Tình trạng mất ngủ kéo dài dễ sinh ảo giác, loạn thần. Đã có những trường hợp bệnh nhân bị mất ngủ đi khám và có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác. Thậm chí có người từng có ý định tự làm tổn thương mình hoặc sát hại người khác. Hãy cùng tìm hiểu mất ngủ gây ảo giác do đâu và cách xử trí trong trường hợp này như thế nào?
1. Nguyên nhân mất ngủ gây ảo giác, loạn thần
Nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi bị mất ngủ thường có biểu hiện: ngủ ít (chỉ ngủ được khoảng 3-4 giờ mỗi ngày), mắt thâm quầng, có dấu hiệu ảo giác nghe như ai đó nói bên tai hoặc ai đó đang theo dõi, nói xấu, làm hại mình nên có ý định trả thù hoặc thậm chí là có ý định tự làm hại mình.
Đây là hậu quả của tình trạng mất ngủ kéo dài và không được điều trị, khiến mức độ bệnh ngày càng tăng.
Ảo giác sinh ra có thể do mất ngủ kéo dài làm tổn thương thực thể ở não. Điều này lâu dài có thể dẫn đến rối loạn tâm thần, đột quỵ, tổn thương cấu trúc, u não, viêm nhiễm,…
Trên thực tế, có những bệnh nhân bị mất ngủ gây ảo giác, làm xuất hiện những giấc mơ đáng sợ, khi tỉnh dậy tâm lý hoảng hốt.
Nhiều người có thể xuất hiện những cơn đau đầu nhẹ, mơ thấy người ta rượt đuổi đánh mình hoặc người thân nên mơ xong tỉnh dậy toát mồ hôi, giấc mơ cứ lặp đi lặp lại nên rất sợ hãi thậm chí không dám ngủ.
Có những trường hợp người bệnh đi khám, bác sĩ sau khi kiểm tra đã phát hiện thấy bất thường về hệ thần kinh và khả năng ghi nhớ. Cụ thể là khả năng tính toán, tư duy của bệnh nhân chậm lại, khả năng trí nhớ bị suy giảm rõ rệt. Có những người bị đau đầu mất ngủ do nguyên nhân lành tính như thời tiết, ngủ ít,… nhưng cũng có không ít trường hợp đau đầu, mất ngủ có ảo giác khi được chụp cộng hưởng từ MRI sọ não phát hiện khối u vùng thái dương, u ở thùy đỉnh, u màng não,…
Nếu chậm trễ không được thăm khám, việc phát hiện muộn sẽ làm bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời cho người bệnh. Chính vì vậy, khi có biểu hiện mất ngủ, xuất hiện ảo giác, có những giấc mơ đáng sợ,… thì nên thăm khám càng sớm càng tốt.
Mất ngủ kéo dài dễ sinh ảo giác, dẫn tới bệnh lý tâm thần.
2. Mất ngủ còn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác
Mất ngủ kéo dài không chỉ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần, mà còn có thể gây hàng loạt bệnh lý nguy hiểm khác như đột quỵ (tai biến mạch máu não), tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch,…
Đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Theo thống kê có đến gần 80% nguyên nhân đột quỵ là do thiếu máu não, gần 20% còn lại là đột quỵ xuất huyết não. Mất ngủ lâu ngày làm nặng hơn tình trạng đau đầu, thiếu máu lên não về lâu dài dễ gây đột quỵ thiếu máu não.
Một số chuyên gia có đưa ra thêm ý kiến rằng, mất ngủ làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa thành mạch làm chít hẹp thành mạch gây cản trở máu lưu thông lên não, cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hình thành các cục máu đông bệnh lý, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch,… là những nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ não.
Mất ngủ kéo dài làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tiểu đường
Mất ngủ đơn thuần không phải là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường. Nhưng mất ngủ kéo dài có thể làm ảnh hưởng tới khả năng điều tiết insulin trong cơ thể, là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Khi bị mất ngủ cần xem xét thêm các nguyên nhân khác và những yếu tố đi kèm.
Cao huyết áp
Mất ngủ khiến cơ thể bạn phải làm việc liên tục, nhất là tim phải co bóp và hoạt động không ngừng nghỉ để bơm đủ máu lên não và đi nuôi các cơ quan. Áp lực quá tải từ tim lên thành mạch dễ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Điều này sẽ nguy hiểm hơn nếu ở những người lớn tuổi có tiền sử mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, bệnh thận, tiểu đường, …
Mất ngủ có thể gây cao huyết áp và ngược lại, tình trạng cao huyết áp dễ khiến người bệnh mệt mỏi, hồi hộp, vã mồ hôi, khó ngủ, thậm chí mất ngủ.
Bệnh tim mạch
Mất ngủ ảnh hưởng rất nhiều tới các vấn đề về tim mạch, bao gồm dư cân béo phì, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh động mạch vành.
Điều này được các chuyên gia lý giải là do khi bị thiếu ngủ, cơ thể chúng ta có nồng độ hormone gây stress và các chất gây viêm trong máu cao hơn – đây chính là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh lý tim mạch.
Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những người thường xuyên ngủ từ chín tiếng trở lên mỗi đêm, sẽ tích tụ nhiều canxi trong thành động mạch tim và các động mạch ở chân hơn những người ngủ 7 tiếng mỗi đêm.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, ngủ ít có nguy cơ mắc bệnh béo phì và dẫn đến nhiều vấn đề/bệnh lý ở tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim.
3. Cách xử trí trong trường hợp mất ngủ gây ảo giác
Mất ngủ có thể do rất nhiều nguyên nhân. Đây có thể là hệ quả của các yếu tố tác động bên ngoài như: căng thẳng stress, môi trường sống bị ô nhiễm (âm thanh, ánh sáng, bụi bẩn, nhiệt độ không thích hợp,…), chế độ ăn uống không phù hợp, … Hoặc do các vấn đề/bệnh lý trong cơ thể gây ra như bệnh tim mạch, cơ xương khớp, tiểu đường, bệnh lý hệ thần kinh, bệnh thận, viêm xoang,….
Việc tìm đúng nguyên nhân gây mất ngủ không hề dễ, nhưng nếu được chẩn đoán đúng thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Có những người mất ngủ cấp tính (mất ngủ ngắn hạn dưới 1 tháng) hoặc mất ngủ mạn tính (mất ngủ kéo dài từ 1 tháng trở lên, thậm chí vài năm cho đến vài chục năm) nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh càng sớm càng tốt. Bởi nếu để lâu, tình trạng mất ngủ càng trở nên phức tạp hơn, khó chẩn đoán nguyên nhân và gây khó khăn cho việc điều trị, tốn kém thời gian và chi phí.
Sau khi thăm khám với bác sĩ Nội thần kinh, người bệnh sẽ được thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch não tủy (trong một số trường hợp đặc biệt), chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính MSCT, đo lưu huyết não, ghi điện não đồ,… Tùy vào từng trường hợp bệnh lý cụ thể và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.