai đoạn đầu thường ít có biểu hiện hoặc các triệu chứng không rõ ràng do diện tắc hẹp còn ít, các mảng xơ vữa vẫn mềm, chưa gây ảnh hưởng đến khả năng đàn hồi của mạch máu và khả năng lưu thông của máu của thành mạch. Do đó, cơ tim vẫn nhận được lượng máu cần thiết để đảm bảo co bóp và bơm máu.
Tuy nhiên, khi mức độ tắc hẹp tăng lên, khả năng cung cấp máu giảm đi, cơ thể sẽ phản ứng bằng các triệu chứng như:
– Đau thắt ngực
– Hồi hộp, hụt hơi
– Khó thở
– Chóng mặt, hoảng hốt thường xuyên
– Buồn nôn
– Vã mồ hôi
Đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh mạch vành tim mà bạn cần hết sức lưu ý để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các triệu chứng này trở nên rõ ràng nhất khi bệnh nhân đã bị suy tim.
Nếu thấy cơn đau thắt ngực kéo dài trên 5 phút/lần hoặc liên tục trong 15 phút, dùng thuốc giãn mạch không thấy đỡ thì cần nhờ người nhà đưa đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay bởi rất có thể bạn đã bị nhồi máu cơ tim.
Các mức độ tắc hẹp trong bệnh lý mạch vành tim
Một số triệu chứng khác
Trong một vài trường hợp, khi bệnh mạch vành gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, hệ thống điện tim, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
– Choáng ngất
– Yếu liệt
– Đau đầu
– Mất khả năng ngôn ngữ, vận động
Trong những trường hợp cấp tính, nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong. Nếu được cứu sống thì nguy cơ tàn phế và gánh những di chứng nặng nề cũng rất cao.
5. Chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành
5.1 Chẩn đoán bệnh mạch vành tim
Khi có các triệu chứng của bệnh mạch vành, bạn cần đến các chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ tắc hẹp và các bệnh lý liên quan. Quy trình thăm khám thường là:
– Khám lâm sàng: Các bác sĩ khám ban đầu để nắm được triệu chứng, bệnh sử, thói quen của bệnh nhân, kiểm tra huyết áp, nghe tim để phát hiện bất thường.
– Khám cận lâm sàng: Tiến hành một số xét nghiệm và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng để đánh giá mức độ tắc hẹp của mạch vành, khả năng hoạt động của tim. Các chẩn đoán bao gồm: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim,… Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định phù hợp.
5.2 Điều trị bệnh mạch vành tim
Dựa theo kết quả chẩn đoán mà các bác sĩ sẽ đưa phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Thông thường, nếu bệnh ở mức độ nhẹ, chưa có hoặc ít triệu chứng thì bệnh nhân chỉ cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống là bệnh sẽ thuyên giảm.
Nếu các triệu chứng xuất hiện nhiều, gây khó chịu, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng và điều trị nguyên nhân như thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, chẹn canxi,… Các loại thuốc chỉ mang tính tham khảo, không thể sử dụng chung cho tất cả các trường hợp. Người bệnh cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tùy tiện dùng các loại thuốc khi chưa có chỉ định hay thay đổi liều thuốc, thời gian sử dụng. Nếu có bất cứ bất thường nào, cần thông báo với bác sĩ ngay để có sự điều chỉnh phù hợp.
Nếu mức độ tắc hẹp mạch vành >70% và điều kiện sức khỏe đảm bảo, bệnh nhân có thể phải thực hiện các biện pháp nhằm khai thông và tái tưới máu mạch vành tùy từng trường hợp.
Hãy đến các chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành hiệu quả.
6. Cách bảo vệ động mạch vành, phòng tránh bệnh mạch vành
Để hệ thống động mạch vành cũng như trái tim luôn khỏe mạnh, bạn cần xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, tích cực như:
– Ăn nhạt, lượng muối và đường vừa phải
– Hạn chế ăn đồ dầu mỡ, các chất béo có hại, đồ ăn nhanh
– Tích cực bổ sung các loai rau xanh, trái cây
– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, lựa chọn những bài tập vừa sức
Tóm lại, tắc hẹp mạch vành tim là tình trạng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với cơ thể. Hãy nhớ chăm sóc hệ thống động mạch quan trọng này bằng cách đi khám thường xuyên và khám khi có những dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả nếu có bệnh. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để giữ cho trái tim khỏe mạnh và cơ thể của bạn hoạt động một cách trơn tru.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.