Nguyên nhân hẹp van tim 2 lá rất đa dạng, đa phần là do sốt thấp khớp, cặn canxi lắng đọng, do bệnh lý ảnh hưởng đến van tim và dị tật bẩm sinh… Nắm được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp chúng ta chủ động phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
1. Hẹp van tim 2 lá là bệnh gì?
Trái tim là trung tâm của hệ thống tuần hoàn gồm có bốn ngăn. Hai ngăn trên (còn gọi là tâm nhĩ) nhận máu. Hai ngăn dưới (còn gọi là tâm thất) bơm máu. Bốn van tim mở và đóng để đảm bảo dòng máu chỉ chảy theo một hướng qua tim, không bị trào ngược lại.
Vị trí van 2 lá nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Van 2 lá mở ra khi máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Sau đó, các van đóng lại để ngăn máu vừa đi vào tâm thất trái chảy ngược lại. Van tim bị trục trặc sẽ không thể mở hoặc đóng hoàn toàn.
Hẹp van 2 lá là sự thu hẹp của van 2 lá, nơi kiểm soát dòng chảy của máu từ tâm nhĩ trái của tim đến tâm thất trái. Kết quả là lưu lượng máu qua lỗ van bị giảm. Lượng máu mang oxy từ phổi bị giảm, làm cơ thể cảm thấy mệt mỏi và khó thở. Thể tích và áp lực từ máu còn lại trong tâm nhĩ trái tăng lên làm cho tâm nhĩ trái to ra và chất lỏng tích tụ trong phổi.
Hẹp van tim 2 lá là một bệnh lý nguy hiểm do nhiều nguyên nhân gây ra.
2. Nguyên nhân hẹp van tim 2 lá
2.1. Nguyên nhân hẹp van tim 2 lá do sốt thấp khớp
Nguyên nhân hẹp van 2 lá phổ biến nhất là sốt thấp khớp, một biến chứng của viêm họng hạt.
Theo bác sĩ Mojtaba Ziaee, Đại học Khoa học Y tế Maragheh: Viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị hoặc các bệnh nhiễm trùng khác với vi khuẩn liên cầu mà tiến triển thành sốt thấp khớp có thể gây ra bệnh van tim. Khi cơ thể cố gắng chống lại sự lây nhiễm liên cầu khuẩn, một hoặc nhiều van tim có thể bị hỏng hoặc bị sẹo trong quá trình này. Các động mạch chủ và van 2 lá van thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Một phòng khám ngoại trú chuyên về các bệnh van tim của Icor- USP, ở São Paulo, Brazil cho biết: Trong 30 ngày họ đã khám cho hơn 400 bệnh nhân bị bệnh van tim, và 60% bệnh nhân có bệnh thấp khớp.
Một lời giải thích khác cho việc van 2 lá thường bị ảnh hưởng bởi bệnh thấp khớp có thể là van 2 lá nằm ở phía bên trái của tim. Áp lực lên van là tối đa trong quá trình đóng van. Khi tâm thất trái co bóp để bơm máu đi nuôi cơ thể, van này sẽ bị căng hơn so với van động mạch chủ và van bên phải.
2.2. Nguyên nhân hẹp van tim 2 lá do bẩm sinh
Trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ sinh ra đã bị hẹp van 2 lá hoặc các dị tật bẩm sinh khác có thể gây hẹp van 2 lá. Cụ thể:
– Bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus
– Cor triatriatum
– Hẹp tĩnh mạch phổi bẩm sinh
– Vòng dưới sụn bẩm sinh
Dị tật van tim 2 lá bẩm sinh thường được chẩn đoán qua siêu âm tim. Đây là phương pháp sử dụng sóng âm thanh tạo ra hình ảnh tim chuyển động. Xét nghiệm này có thể cho thấy cấu trúc của tim, các van tim và lưu lượng máu qua tim. Các bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm này để đánh giá xem bệnh nhân có hẹp van 2 lá hoặc hở van 2 lá hay không.
Nguyên nhân hẹp van 2 lá phổ biến thứ 2 là vôi hóa hình khuyên 2 lá do lắng đọng dần dần của canxi
2.3. Do cặn canxi
Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây hẹp van 2 lá là vôi hóa hình khuyên 2 lá do lắng đọng dần dần của canxi ở trên và dưới vòng xơ van tim. Điều này gây giảm tính di động của lá tim và do đó cản trở sự giãn nở sinh lý của tâm trương.
Quá trình thoái hóa này tăng lên theo tuổi tác và liên quan đến các dấu hiệu viêm, các bệnh viêm mãn tính, suy thận, rối loạn khoáng hóa mô, tăng huyết áp toàn thân và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác…
Vôi hóa hình khuyên hai lá thường gặp hơn ở phụ nữ. 9% phụ nữ và 3% nam giới trên 60 tuổi được phát hiện mắc bệnh này qua siêu âm tim. Hiện tượng này cũng phổ biến hơn ở những người bị sa van 2 lá. Vôi hóa hình khuyên hai lá rất phổ biến ở những người bị bệnh thận mạn tính, và được tìm thấy ở 40% những người được siêu âm tim.
2.4. Do tác dụng phụ điều trị ung thư
Một trong số biến chứng lâu dài của điều trị ung thư là sự nhiễm độc tim với khả năng gây tổn thương tất cả các thành phần của tim từ màng ngoài tim đến hệ thống dẫn truyền đi qua cơ tim và bộ máy van tim.
Bệnh van tim do xạ trị có thể không gây ra triệu chứng cho đến nhiều năm sau khi điều trị. Chiếu xạ trung thất dẫn đến thoái hóa van tim, gây hẹp van tim, trào ngược van tim. Trong đó, hẹp van 2 lá là bệnh lý van tim phổ biến thứ ba sau hẹp van động mạch chủ và hở van 2 lá.
Sự phát triển của một bệnh van tim đáng kể thường xảy ra ở thời điểm khoảng 15 năm kể từ khi xạ trị. Tỷ lệ mắc bệnh là 0,5% sau 05 tuổi và 8,7% sau 25 tuổi, đặc biệt ở những đối tượng được xạ trị liều cao.
Đối với người cao tuổi, các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp cả hai có thể kích thích sự tiến triển của bệnh tim đã có từ trước.
2.5. Do bệnh lý
Có nhiều tình trạng bệnh lý khác có thể trở thành nguyên nhân hẹp van tim 2 lá, chẳng hạn như:
– U tâm nhĩ
– Xạ trị ngực
– Bệnh thấp tim
– Tổn thương và mô sẹo do đau tim hoặc chấn thương tim
– Nhiễm trùng
– Tăng huyết áp mãn tính, hoặc huyết áp cao
– Sưng trong tâm thất trái
– Hội chứng Marfan, một chứng rối loạn mô liên kết di truyền
– Rối loạn chuyển hóa. Các bệnh không phổ biến (chẳng hạn như bệnh Fabry) và các rối loạn chuyển hóa khác (chẳng hạn như cholesterol trong máu cao) có thể ảnh hưởng đến van tim.
– Bệnh giang mai không được điều trị
– Xơ vữa động mạch chủ, mảng bám tích tụ bên trong động mạch. Động mạch chủ là động mạch chính mang máu giàu oxy đến cơ thể.
– Hội chứng carcinoid: Các khối u trong đường tiêu hóa di căn đến gan hoặc các hạch bạch huyết có thể ảnh hưởng đến van tim và van phổi.
– Thuốc ăn kiêng: Việc sử dụng fenfluramine và phentermine đôi khi có liên quan đến các vấn đề về van tim. Những vấn đề này thường ổn định hoặc cải thiện sau khi ngừng thuốc.
Có nhiều tình trạng bệnh lý khác có thể dẫn đến hẹp van 2 lá
3. Các triệu chứng và phòng bệnh hẹp van 2 lá
3.1. Triệu chứng bệnh
Hẹp van 2 lá tiến triển chậm theo thời gian. Người bệnh có thể không nhận thấy các triệu chứng rõ ràng trong nhiều năm hoặc bị nhầm lẫn với bệnh khác. Các dấu hiệu phát triển và bộc lộ ra bên ngoài có thể bao gồm:
– Khó thở: Bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở, đặc biệt là sau khi hoạt động mạnh hoặc khi nằm xuống nghỉ ngơi nhưng khó thở không thuyên giảm.
– Mệt mỏi: Bệnh nhân có thể dễ dàng mệt mỏi khi tăng cường hoạt động thể chất.
– Sưng mắt cá chân và bàn chân: Sưng có thể xảy ra khi dòng máu bị rối loạn.
– Rối loạn nhịp tim: Bệnh nhân có thể nhận thấy nhịp tim nhanh, rung rinh.
– Ngất xỉu hoặc chóng mặt: Người bệnh có thể cảm thấy choáng váng hoặc thậm chí mất ý thức, đặc biệt là trong khi hoạt động thể chất.
– Đau ngực: Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu ở phổi và ngực.
– Ho ra máu: Khi van 2 lá bị hẹp, máu sẽ ứ lại tại tâm nhĩ trái do không thể thoát hết xuống tâm thất gây tăng áp lực tiểu tuần hoàn. Các mao mạch nhỏ rất dễ vỡ khiến máu tràn vào trong các tiểu phế quản gây ho ra máu.
Bác sĩ cũng có thể phát hiện các dấu hiệu của hẹp van 2 lá khi thăm khám qua các dấu hiệu:
– Tiếng thổi tim
– Chất lỏng tích tụ trong phổi
– Nhịp tim bất thường, chẳng hạn như rung tâm nhĩ (AFib)
3.2. Phòng bệnh hẹp van tim 2 lá
Thay đổi lối sống có lợi cho tim mạch để phòng chứng hẹp van tim và các bệnh tim khác. Một số lời biện pháp phòng bệnh tim mạch có thể áp dụng gồm:
– Ăn uống thực phẩm tốt cho tim mạch và nên ăn nhạt
– Hướng đến một cơ thể có cân nặng phù hợp
– Quản lý căng thẳng, stress, cố gắng thư giãn tinh thần
– Vận động và tập thể dục thường xuyên hơn với những bài tập vừa sức
– Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc
Lưu ý, các biện pháp trên chỉ mang tính tham khảo và không thể thay thế việc chẩn đoán và điều trị. Tốt nhất bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để nhận biết các yếu tố nguy cơ tim mạch. Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh hẹp van tim, hãy tới ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để kiểm tra giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nếu mắc bệnh. Nếu có bất cứ thắc mắc nào hay muốn đặt lịch khám, bệnh nhân vui lòng liên hệ để được tư vấn chi tiết.
Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân hẹp van tim 2 lá. Đó có thể do bệnh lý, do bẩm sinh hoặc do những thói quen sinh hoạt hàng ngày của chúng ta vô tình tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Mỗi người hãy duy trì lối sống khoa học và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để luôn có một cơ thể mạnh khỏe nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.