Ung thư da không quá phổ biến tại Việt Nam nhưng nếu chủ quan thì căn bệnh này hoàn toàn có thể đe dọa nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe của chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu 8 dấu hiệu ung thư da dưới đây nhé!
1. Ung thư da và các giai đoạn phát triển
1.1. Hiểu như thế nào về ung thư da?
Ung thư da là hiện tượng các tế bào biểu bì trong cơ thể phát triển lộn xộn không tuân theo trật tự vốn có, từ đó hình thành nên các khối u.
Ung thư da thường có hai dạng:
– Ung thư da hắc tố: mức độ nguy hiểm cao, hiếm gặp phải.
– Ung thư da không kể hắc tố: là dạng thường gặp nhất, gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào đáy.
Đối tượng mắc ung thư da là những người sinh sống ở khu vực gần xích đạo, những nơi có các bức xạ và tia cực tím mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp lên da. Tỉ lệ mắc ung thư da cao nhất là ở người da trắng, tiếp theo là những người da vàng và cuối cùng là người da đen.
Người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có nguy cơ cao mắc ung thư da
1.2. Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư da
Ung thư da phát triển theo 4 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1: Tế bào ung thư chưa lan ra lớp biểu bì hoặc lớp ngoài của da.
– Giai đoạn 2: Tế bào ung thư bắt đầu lan sang lớp da dưới biểu bì, kích thước còn nhỏ dưới 2cm.
– Giai đoạn 3: Kích thước tế bào ung thư ngày càng tăng lên, lớn hơn 2cm nhưng chưa xâm lấn các mô khác.
Giai đoạn 4: Tế bào ung thư có kích thước trên 3cm, đã lan sang các cơ quan khác trên cơ thể như xương hay hạch bạch huyết.
2. Cách nhận biết sớm 8 dấu hiệu ung thư da
Khác với phần lớn các bệnh ung thư khác, một số triệu chứng ung thư da có thể nhận thấy được bằng mắt thường. Cụ thể:
2.1. Da thô ráp, sờ thấy sần sùi và đóng vảy
Hãy cảnh giác nếu trên da xuất hiện các mảng thô ráp và đóng vảy, có màu nâu và dần chuyển sang hồng đậm. Trong trường hợp những dấu hiệu này nằm ở đầu, mặt, hai cánh tay thì bạn nên đi khám sớm. Bởi đây có thể là triệu chứng của căn bệnh dày sừng, được biết đến như một trong những tổn thương tiền ung thư da.
2.2. Da có u tròn như ngọc, trong mờ giống sáp
Bạn cũng có nguy cơ mắc ung thư da nếu phát hiện thấy nốt u tròn trên cơ thể với những đặc điểm sau:
– Hơi mềm, có hình dạng tròn như ngọc
– Trong mờ, hơi có độ bóng giống sáp
– Dễ nhầm lẫn với mụn nhưng ở giữa lõm và không có nhân
Bên cạnh đó, vùng da bị tổn thương cũng dễ chảy máu hoặc nhìn thấy được các tia máu nhỏ gần bề mặt da.
2.3. Tổn thương màu đỏ, sờ thấy rắn chắc cũng có thể là dấu hiệu ung thư da
Ung thư da cũng có thể được nhận biết thông qua những vùng tổn thương có màu đỏ, cứng, dễ lõm hoặc loét ở trung tâm và có xu hướng lan rộng ra xung quanh.
Đặc biệt, khu vực bị loét còn có thể:
– Phát triển thêm 1 vòng mô khác nằm trong khu vực ban đầu
– Phát triển thành một mảng rắn, giòn và có màu khác biệt
– Lâu ngày không lành lại
Thông thường, hiện tượng này hay xảy ra ở mặt, tai và cách tay. Riêng những người da có màu sẫm thì tổn thương có thể phát triển tại những vùng không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
2.4. Da xuất hiện các nốt ruồi có tính chất bất thường
Có thể nói, bất cứ ai trong số chúng ta cũng có một vài nốt ruồi trên cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng nếu các nốt ruồi này có những dấu hiệu bất thường như dưới đây:
– Nốt ruồi dần phát triển thành các đốm nâu thẫm kèm theo các vệt lốm đốm sậm màu.
– Nốt ruồi đột ngột thay đổi kích thước hoặc màu sắc, có thể nhói đau hoặc chảy máu khi chạm vào.
Lúc này, điều bạn nên làm là đến bệnh viện kiểm tra các chỉ số phát hiện ung thư, bao gồm:
– A (Asymmetric): Nốt ruồi méo mó, không đối xứng
– B (Border irregularity): Bờ không đồng đều hoặc lan tràn
– C (Color variegation): Màu sắc không có sự đồng nhất
– D (Diameter): Đường kính > 0,5 cm
– E (Enlargement/Evolution): Nốt ruồi có tính lan rộng hoặc tiến triển
2.5. Tổn thương trên da có màu đỏ, trắng, xanh hoặc xanh đen và không rõ viền
Nếu để ý thấy trên da đột nhiên xuất hiện bất cứ đốm tối màu nào bất thường, chạm vào có cảm giác đau thì bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chính xác. Các vùng da nên được quan sát thường xuyên bao gồm lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay, đầu ngón chân, xung quanh âm đạo và hậu môn.
Cần luôn luôn để ý đến các bất thường trên da để khám chữa kịp thời
2.6. Cảnh giác trước dấu hiệu ung thư da như mụn màu vàng, cứng
Một loại ung thư da hiếm gặp có tên gọi ung thư biểu mô tuyến bã nhờn thường đặc trưng bởi các mụn cứng có màu vàng. Nốt mụn ở dạng này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như đầu, cổ, thân mình hoặc quanh bộ phận sinh dục.
2.7. Các u nhỏ có màu đỏ như thịt tươi hoặc tím bầm
Một u nhỏ có những đặc điểm sau rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da:
– Màu đỏ thẫm, xanh, tím hoặc đỏ như thịt tươi
– Nhìn giống nốt nhọt nhỏ
– Lõm xuống ngay tại trung tâm
2.8. Xuất hiện các mảng hoặc đốm lớn màu đỏ và tím trên da
Các mảng hay đốm lớn màu đỏ và tím nổi lên trên da có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư da Sarcoma Kaposi. Bệnh này rất hiếm gặp và thường chỉ xảy ra ở những người bị HIV/AIDS hoặc đã từng trải qua ghép nội tạng.
Kaposi Sarcoma thường phát triển trong các mạch máu ở da, gây nên các tổn thương hoặc khối u không đau trên mặt hoặc chân.
3. Gợi ý cách phòng ngừa bệnh ung thư da
Để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ mắc phải ung thư da, bạn nên lưu ý một số biện pháp sau:
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
– Sử dụng quần áo dài tay, mũ hoặc kính râm để bảo vệ cơ thể khỏi các tia gây hại từ ánh nắng mặt trời.
– Dùng đúng loại kem chống nắng để ngăn chặn sự hấp thụ của tia cực tím vào da, đồng thời giảm nguy cơ bị tổn thương da do ánh nắng mặt trời.
– Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc có thể gây tác dụng phụ cho da, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
– Khám chuyên khoa da liễu định kỳ hoặc khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ung thư da.
Đội mũ và sử dụng kem chống nắng để ngăn các tia gây hại khi tiếp xúc với ánh nắng
Mong rằng bài viết trên đây đã cung cấp thêm các thông tin hữu ích để bạn có thể nhận biết được các dấu hiệu ung thư da và chủ động bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.