Mất ngủ có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi nhưng phổ biến nhất là nhóm người cao tuổi. Người già mất ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn chứng mất ngủ ở người cao tuổi và các phương pháp cải thiện.
1. Tìm hiểu về tình trạng người già mất ngủ
1.1. Vai trò của giấc ngủ đối với người cao tuổi
Thời gian ngủ trong ngày của một người sẽ giảm dần theo độ tuổi. Nếu trẻ mới sinh cần 20 tiếng để ngủ thì trẻ 6 tuổi giảm còn 10h – 12h để ngủ. Thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-17 cần ngủ từ 8-10 tiếng một ngày. Người trưởng thành cần dành 7-9 tiếng cho việc ngủ. Người già trên 65 tuổi ngủ từ 7-8 tiếng/ngày.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp người già duy trì sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất. Tuy nhiên rất nhiều người lớn tuổi gặp phải tình trạng khó ngủ, mất ngủ. Số liệu cho thấy khoảng 50% người trên 60 tuổi bị mất ngủ.
Giấc ngủ ngon giúp người lớn tuổi tăng sức đề kháng, phòng ngừa nguy cơ suy giảm hay mất trí nhớ, hạn chế nguy cơ đột quỵ và nhiều bệnh khác. Nếu bị bệnh, giấc ngủ đảm bảo chất lượng cũng đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Một giấc ngủ chất lượng sẽ đảm bảo các yếu tố sau đây:
– Giấc ngủ kéo dài liền mạch từ 7-9 tiếng mỗi đêm
– Ngủ sâu, ngủ tròn giấc
– Sau khi thức dậy đầu óc thoải mái, cơ thể tràn đầy năng lượng
– Khi ngủ dậy cảm thấy vẫn buồn ngủ, khó chịu, nặng đầu thì có thể bạn ngủ không ngon và không sâu giấc.
1.2. Người già mất ngủ có những triệu chứng nào?
Khi bị mất ngủ, người lớn tuổi sẽ gặp những dấu hiệu sau đây
– Không ngủ được xuyên đêm, tỉnh dậy nhiều lần
– Trằn trọc rất lâu mới ngủ được
– Tỉnh dậy mà khó ngủ lại hoặc không thể ngủ lại
– Ngủ dậy rất sớm nhưng ban ngày lại buồn ngủ, ngủ gật
– Trằn trọc đến sáng mới chợp mắt được nhưng chỉ chập chờn, không sâu
– Dễ tỉnh giấc dù chỉ do một tiếng động nhỏ
Nhiều người lớn tuổi gặp phải tình trạng khó ngủ, dậy sớm và ngủ không sâu
2. Người cao tuổi mất ngủ do đâu?
Một số nguyên nhân phổ biến khiến người già mất ngủ là:
2.1. Người già mất ngủ do rối loạn giấc ngủ tiên phát
Rối loạn giấc ngủ nguyên phát là tình trạng mất ngủ không do các bệnh lý khác tác động.
– Do suy giảm chức năng khi bước vào quá trình lão hóa tự nhiên. Tuổi càng cao đồng nghĩa với các tế bào và cơ quan bị lão hóa. Trong đó các tế bào thần kinh bị suy giảm chức năng dẫn đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không yên.
– Chứng ngừng thở khi ngủ hoặc hơi thở bị gián đoạn trong khi ngủ.
– Hội chứng RLS – chân không yên: cảm thấy muốn cựa quậy, chuyển động chân khi ngủ.
– Rối loạn tứ chi hay còn hiểu là chân tay cử động trong vô thức: hành động này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
– Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học hoặc chu kỳ ngủ – thức dậy gián đoạn.
– Rối loạn hành vi giấc ngủ.
2.2. Người lớn tuổi mất ngủ do rối loạn giấc ngủ thứ phát
Rối loạn giấc ngủ thứ phát thường do ảnh hưởng của một số bệnh lý. Nổi bật là do bệnh xương khớp như thoái hóa khớp, loãng xương gây sưng đỏ, đau nhức. Cơn đau thường dữ dội hơn lúc nửa đêm về sáng khiến người bệnh ngủ không ngon, tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại.
Bên cạnh đó các bệnh như thiếu máu cơ tim, tiểu đường, u xơ tiền liệt tuyến, suy tim, viêm phế quản, hen suyễn cũng gây ra biến chứng đau tức ngực, tiểu đêm, khó thở nên người lớn tuổi cũng khó ngủ tròn giấc.
2.3. Mất ngủ ở người lớn tuổi do các bệnh lý tâm thần kinh
Ước tính khoảng 30% người lớn tuổi trong cộng đồng và 50% người cao tuổi sống tại viện dưỡng lão có triệu chứng trầm cảm. Bệnh trầm cảm là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến chứng rối loạn giấc ngủ ở người già. Biểu hiện là khó vào giấc ngủ, thường xuyên bị thức dậy sớm và ngủ ngày nhiều. Một số trường hợp bị kích động nên khó ngủ.
Ngoài ra chứng lo âu, ám ảnh, lo nghĩ quá mức cũng là yếu tố tác động đến giấc ngủ. Khi lớn tuổi, nhiều mối bận tâm về con cái, tài chính, bệnh tật khiến người lớn tuổi khó ngủ, ngủ không ngon. Mất ngủ cũng có thể là biểu hiện của sa sút trí tuệ mà người thân cần đặc biệt lưu ý.
Người cao tuổi với nhiều trăn trở, lo lắng, nỗi sợ hãi – đây đều là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ
2.4. Mất ngủ ở người lớn tuổi do tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc như corticoid, thuốc điều trị tuyến giáp, thuốc điều trị bệnh thần kinh, thuốc hạ huyết áp … có tác dụng phụ làm mất ngủ. Ngoài ra một số dòng thuốc ngủ nhưng lại làm tỉnh táo vào ban đêm, ngủ nhiều vào ban ngày.
3. Phương pháp cải thiện chứng mất ngủ ở người lớn tuổi
3.1. Điều trị bằng thuốc
Người lớn tuổi bị mất ngủ chỉ nên dùng thuốc khi các biện pháp cải thiện không đem lại hiệu quả. Hoặc trường hợp bị mất ngủ cấp tính trong thời gian ngắn có thể dùng thuốc. Bệnh nhân mất ngủ kéo dài nên tìm đến bác sĩ để tìm ra đúng nguyên nhân và được kê đơn. Không tự ý sử dụng thuốc chữa mất ngủ tại nhà vì có thể gây nguy hại tới sức khỏe và dẫn đến nhiều bệnh khác.
3.2. Điều trị không dùng thuốc
– Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn, tuy nhiên không nên tập nặng sau 6 giờ chiều. Người cao tuổi nên tập yoga, dưỡng sinh, thái cực quyền hoặc đi bộ.
– Không nên ngủ ngày quá nhiều. Nếu cảm thấy buồn ngủ, hãy đi lại hoặc làm việc nhà để tránh cảm giác đó.
– Không được sử dụng đồ uống có cồn, tránh hút thuốc và sử dụng chất kích thích.
– Nên ăn đủ lượng rau xanh, hoa quả tươi mỗi ngày. Nên chế biến thực phẩm theo dạng hấp, luộc, ít gia vị thay vì chiên rán nhiều dầu mỡ, nhiều đường và muối.
– Người lớn tuổi nên uống ít nước vào buổi tối, ăn ít canh để tránh đi tiểu đêm.
– Tạo môi trường ngủ yên tĩnh, thư giãn và sạch sẽ, ít bụi bặm. Nên tránh tiếng ồn, ánh sáng và sóng điện từ ở điện thoại di động.
– Có thể ngâm chân nước ấm, massage chân tay và mắt để dễ ngủ.
– Tạo tâm trí thoải mái, gạt bỏ mọi suy nghĩ khi lên giường.
Yoga là bài tập người lớn tuổi có thể thực hiện tại nhà để cải thiện chứng mất ngủ
Nếu tình trạng mất ngủ diễn ra liên tục với tần suất hơn 3 lần 1 tuần và kéo dài hơn 1 tháng thì cần đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.