Là một trong những “cơn ác mộng” đối với bất kì ai, ung thư gan lại không dễ phát hiện như các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lưu ý một số dấu hiệu ung thư gan được nhắc tới trong bài viết dưới đây để đi khám và được điều trị sớm.
1. Khái quát bệnh ung thư gan
Ung thư gan là bệnh lý ác tính ở gan, bao gồm 2 loại là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát:
Ung thư gan nguyên phát
Xảy ra khi các tế bào ở gan phát triển một cách bất thường tạo thành khối u. Khi đó, khối u sẽ lớn dần và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan. Ung thư gan có thể xâm lấn các mô xung quanh và lan ra ngoài gan để di căn tới các cơ quan ở xa.
Ung thư gan nguyên phát thường được phân chia thành 3 loại nhỏ hơn là ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư biểu mô đường mật và ung thư nguyên bào gan.
Ung thư gan thứ phát
Xuất hiện khối u trong gan nhưng có nguồn gốc từ tế bào ung thư ở các bộ phận khác trên cơ thể di căn tới. Những vị trí ung thư di căn gan phổ biến bao gồm vú, phổi, dạ dày, đại tràng, túi mật, tuyến tụy,…
Ung thư gan thứ phát làm hạn chế các chức năng gan như chuyển hóa carbohydrate và chất béo, hỗ trợ chuyển hóa protein, hỗ trợ quá trình đông máu, lọc máu, sản xuất mật,… Điều này sẽ khiến có các tác nhân gây hại dễ ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh.
Khối u sẽ khiến gan bị tổn thương nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hoạt động
2. Dấu hiệu ung thư gan qua các giai đoạn
Giống như các bệnh lý ung thư khác, ung thư gan không biểu hiện thành triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Càng về sau, các dấu hiệu ung thư gan sẽ càng dễ nhận biết hơn.
Theo đó, những dấu hiệu sớm nhất của ung thư gan gồm có:
– Người mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn mửa
– Có cảm giác ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi
– Ăn nhanh thấy no, sau khi ăn xong dễ bị đầy bụng
– Thường xuyên sốt cao mà không rõ nguyên nhân
– Da mặt có dấu hiệu sạm đen dần
– Thượng vị (vùng bụng trên bên phải) xuất hiện cảm giác đau
Ở giai đoạn muộn hơn, ung thư gan có thể được nhận biết thông qua các dấu hiệu như:
– Xuất hiện các cơn đau hạ sườn phải, mức độ tăng dần theo thời gian
– Gan sưng to hoặc sờ thấy khối u ở gan
– Dịch tích tụ trong bụng gây trướng bụng
– Luôn cảm thấy da ngứa ngáy khó chịu
– Da chuyển vàng, niêm mạc và kết mạc mắt cũng dần chuyển vàng
– Nước tiểu có màu sẫm nhưng phân lại nhạt màu
– Chảy máu chân răng hoặc xuất huyết dưới da một cách bất thường
– Cân nặng giảm đột ngột mà không biết nguyên nhân
3. Chẩn đoán và phòng ngừa ung thư gan
3.1. Chẩn đoán ung thư gan ra sao?
Khi nghi ngờ mình mắc ung thư gan, người bệnh cần đi khám để được thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán sau đây:
– Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa thông qua các biểu hiện lâm sàng.
– Chẩn đoán hình ảnh, phát hiện các bất thường ở gan thông qua siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI.
– Xét nghiệm sự tồn tại của các chất chỉ điểm ung thư như AFP, AFP-L3, DCP hay PIVKA II.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào hình ảnh của gan được ghi lại để chấn đoán bệnh
3.2. Có thể chủ động phòng ngừa ung thư gan bằng cách nào?
Hiện nay, ung thư gan được xếp vào loại bệnh nguy hiểm bậc nhất tại Việt Nam. Chính vì vậy, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm. Các cách phòng ngừa ung thư gan nguyên phát hiệu quả nhất có thể kể đến như:
Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B
Bệnh viêm gan B có liên quan rất lớn đến ung thư gan nguyên phát. Những người bị viêm gan B thường là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc hiệu nào điều trị được dứt điểm bệnh viêm gan B. Vì thế, tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B, từ đó phòng ngừa ung thư gan.
Vắc-xin viêm gan B được khuyến cáo tiêm ngay cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh. Còn với người lớn thì bất cứ ai chưa từng nhiễm virus viêm gan B đều nên tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt.
Bất cứ ai cũng nên tiêm vắc-xin viêm gan B
Khám sức khỏe định kỳ để rà soát nguy cơ viêm gan C
Viêm gan C cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, không giống như viêm gan B, hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm gan C.
Do đó, mỗi chúng ta cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ mình bằng cách đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để có thể phát hiện bệnh kịp thời.
Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày
Một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học sẽ giúp cơ thể bạn có đủ dinh dưỡng và khoáng chất để chống lại các tác nhân gây hại.
– Thường xuyên ăn các loại rau xanh và trái cây tươi như cam, quýt, bưởi,…
– Tích cực uống sữa và dùng các chế phẩm từ sữa
– Tạo thói quen uống trà, tốt nhất là sử dụng lá trà tươi
– Không ăn các loại thức ăn ôi thiu, bị mốc, hỏng,…
– Hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa nhiều muối và giàu protein
– Không uổng rượu bia, đồ có cồn và sử dụng các chất kích thích
Tăng cường vận động cơ thể, cân đối thời gian nghỉ ngơi
Chơi thể thao và tập thể dục thường xuyên với một cường độ hợp lý là cách làm hiệu quả để tăng cường sức khỏe của bạn. Ngoài ra, hãy chú ý chăm sóc cả sức khỏe tinh thần, luôn lạc quan và dành thời gian nghỉ ngơi sau khi học tập và làm việc.
Mong là bài viết trên đây đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để có thể ứng phó với căn bệnh ung thư gan. Ngay khi nghi ngờ hay phát hiện các dấu hiệu ung thư gan trên cơ thể mình, hãy chủ động gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.