Sự bất ổn trong giấc ngủ có thể gây ra những hậu quả khó lường đến sức khỏe, công việc và cuộc dống của người bệnh. Vậy mất ngủ có tác hại gì và làm sao để cải thiện là vấn đề sẽ được chia sẻ trong bài viết sau đây.
1. Khi nào mất ngủ gây ảnh hưởng đến người bệnh?
Mất ngủ – tình trạng gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ ngon – thường được chia thành 2 dạng, đó là mất ngủ cấp tính và mất ngủ mạn tính. Mất ngủ cấp tính là tình trạng mất ngủ không kéo dài quá 1 tháng. Trong khi đó mất ngủ mạn tính xảy ra thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần, trên 3 lần/tuần hoặc kéo dài từ 1 tháng trở lên.
Mất ngủ cấp tính hay mất ngủ mạn tính đều gây nên những ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh với những mức độ khác nhau. Đặc biệt là nếu tình trạng này không được điều trị và có biện pháp cải thiện kịp thời.
Dù mất ngủ ở dạng cấp tính hay mạn tính cũng ít nhiều gây ra những ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và sức khỏe của người bệnh.
2. Mất ngủ có tác hại gì đối với người bệnh?
2.1 Mất ngủ có tác hại gì đối với cuộc sống?
Những ảnh hưởng đối với cuộc sống và công việc là điều dễ nhận thấy ở những người bị mất ngủ. Cụ thể, mất ngủ thường xuyên sẽ khiến người bệnh dễ bị mệt mỏi, uể oải, lờ đờ, không tỉnh táo, trí nhớ giảm sút. Điều này dễ dẫn đến những sai sót, dẫn đến giảm chất lượng và năng suất công việc.
Buồn ngủ do mất ngủ, thiếu ngủ cũng sẽ khiến tâm trạng thất thường, hay cáu kỉnh, khó kiểm soát cảm xúc, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Những thay đổi về cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định và sự sáng tạo.
2.2 Mất ngủ có tác hại gì đối với sức khỏe?
Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc phục hồi cơ thể, tái tạo năng lượng, vì thế nếu không ngủ đủ giấc hay chất lượng giấc ngủ kém thì chúng ta dễ đối mặt với nhiều hệ lụy về sức khỏe, biểu hiện trên nhiều cơ quan khác nhau.
– Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Mất ngủ kinh niên có thể khiến cho hệ thần kinh bị rối loạn, cụ thể là làm gián đoạn quá trình gửi và xử lý thông tin.
Bởi liên kết giữa các tế bào thần kinh được hình thành trong khi ngủ là con đường giúp bạn ghi nhớ thông tin đã tiếp nhận trong ngày. Ở những người bị mất ngủ, con đường này bị ngăn chặn khiến nhiệm vụ này không được thực hiện và gây suy giảm trí nhớ, đồng thời khiến bạn cảm thấy khó tập trung hơn khi học tập, làm việc.
Sau thời gian dài mất ngủ, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng ảo giác. Những người bị rối loạn lưỡng cực nếu gặp tình trạng mất ngủ có thể trở nên hưng cảm, có các hành vi bốc đồng, lo lắng, muộn phiền, thậm chí có ý nghĩ tự tử.
– Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
Thời gian ngủ là lúc hệ miễn dịch tạo ra các chất bảo vệ, kháng thể và cytokine. Các chất này có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, virus. Một số cytokine được sản sinh cũng giúp dễ ngủ, hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch.
Khi bị mất ngủ kéo dài hoạt động bình thường của hệ miễn dịch cũng bị ức chế, suy yếu, dẫn tới không đủ khả năng chống lại các tác nhân gây hại. Những người này cũng thường mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh.
– Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Trong cơ thể chúng ta có 2 hormone giúp kiểm soát cảm giác đói và no của cơ thể đó là leptin và ghrelin. Cụ thể, leptin sẽ cho não của bạn biết rằng bạn đã ăn no và không cần nạp thêm đồ ăn nữa. Ngược lại, ghrelin lại kích thích sự thèm ăn.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng mất ngủ kéo dài làm giảm leptin và tăng ghrelin, khiến bạn có xu hướng ăn nhiều hơn. Điều này có thể gây quá tải, khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn. Đồng thời khiến bạn tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Mất ngủ cũng có thể khiến vùng não điều khiển việc ăn uống bị rối loạn, khiến bạn lựa chọn những thực phẩm thiếu lành mạnh.
– Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Giấc ngủ và hoạt động của hệ hô hấp có liên quan, tác động qua lại lẫn nhau. Rối loạn thở vào ban đêm mà phổ biến nhất là hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm gián đoạn và làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn.
Nếu tình trạng này kéo dài suốt đêm có thể gây mất ngủ đồng thời khiến bạn dễ bị gặp phải các nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm. Các bệnh đường hô hấp cũng thường nặng hơn nếu kèm theo thiếu ngủ.
– Ảnh hưởng đến hệ nội tiết
Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc sản xuất và điều hòa các hormone trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy testosterone được sản xuất khi bạn ngủ ít nhất 3 giờ liên tục. Việc ngủ đủ giấc và tập thể dục hàng ngày cũng giúp tuyến yên giải phóng hormone tăng trưởng.
Tuy nhiên mất ngủ có thể khiến hoạt động này của hệ nội tiết bị gián đoạn và ảnh hưởng. Điều này kéo dài, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể khiến trẻ chậm tăng trưởng, chậm phát triển chiều cao.
– Ảnh hưởng đến tim mạch
Mất ngủ thường xuyên khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều hơn. Mạch máu co lại, huyết áp tăng gây nhiều gánh nặng cho tim. Khi ngủ ít, nhu cầu insulin của cơ thể cao hơn để đảm bảo duy trì mức đường huyết bình thường. Điều này có thể gây tác động xấu, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Các nghiên cứu chỉ ra những người mất ngủ cũng có nguy cơ ung thư cao do mất ngủ làm ức chế hormone chống lại sự sản sinh của tế bào ung thư (melatonin).
Do thiếu tỉnh táo, người bệnh mất ngủ, ngủ không đủ giấc có thể bị ảo giác, chóng mặt vào ban ngày, dẫn đến tai nạn khi tham gia giao thông.
Mất ngủ có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe, dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ,…
2.3 Mất ngủ có tác hại gì đối với vẻ đẹp?
Thiếu ngủ sẽ khiến làn da khô ráp, sạm nám, dễ lão hóa. Các vết thương trên da cũng khó lành hơn bình thường. Tình trạng tăng cân, béo phì có thể khiến người bệnh thiếu tự tin về vóc dáng.
3. Làm thế nào để hạn chế tác hại của tình trạng mất ngủ?
Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi thấy các dấu hiệu khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi sau khi thức dậy,… nên thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, thực hiện các quy tắc sống lành mạnh như:
– Ngủ và thức dậy đúng giờ, không thức, làm việc quá khuya
– Ăn đủ chất, đặc biệt bổ sung rau xanh, vitamin và khoáng chất, hạn chế dầu mỡ,…
– Trước giờ ngủ không nên ăn quá no hoặc đồ ăn khó tiêu
– Không uống quá nhiều caffein, bia rượu trong ngày hoặc sát giờ ngủ
– Chú ý giữ không gian phòng ngủ yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ,…
Chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tốt sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế những tác hại của mất ngủ.
Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà tình hình không được cải thiện thì bạn nên đi khám Nội thần kinh để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả, tránh để lâu gây ra những hậu quả khôn lường.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.