Một polyp túi mật là bất kỳ tổn thương nào nhô cao từ bề mặt niêm mạc túi mật, bao gồm cả tổn thương lành tính và ác tính.
Polyp túi mật có nên mổ?
Một polyp túi mật là bất kỳ tổn thương nào nhô cao từ bề mặt niêm mạc túi mật, bao gồm cả tổn thương lành tính và ác tính. Tuy đa số polyp túi mật là lành tính, nhưng vẫn có một số trường hợp là ung thư, đây là mối nguy tiềm ẩn cho tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý polyp ác tính có ý nghĩa cứu sống bệnh nhân.
Polyp túi mật
Có nhiều dạng polyp túi mật
Polyp túi mật là một bệnh thường gặp với tỉ lệ khoảng 5% dân số. Trong đó 95% là lành tính và phần lớn là những polyp cholesterol. Một vài nghiên cứu cho thấy: các polyp cholesterol thường gặp ở những bệnh nhân từ 40-50 tuổi, phổ biến là ở phụ nữ; polyp cholesterol chiếm trên 50% các trường hợp polyp túi mật, chúng thường nhiều và có cuống, có kích thước từ 2-10mm; adenomyomas là loại phổ biến thứ hai của polyp túi mật, chiếm khoảng 30% trường hợp polyp túi mật, thường đơn độc, kích thước từ 10-20mm, thường thấy ở đáy của túi mật; các polyp ác tính chiếm khoảng 5%; những polyp ít gặp là ung thư nơi khác di căn đến túi mật, carcinoma tế bào vảy và angiosarcoma.
Hầu hết các polyp nhỏ không phải là tổn thương ung thư và có thể không thay đổi trong nhiều năm. Nhưng nếu polyp nhỏ đi kèm các bệnh lý khác, chẳng hạn như viêm đường mật xơ dính nguyên phát, thì chúng lại có khả năng là ác tính.
Các nghiên cứu cho biết có nhiều yếu tố liên quan đế việc hình thành polyp túi mật như: rối loạn chức năng gan mật; nồng độ đường trong máu cao; nồng độ mỡ trong máu tăng; người béo phì, nhiễm virut viêm gan… Tuy nhiên cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh rõ ràng cho mối liên hệ giữa các yếu tố nguy cơ với sự tạo ra polyp túi mật.
Rất khó phát hiện bệnh
Đau sườn phải, đau tức bụng là triệu chứng thường gặp ở người bị polyp túi mật
Trên thực tế, polyp túi mật thường được phát hiện tình cờ khi kiểm tra vùng bụng bằng siêu âm hoặc có biểu hiện đau bụng. Có khoảng 6-7% bệnh nhân bị polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn hay nôn thật sự, ăn chậm tiêu, thấy co cứng nhẹ vùng da bụng ở dưới sườn phải.
Với triệu chứng đau ở dưới sườn tuy giống bệnh sỏi túi mật, nhưng khác với sỏi túi mật ở chỗ, polyp túi mật ít khi có biểu hiện cấp tính do viêm hay những biến chứng của sỏi gây ra như viêm đường mật, tắc mật.
Siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh tăng âm bám trên bề mặt túi mật, không có bóng cản và không thay đổi theo tư thế người bệnh, đây là dấu hiệu để phân biệt với sỏi túi mật. Tuy nhiên, siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính để có chỉ định phẫu thuật. Thông thường siêu âm có thể thấy hình ảnh chung của polyp túi mật là một bóng giống polyp mọc vào trong lòng túi mật, thường là bất động, trừ khi là polyp có cuống dài; các hình ảnh polypcholesterol thường có kích thước nhỏ với tỉ lệ trên 90% là dưới 10mm, hầu hết nhỏ hơn 5mm. Nếu là adenoma thì có kích thước lớn hơn, đơn độc, không cuống với mạch máu bên dưới và độ phản âm trung bình. Nếu polyp có đường kính trên 10mm thì tỷ lệ ác tính là 37-88%.
Điều trị và theo dõi
Trên thực tế hầu hết các polyp lành tính nên không cần phải phẫu thuật cắt bỏ. Trường hợp polyp xảy ra ở những người trên 50 tuổi, kích thước polyp lớn hơn 1cm mà có kèm theo sỏi mật, khi đó cần phẫu thuật cắt bỏ luôn cả túi mật. Đặc biệt đối với các polyp có nguy cơ ác tính thì bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt túi mật nội soi là một lựa chọn cho polyp nhỏ hoặc đơn độc dạng này.
Polyp túi mật cần theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Khi nghi ngờ polyp túi mật phát hiện qua siêu âm nhưng bệnh nhân không có triệu chứng như đau, sốt… trường hợp này bệnh nhân cần được theo dõi, kiểm tra lại sau 6 tháng hay một năm để xác định thái độ điều trị: nếu sau thời gian đó mà không còn hình ảnh của polyp thì không cần phải xử trí gì. Trái lại, khi hình ảnh polyp rõ, cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm 6 tháng nếu khối u lớn trên 10mm hoặc có phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác hoặc polyp đã có biểu hiện lâm sàng như đau, sốt tái phát thì cần phải phẫu thuật sớm. Phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.
Lời khuyên của bác sĩ
Do polyp túi mật không có triệu chứng và có thể là ung thư nên mọi người nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Cần hạn chế các yếu tố liên quan đến sự hình thành polyp túi mật như chẩn đoán và điều trị tích cực các rối loạn chức năng gan mật; nồng độ đường, mỡ trong máu cao, viêm gan do virut…
(theo Sức khỏe và đời sống)
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.