Nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ có thể cứu sống người bệnh trong “gang tấc”. Phòng ngừa đột quỵ là “chìa khóa” để người bệnh không phải gánh chịu những di chứng nặng nề mà đột quỵ gây ra, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Cùng trang bị cho mình những kiến thức về dấu hiệu đột quỵ và cách phòng ngừa ngay trong bài viết dưới đây nhé.
1. Các dấu hiệu đột quỵ bạn cần phải biết
– Tê liệt hoặc yếu ớt.
– Đau đầu (ở một bên cơ thể).
– Nhìn khó khăn ở một hoặc cả hai mắt
– Rối trí (lú lẫn)
– Nói hoặc hiểu lời nói khó khăn
– Buồn nôn hoặc ói mửa xảy ra rất nhanh
– Chóng mặt, mất thăng bằng
– Đi lại khó khăn
– Mệt mỏi đi kèm với với những triệu chứng khác.
Cụ thể hơn, một số tài liệu khác chia các dấu hiệu nhận biết đột quỵ theo từng bộ phận như sau:
1.1 Dấu hiệu đột quỵ thể hiện ở mặt, tay hoặc chân
Bị tê cứng hoặc yếu (thường bị nửa người).
Đột nhiên thấy tê liệt hoặc yếu nửa người có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
1.2 Dấu hiệu đột quỵ biểu hiện ở não
Quẫn trí, rối loạn khả năng giao tiếp hoặc khả năng thông hiểu, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội.
1.3 Dấu hiệu đột quỵ thể biểu hiện ở mắt
Rối loạn thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
1.4 Dạ dày
Nôn mửa (hoặc có cảm giác buồn nôn)
1.5 Cơ thể
Mệt mỏi
1.6 Chân
Đi lại khó khăn.
Mỗi phút giây trong quá trình điều trị đột quỵ đều vô cùng quý giá. Càng được trợ giúp sớm bệnh nhân càng nhanh phục hồi. Vì vậy, nếu thấy người bệnh có bất kỳ dấu hiệu đột quỵ nào trong số những dấu hiệu trên thì hãy nhanh chóng gọi sự trợ giúp y tế (cấp cứu 115) hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất có sơ cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.
2. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?
2.1 Kiểm soát chỉ số huyết áp ở mức ổn định
Tăng huyết áp (huyết áp cao) là một trong những “con đường” dẫn đến đột quỵ hay gặp nhất. Bởi huyết áp cao gây tổn thương đến tim, não và nhiều cơ quan. Do đó, nếu chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường (120/80) thì cần thă khám với bác sĩ ngay để được tư vấn sử dụng thuốc hạ huyết áp, thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện thể dục.
Có đến 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp.
2.2 Không hút thuốc lá, lào
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ não (thuốc lào cũng là một dạng của thuốc lá). Nếu bạn đang hút thuốc, hãy cố gắng từ bỏ thuốc ngay hôm nay, nếu khó quá hãy tìm đến trung tâm cai nghiện thuốc lá. Bởi những tác hại của thuốc lá gây ra không hề nhỏ, chúng tàn phá rất nhiều cơ quan như phổi, tim, não, …
2.3 Hạn chế tối đa bia, rượu
Bạn không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với nữ giới.
2.4 Kiểm soát tốt mức cholesterol
Cholesterol có thể làm tắc nghẽn các động mạch do sự hình thành của các mảng xơ vữa ở thành mạch. Hãy cố gắng tăng lượng cholesterol tốt (HDL – cholesterol) và giảm lượng cholesterol xấu (LDL – cholesterol) <100.
2.5 Tìm hiểu xem bạn có bị rung tâm nhĩ hay không?
Rung tâm nhĩ là rối loạn nhịp tim có thể làm máu đóng cục, gây tắc nghẽn mạch máu lên não dẫn tới đột quỵ nhồi máu não. Việc thăm khám, tầm soát sức khỏe với bác sĩ tim mạch sẽ giúp bạn biết được biết liệu bạn có mắc phải bệnh này không. Nếu bị rung tâm nhĩ, bạn có thể cần uống thuốc để giảm nguy cơ bị khối máu đông, bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bệnh rung tâm nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 4-5 lần.
2.6 Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu cao gây tổn hại đến các mạch máu, có thể dẫn đến hình thành các khối máu đông. Nếu như bạn đang mắc bệnh tiểu đường thì cần uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường và thực hiện theo một kế hoạch ăn uống lành mạnh.
2.7 Theo dõi cân nặng
Dư cân khiến cho cơ thể bị căng thẳng. Hãy lựa chọn những loại thức ăn lành mạnh và thường xuyên hoạt động thể chất. Bạn có thể hỏi y tá hoặc bác sĩ của mình về số cân nặng hợp lý với bạn nên là bao nhiêu, cũng như chế độ ăn, uống thích hợp để tránh tình trạng dư cân, béo phì.
2.8 Không sử dụng các loại chất gây nghiện
Việc sử dụng các loại chất gây nghiện như cocaine và methamphetamine có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đó là vì những loại chất gây nghiện này làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây thương tổn cho các động mạch trong não.
Nếu bạn đang sử dụng các loại chất gây nghiện này, hãy đề nghị sự trợ giúp cai nghiện từ các đơn vị hỗ trợ cai nghiện, điều này là rất cần thiết cho sức khỏe của bạn.
2.9 Luyện tập thể chất phù hợp
Luyện tập vừa phải trong khoảng 30 phút, với các bài tập phù hợp với tình hình sức khỏe của bản thân. Một người cao tuổi không thể áp dụng các bài tập cần nhiều sức nặng như một thanh niên mới 20-30 tuổi. Mặt khác, người có bệnh lý nền khi tập thể dục cũng cần lưu ý lựa chọn các bài tập phù hợp, tránh quá sức. Bởi việc tập luyện quá sức ở những bệnh nhân có bệnh nền sẽ “vô tình” làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ thường xảy ra ở những người cao tuổi, những bài tập cho người cao tuổi có thể như đi bộ, bơi, tập dưỡng sinh, tập yoga, thiền,… nên tập ít nhất 3 lần một tuần.
Người có bệnh nền nên hỏi y tá hoặc bác sĩ của bạn về bài tập luyện khác có thể giúp ích cho bạn trước khi bạn tự ý tập luyện một môn gì đó nhé.
2.10 Chế độ ăn lành mạnh
Hạn chế chất béo, muối và đường tránh những loại thực phẩm có chất béo chuyển hóa và hạn chế chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống.
Chất béo bão hòa có từ các sản phẩm động vật. Hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến, kem và pho mát. Hạn chế đường, tránh nước ngọt.
Nên chọn những loại thực phẩm có lượng natri thấp để duy trì mức huyết áp thấp.
Sử dụng những loại thực phẩm có trên 3 gram chất xơ trong mỗi phần ăn.
Ngoài ra, để xây dựng lối sống lành mạnh phòng chống đột quỵ bạn cũng không nên: thức khuya, sử dụng điện thoại hoặc máy tính quá nhiều, stress căng thẳng trong thời gian dài,…
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.