Bệnh ung thư tuyến nước bọt tuy không phổ biến như các loại ung thư khác nhưng mức độ ác tính là rất cao. Nắm được thông tin về nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến nước bọt giúp bạn đọc cảnh giác và chủ động phát hiện sớm bệnh.
1. Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt có thể phát sinh ở nhiều vị trí như: mang tai, dưới hàm… Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
– Hút thuốc hay sử dụng các sản phẩm thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt.
– Bức xạ: điều trị vùng đầu và cổ bằng bức xạ hoặc làm việc tiếp xúc với các chất phóng xạ nhất định làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.
– Công việc: một số nghiên cứu cho thấy rằng làm việc với một số sản phẩm như bụi hợp kim niken hoặc bụi silic có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Chế độ ăn uống: một số nghiên cứu đã tìm thấy rằng một chế độ ăn giàu chất béo động vật và ít rau quả có thể làm tăng nguy cơ.
– Tiền sử gia đình: nếu các thành viên trong gia đình bạn đã bị ung thư tuyến nước bọt, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Khối u tuyến nước bọt là loại khối u hiếm gặp có nguồn gốc từ các tế bào tuyến nước bọt. Khối u tuyến nước bọt có thể bắt đầu ở bất kỳ tuyến nước bọt nào trong miệng, cổ hoặc cổ họng của người bệnh.
2. Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt
Tùy vào vị trí ung thư mà biểu hiện mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng khá mơ hồ. Đến giai đoạn tiến triển, người bệnh có thể thấy:
– Khối u (thường không đau) ở khu vực ở phía trước của tai, má, cằm, môi hoặc trong miệng.
– Khó nuốt
– Tê và ngứa ran ở mặt
– Khó há miệng rộng
– Tai thoát ra chất dịch
– Yếu các cơ bắp ở một bên của khuôn mặt (liệt mặt)
– Đau dai dẳng ở mặt (không phổ biến nhưng có thể xảy ra)
– Sự khác biệt về kích thước và hình dạng của bên trái và bên phải mặt hoặc cổ.
Hầu hết các trường hợp bệnh ung thư tuyến nước bọt được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn ung thư, và có thể bức xạ sau đó, tùy thuộc vào mức độ lan rộng của bệnh. Hóa trị ít được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến bước bọt.
Tỷ lệ sống sau năm năm của ung thư tuyến nước bọt là 32 – 86% (tùy thuộc vào loại tuyến nước bọt).
Nhận thấy những dấu hiệu bất thường, mọi người nên chủ động đi thăm khám sớm, tránh để những triệu chứng này diễn biến nặng
2. Điều trị và lời khuyên trong phòng bệnh ung thư tuyến nước bọt
2.1 Các phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt
Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, sức khỏe chung, mức độ đáp ứng điều trị, tuổi tác, mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau.
– Phẫu thuật: Thường là phương pháp điều trị chính cho người bệnh ung thư tuyến nước bọt. Trong hầu hết các trường hợp ung thư và một số hoặc tất cả các tuyến nước bọt xung quanh sẽ được cắt bỏ. Mô mềm lân cận cũng có thể được loại bỏ. Nếu ung thư đã lan rộng và phát triển đến các hạch bạch huyết thì các hạch bạch huyết ở cùng 1 bên cổ có thể được bóc tách.
– Xạ trị: Là phương pháp điều trị chính có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị liệu đối với một số bệnh nhân mắc ung thư tuyến nước bọt không thể thực hiện cắt bỏ bằng phương pháp phẫu thuật vì kích thước hoặc vị trí của khối u.
Xạ trị cũng có thể được chỉ định sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư bị sót lại giúp giảm nguy cơ tiếp tục phát triển trở lại. Ở những bệnh nhân mắc ung thư tuyến nước bọt giai đoạn tiến triển, xạ trị được sử dụng như là một phương pháp nhằm làm giảm các triệu chứng như đau, chảy máu, khó nuốt.
– Hóa trị: Là phương pháp sử dụng thuốc thông qua đường truyền tĩnh mạch đường uống, thuốc khi đi vào máu sẽ đến tất cả các khu vực trên cơ thể, vì thế nên phương pháp này hữu ích đối với ung thư tuyến nước bọt khi lan rộng ra khỏi vùng cổ. Hóa trị thường được sử dụng khi ung thư đã di căn đến các cơ quan xa hoặc trong trường hợp không thể kiểm soát được bằng phẫu thuật và xạ trị.
2.2 Phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt
Thu Cúc TCI là địa chỉ y tế uy tín trong cung cấp các gói dịch vụ tầm soát ung thư theo nhu cầu của khách hàng
Như đã đề cập đến các yếu tố nguy cơ cao có khả năng thúc đẩy hình thành ung thư tuyến nước bọt ở phần trước, người dân nên chủ động phòng tránh bằng cách:
– Ngừng sử dụng thuốc lá, hạn chế uống rượu bia quá mức, sử dụng chế độ ăn uống lành mạnh…
– Luôn tuân thủ các nguyên tắc về trang bị bảo hộ lao động cần thiết, đúng theo quy định để giảm các yếu tố môi trường, khí độc tác động gây ung thư.
– Ngoài ra bạn cũng cần chủ động lập kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc ung thư đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao. Bởi tầm soát ung thư là giải pháp hàng đầu giúp phát hiện sớm ung thư ngay cả khi bệnh chưa gây ra dấu hiệu hay triệu chứng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.