Bệnh động kinh ở trẻ em có thể gây tổn thương não bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển vận động và tư duy sau này của trẻ, nếu không được điều trị đúng cách. Nguyên nhân nào khiến trẻ dễ bị động kinh, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay ở bài viết dưới đây.
Bệnh động kinh co giật ở trẻ nhỏ ảnh hưởng phát triển trí tuệ sau này của trẻ
1. Như thế nào được gọi là động kinh
Động kinh là hiện tượng rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương. Do sự phóng điện đột ngột quá mức, nhất thời của các tế bào thần kinh trong não. Biểu hiện ra bên ngoài bằng các cơn co giật, rối loạn hành vi, mất cảm giác, rối loạn ý thức, không làm chủ được hành động.
Tỷ lệ mắc bệnh động kinh xấp xỉ khoảng 0,15-1%. Ở Việt Nam, con số này rơi vào khoảng 0,5%, trong đó trẻ em chiếm 30%.
2. Dấu hiệu cảnh báo động kinh ở trẻ em
Dấu hiệu cảnh báo cơn động kinh ở trẻ em có thể có các triệu chứng như:
– Đột ngột ngã khuỵu, không kiểm soát được hành vi, co giật cơ tay chân. Mắt nhìn chằm chằm.
– Người bệnh mất ý thức.
Có hai loại cơn động kinh chính, đó là: cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thể.
2.1 Cơn động kinh cục bộ
Một phần của bộ não bộ có hoạt động bất thường, xuất hiện cơn động kinh co giật cục bộ. Có 2 loại cơn động kinh cục bộ: cơn động kinh cục bộ đơn giản và phức tạp.
Cơn động kinh cục bộ đơn giản:
Là những cơn co giật không dẫn đến việc mất ý thức của người bệnh. Cơn động kinh này làm thay đổi cảm xúc hoặc cách nhìn, ngửi, nghe của người bệnh. Cơn động kinh đơn giản có thể làm co giật một phần của cơ thể: cánh tay, chân, ngứa, chóng mặt, nháy mắt… một cách không tự nguyện.
Cơn động kinh cục bộ phức tạp:
Là những cơ co giật làm thay đổi ý thức, nhận thức của bệnh nhân trong một khoảng thời gian. Cơn động kinh này làm người bệnh nhìn chằm chằm, không chủ đích, bàn tay cọ xát vào nhau, co giật, nhai, nuốt, đi vòng vòng.
2.2 Cơn động kinh toàn thể
Cơn động kinh toàn thể là hoạt động liên quan đến hoạt động bất thường của tất cả bộ não. Có 4 loại động kinh toàn thể:
– Động kinh toàn thể – không có cơn co giật (còn gọi là petit mal)
Những cơn động kinh này bệnh nhân nhìn và chuyển động cơ thể tinh tế. Bệnh nhân sẽ có thể bị mất ý thức ngắn.
– Động kinh múa giật (Myoclonic)
Bệnh nhân có những cơn co giật đột ngột, co rút tay chân.
– Động kinh suy nhược
Bệnh nhân co giật, mất trương lực cơ, bất ngờ mất kiểm soát ngã khuỵu xuống sàn.
– Động kinh cơn lớn
Tình trạng này là mãnh liệt nhất trong tất cả các thể động kinh. Người bệnh mất ý thức, cơ thể co cứng, mất ý thức, run rẩy, mất kiểm soát bàng quang.
3. Lúc nào nên đưa trẻ đi cấp cứu sau cơn động kinh?
Nếu có những triệu chứng trên, đưa người bệnh đến cơ sở y tế lớn gần nhất để được hỗ trợ. Trong cơn động kinh, nên lấy đũa quấn khăn để ngáng ngang miệng bệnh nhân. Tránh bệnh nhân cắn phải lưỡi trong cơn động kinh. Những trường hợp động kinh là cấp cứu:
– Cơn động kinh kéo dài trên năm phút.
– Bệnh nhân có hiện tượng hôn mê, ngừng thở sau cơn động kinh.
– Cơn động kinh thứ hai xuất hiện ngay sau cơn động kinh thứ nhất vừa xong.
– Người động kinh có tiền sử tiểu đường, huyết áp, tim mạch.
– Bệnh nhân bị thương trong quá trình lên cơn.
– Trẻ em bị động kinh.
Đo điện não đồ kiểm tra động kinh ở trẻ em
4. Nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh ở trẻ
Nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh ở trẻ có thể do các yếu tố tác động trong quá trình mang thai, trong khi sinh, sau khi sinh bị tổn thương não:
– Mẹ bầu trong khi mang thai bị chấn thương, tiếp xúc với chất độc hại, nhiễm chì.
– Dị tật bẩm sinh thai nhi, hẹp hộp sọ.
– Trẻ sinh non dưới 37 tuần, trẻ nhẹ cân dưới 2,5kg sau sinh.
– Trẻ sau sinh bị ngạt thở, tím tái, suy hô hấp, phải thở máy.
– Can thiệp sản khoa: trẻ khi sinh phải dùng kẹp thai, hút thai, đẻ chỉ huy.
– Vàng da nhân não: trẻ có dấu hiệu vàng da trong ngày thứ 1 – 3 sau sinh, kèm theo các dấu hiệu bỏ bú, tím tái, co giật, hôn mê.
– Trẻ bị hạ đường máu sau sinh
– Mắc các bệnh lý: Chảy máu não – màng não, viêm não, viêm màng não, chấn thương sọ não, bệnh chuyển hóa tiến triển…
– Động kinh có thể xuất hiện sau một số cơn sốt cao, liên tục với một tỉ lệ nhất định.
– Một số trường hợp động kinh ở trẻ không tìm thấy nguyên nhân.
5. Biến chứng bệnh động kinh ở trẻ
Số bệnh nhân bị động kinh ở trẻ trong độ tuổi 1 – 3, chiếm 50% tổng số bệnh nhân đến khám chuyên khoa thần kinh.
– Cơn động kinh có thể khiến người bệnh xuất hiện các cơn co giật ở một phần cơ thể hoặc toàn thân, mất ý thức hoặc không mất ý thức… Các cơn co giật động kinh thường lặp đi lặp lại, cách quãng hoặc liên tục.
– Ở mức độ nhẹ, trẻ chỉ xuất hiện một vài cơn động kinh. Khi điều trị đầy đủ bệnh sẽ không tái phát.
– Mức độ nặng, cơn co giật xuất hiện nhiều, diễn tiến sang bại não, chậm phát triển. Tình trạng này cần điều trị kéo dài, phụ thuộc hoàn toàn vào các thuốc chống động kinh. Một số trường hợp có hiện tượng không đáp ứng được thuốc.
– Trẻ trong cơn co giật có thể rất dễ gây tai nạn, đuối nước, bỏng…
– Những cơn co giật kéo dài trên 5 phút, nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể gây suy hô hấp, ngừng thở, thậm chí tử vong…
– Ảnh hưởng tới trí tuệ và vận động của trẻ: học tập sa sút, kiểm soát hành động kém, giao tiếp xã hội bị hạn chế…
– Trẻ khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, tự ti, ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển sau này.
– Co giật hơn 5 phút, trẻ có dấu hiệu tổn thương não bộ nặng hơn. Không được cấp cứu kịp thời có thể suy hô hấp, ngừng thở.
– Trong cơn động kinh, trẻ có thể cắn phải lưỡi, mất máu nhiều, ảnh hưởng tới tuần hoàn.
Động kinh ở trẻ em nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khỏi hoàn toàn
6. Khi trẻ xuất hiện cơn động kinh bố mẹ cần phải xử lý thế nào?
Những cơn động kinh thường xảy ra đột ngột không hề báo trước. Trẻ có thể bị cắn vào lưỡi, sặc, ngạt thở, ngã, tai nạn, chấn thương… Trường hợp nặng hơn, trẻ có thể rơi vào hôn mê, suy hô hấp, mất máu ảnh hưởng đến tính mạng.
Vì thế, người trông giữ trẻ cần bình tĩnh, quan sát và xử lý ngay để trẻ an toàn. Khi trẻ xuất hiện cơn động kinh, chúng ta cần phải:
6.1 Xử lý ban đầu chứng động kinh ở trẻ em
– Để bé ở nơi an toàn, không có mối nguy hiểm, tránh ngã, điện giật hay đồ vật xung quanh đổ lên người. Tốt nhất là sàn nhà hoặc không gian rộng, thoáng.
– Nếu trẻ lên cơn động kinh khi đang ăn, uống thì ngay lập tức móc hết dị vật trong miệng trẻ, nghiêng mặt sang một bên. Để thông thoáng đường thở, tránh sặc phổi.
– Tìm hỗ trợ hoặc lấy cây bút, cây gậy nhỏ hoặc đũa… quấn qua lớp vải cho vào ngang miệng để trẻ tránh cắn phải lưỡi.
– Không đè trẻ, không cố giữ trẻ co giật, không kìm chặt trẻ. Hãy để cơn co giật được tự nhiên trong vùng an toàn.
– Không cho trẻ ăn uống trong cơn co giật, dễ gây sặc phổi.
6.2 Sơ cứu ban đầu động kinh ở trẻ em
– Theo dõi thời gian cơn động kinh, khoảng cách giữa các cơn động kinh, tính chất cơn để báo lại với bác sĩ điều trị. Nếu cơn động kinh diễn ra liên tiếp, cơn này tiếp đến cơn kia gần nhau. Cơn động kinh kéo dài 5 phút, đưa trẻ đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
– Trường hợp sau cơn động kinh, trẻ có dấu hiệu tím tái, nhợt nhạt, gọi dậy không tỉnh, hôn mê, có dấu hiệu ngừng thở, suy hô hấp. Ngay lập tức ép tim thổi ngạt cho trẻ để trẻ có thể thở được trước khi đưa đi cấp cứu.
– Nếu lần đầu tiên trẻ bị co giật động kinh, đưa trẻ đi cấp cứu sớm để được bác sĩ thăm khám điều trị.
– Những cơn co giật động kinh ở những lần sau của trẻ, nếu tính chất không dữ dội, cơn co giật ngắn. Có thể để ở nhà theo dõi, ghi lại tính chất, cường độ, thời gian các cơn co giật. Liên hệ với bác sĩ điều trị chính để theo sát điều trị. Sử dụng thuốc điều trị động kinh theo đúng phác đồ bác sĩ.
Động kinh có thể khiến trẻ ảnh hưởng đến trí tuệ và vận động sau này. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng bại não, chậm phát triển. Bảo vệ bé từ bên trong bụng mẹ, tránh tác nhân gây hại cũng như thời điểm trẻ non nớt từ 1 – 3 tuổi là điều kiện quan trọng nhất để hạn chế động kinh ở trẻ. Hãy bình tĩnh, xử trí theo đúng theo những lưu ý kể trên, để bảo vệ bé an toàn sau cơn động kinh nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.