Bệnh mạch vành là một loại bệnh lý về tim mạch xuất hiện khá phổ biến ở người lớn tuổi. Bệnh lý này cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu. Ở Việt Nam tỷ lệ mắc này lên tới 11-36% và còn đang có dấu hiệu tăng lên. Vì vậy bạn cũng nên chủ động trang bị thêm các kiến thức về bệnh lý, để đề phòng cho bản thân và mọi người xung quanh. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn về: nguyên nhân bệnh mạch vành và những cách điều trị thường được áp dụng.
1. Bệnh mạch vành là bệnh gì?
Bệnh mạch vành: tình trạng động mạch vành hẹp lại hoặc bị cản trở bởi các mảng bám tích tụ bên trong (một hoặc nhiều nhánh). Đa phần các động mạch trong cơ thể của chúng ta đều mềm mại và có khả năng đàn hồi. Tuy nhiên, nay lại trở lên hẹp và co cứng vì sự xuất hiện của các mảng bám qua thời gian. Mảng bám là: cholesterol hay những chất khác bám vào thành mạch máu và được gọi là xơ vữa động mạch.
Khi bệnh lý tiến triển nặng sẽ làm sự lưu thông máu qua động mạch gặp nhiều khó khăn. Kết quả là: tim không nhận đủ máu và oxy cần thiết, gây đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim. Đa phần các cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện khi cục máu đông đột ngột đi đến phần hẹp của mạch máu. Từ đây gây tắc mạch và dừng cung cấp máu tới tim. Điều này khiến tim bị tổn thương vĩnh viễn.
Bệnh mạch vành xuất từ sự tích tụ của mảng bám ở lòng động mạch
Với diễn biến ngày một nặng dần theo thời gian, bệnh lý sẽ khiến cho cơ tim hoạt động ngày một nhiều và suy yếu gây ra tình trạng suy tim và rối loạn nhịp tim. Đây là một trong những biến chứng vô rất nguy hiểm của bệnh mạch vành.
2. Những biểu hiện đặc trưng của bệnh mạch vành
Triệu chứng của bệnh mạch vành thể hiện phổ biến nhất qua các cơn đau thắt ngực hay tim. Cụ thể như:
– Nặng nề ở vùng ngực.
– Cảm giác tim bị đè nén.
– Đau rát vùng ngực.
– Nóng rát, đầy bụng.
– Tim như bị co thắt và bóp chặt lại.
– Đau ngực âm ỉ.
Những triệu chứng khi xuất hiện ở phụ nữ thường nhẹ hơn so với nam giới. Các cơn đau vùng ngực hay kéo theo: chóng mặt, đổ mồ hôi, khó thở, buồn nôn.
3. Nguyên nhân bệnh mạch vành là gì?
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều yếu tố được xác định là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch vành. Đặc biệt có thể kể tới 2 yếu tố chính hình thành nguyên nhân bệnh mạch vành là:
3.1. Nguyên nhân bệnh mạch vành – do yếu tố không thể thay đổi
– Độ tuổi (trên 50 đối với nam và trên 55 đối với nữ). Độ tuổi càng tăng lên thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành cũng càng lớn hơn.
– Giới tính: ở bệnh lý này, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh thì lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Tiền sử có người ở trong gia đình từng mắc bệnh. Nguy cơ mắc phải bệnh mạch vành ở người có bố mẹ hay ông bà từng bị bệnh sẽ cao hơn so với người bình thường.
– Đang mắc một số các bệnh lý liên quan như: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì,…
3.2. Nguyên nhân bệnh mạch vành – do yếu tố có thể thay đổi
– Lối sống không tốt và lười vận động hàng ngày. Những người làm việc văn phòng hay thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động, lười thể dục thể thao sẽ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành hay những bệnh lý tim mạch cao hơn.
– Thường xuyên sử dụng thuốc lá: không chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành mà còn tiềm ẩn rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Sử dụng thuốc lá quá nhiều – nguyên nhân bệnh mạch vành
– Nghiện rượu, bia (đồ uống chứa cồn): sử dụng quá nhiều rượu bia hàng ngày là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim và gây ra các cơn đau thắt ở ngực.
4. Những phương pháp phổ biến trong điều trị bệnh mạch vành
Việc điều trị bệnh mạch vành phụ thuộc khá nhiều vào tình trạng sức khỏe và mức độ của bệnh lý. Tất cả các phương pháp để điều trị đều vì mục đích tăng cung cấp máu cho tim, hạn chế các triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
4.1. Thay đổi và cải thiện lối sống
Việc thay đổi và hạn chế các thói quen xấu sẽ giúp phòng ngừa và làm chậm diễn biến bệnh.
– Ngừng sử dụng thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) và tránh khói thuốc.
– Không uống bia, rượu,…
– Lên kế hoạch cho một chế độ dinh dưỡng khoa học: hạn chế thức ăn nhanh; đồ ăn giàu mỡ; giảm lượng muối, đường hấp thụ vào cơ thể;… Bên cạnh đó, nên: tăng rau xanh, củ quả, các loại ngũ cốc, các loại đậu,… trong chế độ ăn uống hàng ngày.
– Luyện tập thường xuyên, có trao đổi với bác sĩ để về những bài tập, môn thể thao phù hợp với sức khỏe tim mạch của bản thân.
Thể dục nhẹ nhàng đều đặn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân
– Kiểm soát những bệnh lý kèm theo: thường xuyên thăm khám để được phát hiện và điều trị cho kịp thời. Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh: béo phì, đái tháo đường,…
– Luôn giữ tâm thế thoải mái, vui vẻ, tránh các cảm xúc tiêu cực hay căng thẳng quá mức. Đồng thời cũng cần có một chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, hợp lý.
4.2. Sử dụng thuốc trong điều trị
Với trường hợp bệnh lý tiến triển nặng hơn và được yêu cầu sử dụng thuốc. Khi này người bệnh cần uống thuốc đều đặn và kéo dài theo các chỉ dẫn từ bác sĩ. Đặc biệt với thuốc chống kết tập tiểu cầu sẽ phải sử dụng suốt đời (người đã có nhồi máu cơ tim, đặt stent hay đã phẫu thuật).
– Thuốc chống kết tập tiểu cầu
– Thuốc giúp hạ mỡ máu, giảm xơ vữa
– Thuốc chống các cơn đau tức ngực, thắt ngực
4.3. Đặt stent và phẫu thuật
– Đặt Stent: là phương pháp đưa các khung lưới kim loại (nhỏ) vào lòng mạch vành với mục đích mở rộng và giữ lòng mạch không bị hẹp lại nữa.
– Phương pháp phẫu thuật: là sử dụng một đoạn của động hay tĩnh mạch để làm cầu nối bắc qua vị trí mạch vành đang tổn thương, nối phía sau của đoạn hẹp. Khi đó máu có thể cung cấp cho tim sau chỗ hẹp thông qua phần cầu nối mới.
Bệnh mạch vành nói riêng hay các bệnh lý tim mạch nói chung thì cách chữa trị tốt nhất vẫn là phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm. Bệnh có thể phòng ngừa thông qua việc hình thành lối sống khoa học và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn biết rõ tình trạng sức khỏe của bản thân đồng thời có thể phát hiện bệnh sớm và đưa ra phương án điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.