Ung thư cổ tử cung là một trong những nỗi lo lắng thường trực của chị em phụ nữ. Để nắm bắt được nguyên nhân ung thư cổ tử cung và cách phòng ngừa, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
1. Ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là một bộ phận trong hệ sinh dục nữ, có chiều dài khoảng 5cm. Cổ tử cung nằm giữa tử cung và âm đạo, đây là lớp phòng thủ đầu tiên giúp cơ thể nữ giới chống lại các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một đầu của cổ tử cung được bao phủ bởi lớp mô mỏng cấu thành từ các tế bào và mở thông với âm đạo.
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính xuất phát từ các tế bào gai hoặc biểu mô tuyến ở cổ tử cung. Khi các tế bào này phát triển một cách mất kiểm soát sẽ tạo thành khối u trong cổ tử cung và gây ra ung thư. Theo thời gian, khối u có thể lan rộng ra xung quanh và di căn đến cả những cơ quan ở xa cổ tử cung.
2. Xác định nguyên nhân ung thư cổ tử cung
Theo các chuyên gia, ung thư cổ tử cung chủ yếu do virus HPV gây nên. Ước tính có khoảng 99% số ca mắc ung thư cổ tử cung bị nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại virus HPV đều gây bệnh. Cụ thể, virus HPV tuýp 16 và tuýp 18 chính là những loại dễ gây ra ung thư cổ tử cung nhất.
Virus HPV có khả năng lây lan từ người sang người nếu có sự tiếp xúc trực tiếp giữa da với da. Loại virus này cũng có thể lây qua đường quan hệ tình dục bằng âm đạo, hậu môn hay thậm chí là cả quan hệ tình dục bằng tay và miệng.
Có một sự thật là hầu hết những người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục đều bị nhiễm HPV ít nhất một lần, một nửa số đó nhiễm HPV tuýp 16 và 18. Khi phát hiện sự tồn tại của virus HPV, hệ thống miễn dịch sẽ tự động được kích hoạt để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên nếu nhiễm phải virus HPV nguy cơ cao như tuýp 16 và 18 thì người bệnh vẫn có thể mắc ung thư trong tương lai.
Ngoài nguyên nhân chính là virus HPV, một số yếu tố khác đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bao gồm:
2.1. Quan hệ tình dục với nhiều người
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nữ giới có nguy cơ cao nhiễm virus HPV nếu có hơn 2 bạn tình trong vòng một năm, hoặc có hơn 7 bạn tình trong đời.
Bên cạnh đó, nếu quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên thì nữ giới cũng có nguy cơ mắc bệnh. Lý do là vì các tế bào mô ở cổ tử cung chưa hoàn toàn trưởng thành và dễ bị tổn thương.
2.2. Mang thai quá sớm hoặc mang thai nhiều lần
Mang thai và sinh con khi chưa đủ 17 tuổi có thể gây tổn thương cổ tử cung và gây ra nguy cơ mắc ung thư sau này. Ở độ tuổi này, các cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện nên rất nhạy cảm. Ngoài ra, nếu nữ giới từng mang thai từ 4 lần trở lên thì khả năng mắc phải ung thư cổ tử cung cũng cao hơn người khác.
Thời gian và số lần nữ giới mang thai cũng có thể tác động đến khả năng mắc ung thư cổ tử cung
2.3. Thường xuyên hút thuốc lá
Nicotine – một trong những chất gây suy giảm hệ miễn dịch tồn tại rất nhiều trong thuốc lá. Chất này còn làm mất cân bằng các gen gây ung thư nên những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư rất cao.
2.4. Hệ miễn dịch bị suy giảm
Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản khối u phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư. Hệ miễn dịch bị suy giảm cũng đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ dễ bị tế bào ung thư tấn công hơn.
3. Phòng ngừa ung thử cổ tử cung
Sau khi xác định được nguồn gốc của ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa bằng một số cách sau đây:
3.1. Tiêm vắc-xin HPV
Như vừa đề cập ở trên, virus HPV tuýp 16 và 18 là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư cổ tử cung. Vì vậy, phương pháp phòng ngừa hiệu quả đầu tiên nữ giới có thể làm là tiêm vắc-xin HPV. Độ tuổi thích hợp nhất để tiêm loại vắc-xin này là từ 9-26 tuổi, bất kể bạn đã từng quan hệ tình dục hay chưa.
Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV là lựa chọn hàng đầu để ngăn chặn ung thư cổ tử cung
3.2. Tầm soát ung thư cổ tử cung
Nữ giới từ 20 tuổi trở lên nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Đặc biệt, nếu phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường liên quan đến hệ sinh dục thì nên đi khám ngay để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Hãy đến bệnh viện tầm soát ngay nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ ung thư
3.3. Sinh hoạt khoa học, lành mạnh
Duy trì lối sống và thói quen tình dục an toàn, khoa học, quan hệ với ít bạn tình,… cũng là một phương pháp giúp hạn chế nguy cơ nhiễm phải virus HPV. Ngoài ra, các thói quen sinh hoạt khác như chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục, chơi thể thao,… cũng cần được chú ý để cải thiện chức năng của hệ miễn dịch. Chị em cũng nên vệ sinh vùng kín thường xuyên để tránh bị viêm nhiễm, đồng thời tránh xa thuốc lá và các chất kích thích.
Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn nhận thức rõ hơn về những nguyên nhân ung thư cổ tử cung cũng như biết cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Nếu có bất cứ vấn đề nào với cơ thể, bạn đừng ngần ngại mà hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.