Nhiều trường hợp bị mất ngủ kéo dài không rõ nguyên nhân, khi chụp cộng hưởng từ não (MRI não) phát hiện bị thoái hóa não chất trắng. Đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, nhưng giới trẻ cũng vẫn có thể mắc phải. Bệnh có diễn biến âm thầm, mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng căn bệnh này có thể gây ra các rối loạn vận động, tư duy và trí nhớ, làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu mất ngủ kéo dài do thoái hóa não chất trắng diễn ra như thế nào.
1. Mất ngủ kéo dài đi khám phát hiện não bị tổn thương
1.1 Mất ngủ kéo dài do thoái hóa não chất trắng
Tình trạng mất ngủ kéo dài thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi (trên 65 tuổi); tuy nhiên bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Như trường hợp của chị L.H.L, chỉ mới 42 tuổi, có biểu hiện mất ngủ kéo dài hơn một tháng dù có dùng biện pháp nào cũng không thể ngủ ngon được, nên chị L. đã quyết định đến Thu Cúc TCI để kiểm tra.
Chị L. có chia sẻ với bác sĩ Nội thần kinh của TCI rằng, triệu chứng mất ngủ kéo dài này của chị trước đây diễn ra rất mờ nhạt, chỉ thi thoảng chị mới bị mất ngủ. Nhưng từ sau khi chị bị nhiễm Covid-19, mặc dù đã điều trị khỏi nhưng không ngờ tình trạng mất ngủ lại diễn ra một cách thường xuyên. Hầu như đêm nào chị cũng chỉ ngủ được khoảng 3-4 tiếng sau đó giật mình tỉnh giấc và khó ngủ tiếp. Cơ thể chị lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ lắm mà không ngủ được, chị toàn phải nằm “nhắm mắt để đấy”.
Ngoài triệu chứng mất ngủ, chị L đôi lúc còn cảm thấy khó thở, chóng mặt và thỉnh thoảng có ho.
Sau khi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, chị L. được chỉ định chụp cộng hưởng từ não (MRI sọ não, mạch não) để kiểm tra và loại trừ các nguyên nhân do tổn thương ở não, mạch máu não.
Nhưng kết quả trên phim chụp cộng hưởng từ não của chị L. phát hiện hình ảnh thoái hóa não chất trắng rải rác ở bán cầu não.
Cụ thể: MRI não không tiêm thuốc cản quang phát hiện thấy có 2 vấn đề bất thường:
– Rải rác có các ổ thoái hóa myelin chất trắng dưới vỏ thuỳ trán đỉnh bán cầu não hai bên.
– Dày niêm mạc xoang sàng, xoang hàm hai bên. Phì đại cuốn mũi dưới hai bên.
Theo bác sĩ chẩn đoán hình ảnh của Thu Cúc TCI cho biết, đây là hình ảnh thoái hóa myelin chất trắng bán cầu não hai bên – mạch não, trong giới hạn bình thường trên các xung đã thăm khám, kèm hình ảnh viêm xoang sàng, xoang hàm.
Nhiều người có biểu hiện đau đầu, mất ngủ, nhớ nhớ quên quên đến khám tại Thu Cúc TCI phát hiện thoái hóa não chất trắng.
1.2 Chuyên gia lý giải về biểu hiện mất ngủ kéo dài do thoái hóa não chất trắng
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Doanh – Bác sĩ Nội thần kinh của TCI cho biết: thoái hóa não chất trắng là một nhóm bệnh lý chung, hình thành do sự phát triển bất thường của vỏ bao myelin. Người già do quá trình thoái hóa của hệ thống thần kinh – não bộ theo thời gian và tuổi tác, hay do một số vấn đề bệnh lý ở não (thường gặp ở những người trẻ) sẽ khiến các tế bào não này dần suy yếu, mất đi chức năng lâu ngày gây tình trạng chậm chạp, quên lẫn.
Thoái hóa não chất trắng thường diễn biến rất âm thầm, ít khi biểu lộ triệu chứng cụ thể. Nhưng khi có yếu tố tác động (chẳng hạn như covid-19) thì não bộ sẽ “lên tiếng” thông qua một số triệu chứng như: mất ngủ kéo dài, đau đầu, chóng mặt, lú lẫn, suy giảm khả năng ghi nhớ,…
Hình ảnh cấu trúc não bộ cắt ngang trong đó có chất xám và chất trắng.
2. Mất ngủ kéo dài do thoái hóa não chất trắng nên làm gì?
Thoái hóa não chất trắng hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi. Các giải pháp nhằm hướng tới mục đích là làm làm chậm quá trình thoái hóa não hoặc ngăn sự tiến triển của bệnh, giảm bớt các triệu chứng do thoái hóa não gây ra cho người bệnh.
Nếu bị mất ngủ do thoái hóa não chất trắng, người bệnh nên thực hiện một số điều sau:
– Tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn, tránh stress căng thẳng.
– Vệ sinh giấc ngủ, ngủ đủ.
– Làm mềm cơ cổ, massage cổ-vai-gáy.
– Tập thể dục thể thao thường xuyên với các bài tập phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe.
Người bị mất ngủ, nên tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ và có chế độ nghỉ ngơi thư giãn, tập thể dục phù hợp.
3. COVID-19 có thể thay đổi não bộ như thế nào?
Hiện nay, vẫn chưa có kết luận chính xác về việc virus SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng đến não bộ làm thoái hóa não chất trắng, nhưng theo một nghiên cứu gần đây thì COVID-19 có thể gây co rút và làm giảm khối lượng não gây thoái hóa não như: teo não, chất xám giảm đáng kể, suy giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer, suy giảm nhận thức nhẹ, rối loạn tâm thần (trầm cảm).
Theo các chuyên gia về thần kinh học, hội chứng hậu COVID-19 gây viêm đa hệ thống (MIA-A), gây viêm hệ thần kinh, thoái hóa hệ thần kinh và gây ra các vấn đề nhận thức, trong đó có biểu hiện của hội chứng “sương mù não”. Mỗi người có thể có biểu hiện khác nhau gồm: lú lẫn, mất hoặc giảm trí nhớ, khó nhớ từ, suy nghĩ chậm, khó tập trung và dễ mất tập trung.
Các triệu chứng này phổ biến nhất ở những người lớn tuổi và người phải nhập viện. Tuy nhiên, người nhiễm COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, vẫn có thể bị ảnh hưởng trong não và các chức năng của não. Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu hơn để xác định xem những thay đổi trong não do COVID-19 là vĩnh viễn hay có thể dần hồi phục.
4. Lời khuyên từ chuyên gia
Theo các chuyên gia, nếu gặp một trong số vấn đề dưới đây nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh để được kiểm tra và phát hiện sớm tổn thương ở não (nếu có):
– Nhức đầu, chóng mặt thường xuyên
– Rối loạn hoặc mất khứu giác và vị giác
– Mất ngủ kéo dài
– Suy giảm khả năng nhận thức như: lú lẫn, hay quên,..
– Rối loạn tâm thần: trầm cảm, dễ kích động…
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.