Ung thư da thường phát triển ở những vị trí phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu về nguyên nhân ung thư da và cách điều trị hiệu quả bạn nhé.
1. Ung thư da và các triệu chứng thường thấy nhất
Vùng da ở đầu, cổ, mặt, ngực, tay và chân thường là nơi dễ bị ung thư da nhất. Ngoài ra, ung thư da cũng có thể được tìm thấy ở lòng bàn tay, dưới móng tay hoặc móng chân và ở cơ quan sinh dục.
Triệu chứng của các loại ung thư da khác nhau có sự phân hóa nhất định, cụ thể:
Ung thư da biểu mô tế bào đáy
Thường thấy ở những vùng da có tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng như má, thái dương, mũi, cổ,… Loại ung thư này đặc trưng bởi một vết sừng có hình dạng ngọc trai, vết sáp hoặc sẹo bằng phẳng màu da hoặc nâu, hạt màu đỏ hồng hoặc nốt to màu trắng.
Ung thư da biểu mô tế bào vảy
Thường thấy ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng như mặt, tai, mu bàn tay và lưng cẳng tay. Với khu vực ít tiếp xúc với ánh mặt trời hơn, đối tượng dễ mắc loại ung thư này nhất là những người da sẫm màu. Triệu chứng của ung thư da biểu mô tế bào vảy có thể kể đến như xuất hiện nốt đỏ hoặc vết thương đóng vảy có khả năng phát triển dần thành nốt hoặc dày sừng.
U sắc tố ác tính
Loại ung thư da này xuất phát từ các tế bào sắc tố ở bất cứ vùng da nào có màu sắc. Các dấu hiệu phổ biến nhất của u sắc tố ác tính bao gồm xuất hiện các đốm màu nâu sẫm, nốt ruồi thay đổi màu sắc hoặc lớn dần, những vết thương tối màu ở lòng bàn tay – chân và thậm chí cả màng nhầy trong mũi, miệng, âm đạo hoặc hậu môn.
Ung thư da có thể tồn tại với rất nhiều hình thái khác nhau
2. Nguyên nhân ung thư da là gì?
Nguyên nhân ung thư da liên quan đến đột biến ADN của các tế bào da. Những đột biến này sẽ khiến cho các tế bào da phát triển một cách mất kiểm soát và tạo nên tế bào ung thư.
Những yếu tố có thể ảnh hưởng và gây ra sự biến đổi trong ADN của tế bào da bao gồm:
– Cơ thể hấp thụ các bức xạ tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời khi phơi nắng, tắm nắng quá lâu và không đúng cách.
– Sinh sống ở khu vực xích đạo, khu vực có khí hậu nóng bức và cường độ nắng chiếu mạnh.
– Từng có tiền sử bị bỏng da nặng hoặc bị cháy nắng.
– Di truyền từ người thân trong gia đình có tiền sử ung thư da.
– Da trắng và nhạy cảm với các tổn thương trên da.
– Có nhiều nốt ruồi và tàn nhang trên cơ thể, hệ miễn dịch yếu.
– Lạm dụng mỹ phẩm chứa các loại hóa chất gây hại cho da, lạm dụng tia bức xạ.
Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây ra ung thư da
3. Các lựa chọn để điều trị ung thư da
Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư da, bác sĩ sẽ căn cứ vào loại ung thư cũng như tình trạng sức khỏe thực tế của người bệnh để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, các phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư da gồm có:
3.1. Đông lạnh bằng nitơ lỏng
Nhờ sử dụng nitơ ở dạng lỏng, các tế bào ung thư tồn tại ở dạng dày sừng sẽ bị phá hủy. Phương pháp này thường được áp dụng cho ung thư da giai đoạn đầu, khi kích thước khối u vẫn còn nhỏ.
3.2. Phẫu thuật
Đây là phương pháp cắt bỏ các mô chứa tế bào ung thư rồi thay thế bằng mô da bình thường. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật ung thư da tốn khá nhiều thời gian để da từ từ lành lại và tránh để lại sẹo.
Trước khi phẫu thuật, mức độ tổn thương trên da sẽ được đánh giá kĩ càng
3.3. Chiếu tia laser
Những tổn thương tiền ung thư bề mặt da có thể được chiếu tia laser để điều trị thay vì các phương pháp can thiệp xâm lấn khác.
3.4. Phẫu thuật Moh
Nếu người bệnh mắc phải ung thư da biểu mô tế bào đáy, ung thư da biểu mô tế bào vảy và ung thư da tái phát thì thường được điều trị bằng phẫu thuật Moh. Đây là phương pháp cắt bỏ từng lớp tế bào ung thư, đồng thời theo dõi dưới kính hiển vi cho đến khi lớp cuối cùng của tổ chức ung thư được loại bỏ.
3.4. Xạ trị
Xạ trị ung thư da thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư da biểu mô tế bào đáy. Nguyên nhân là do loại tế bào ung thư này rất nhạy cảm với xạ trị, giúp hiệu quả điều trị bằng tia xạ có thể tương đương như phẫu thuật.
Để tránh làm tổn thương vùng da điều trị bằng tia xạ, bệnh nhân có thể được xạ trị theo từng đợt. Thời gian xạ trị có thể kéo dài từ 1 đến 4 tuần tùy mức độ nghiêm trọng.
3.5. Hóa trị
Hóa trị ung thư da có thể được thực hiện tại chỗ hoặc hóa trị toàn thân. Các loại thuốc hóa trị sẽ tập trung tiêu diệt tế bào ung thư và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới những tế bào da khỏe mạnh. Thuốc hóa trị ung thư da có thể được đưa vào cơ thể người bệnh thông qua đường uống, tiêm hoặc bôi ngoài da.
Hiện nay, tỉ lệ người da vàng mắc ung thư da thấp hơn so với người da trắng. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan mà hãy đi khám ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào trên da.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.