Nhiều bệnh nhân mắc ung thư đại tràng không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng thông thường xuất hiện khi kích thước khối u lớn, ung thư đại tràng đang phát triển ở các giai đoạn tiến triển. Triệu chứng ung thư đại tràng xuất hiện ở mỗi người bệnh cũng khác nhau phụ thuộc vào kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn của khối u ác tính trong đại tràng.
1. Khái quát về bệnh ung thư đại tràng
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh mà các tế bào trong đại tràng hoặc trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Hầu như tất cả các bệnh ung thư đại trực tràng đều bắt đầu từ các polyp tiền ung thư (tăng trưởng bất thường) trong đại tràng hoặc trực tràng. Polyp như vậy có thể có trong đại tràng trong nhiều năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển. Chúng có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Sàng lọc ung thư đại trực tràng có thể tìm thấy các polyp tiền ung thư để có thể loại bỏ chúng trước khi chuyển thành ung thư. Bằng cách này, ung thư đại trực tràng được ngăn ngừa. Sàng lọc cũng có thể phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, khi việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
Nội soi đại tràng là chìa khóa vàng trong sàng lọc, tầm soát giúp phát hiện ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm
2. Yếu tố thúc đẩy nguy cơ mắc ung thư đại tràng
Nguy cơ mắc ung thư đại tràng tăng lên khi bạn già đi, sở hữu các yếu tố rủi ro như:
– Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng.
– Một hội chứng di truyền như đa polyp tuyến gia đình (FAP) hoặc ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (hội chứng Lynch).
– Bệnh viêm ruột bao gồm: bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng.
Các yếu tố liên quan đến lối sống có thể góp phần làm tăng nguy cơ thúc đẩy hình thành ung thư đại trực tràng bao gồm:
– Lười vận động, hoạt động thể chất thường xuyên.
– Chế độ ăn ít trái cây và rau củ quả.
– Chế độ ăn ít chất xơ giàu chất béo, chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn.
– Thừa cân béo phì.
– Tiêu thụ rượu quá mức.
– Sử dụng thuốc lá.
Lối sống không lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy ung thư đại trực tràng
3. Các triệu chứng gặp ở người bệnh ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức. Trong thực tế, nhiều trong số các triệu chứng ung thư đại tràng cũng có thể do các vấn đề khác gây ra như: Bệnh trĩ, nhiễm trùng, hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột… Điều quan trọng là phải đi kiểm tra nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào sau đây để có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để.
3.1 Triệu chứng của ung thư đại tràng – Có máu trên hoặc trong chất thải
Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn nhận thấy có máu trong phân – phân có màu sẫm hoặc đỏ tươi, hoặc phát hiện thấy máu khi lau sau quá trình đi đại tiện. Máu trong phân không có nghĩa chắc chắn là bạn đã mắc ung thư đại tràng, nhưng đó cũng là một biểu hiện đáng chú ý và cũng là triệu chứng ở người mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
3.2 Những thay đổi dai dẳng trong thói quen đại tiện
Ung thư đại tràng có thể gây ra các tình trạng táo bón, hoặc tiêu chảy kéo dài, hoặc bạn có thể cảm thấy như thể bạn vẫn cần phải đi đại tiện sau khi đi vệ sinh.
Thay đổi trong thói quen đại tiện, cấu tạo phân là những triệu chứng cần quan tâm ở người bệnh ung thư đại tràng
3.3 Triệu chứng của ung thư đại tràng – Đau bụng, đầy bụng
Là hai triệu chứng điển hình của các bệnh lý đường tiêu hóa trong đó có ung thư đại tràng. Do đó, không nên chủ quan, hãy chủ động đi thăm khám khi nhận thấy có những cơn đau bụng bất thường hoặc thường xuyên, đau nhiều. Hay tình trạng đầy bụng của bạn kéo dài hơn một tuần, và thậm chí tiếp tục kéo dài trở nên tệ hơn hoặc bạn có các triệu chứng kèm theo khác như nôn ói, có máu trong hoặc trên phân.
3.4 Nôn ói
Ung thư đại tràng có thể gây nôn mửa định kỳ hoặc nôn nhiều trong 24 giờ. Nếu bạn có gặp tình trạng này mà không rõ nguyên do, hãy nhanh chóng đi thăm khám, kiểm tra với bác sĩ chuyên khoa.
3.5 Các triệu chứng liên quan đến sức khỏe chung
– Sụt cân không rõ nguyên nhân: Đây là triệu chứng sụt giảm đáng kể trọng lượng cơ thể của bạn ngay cả khi bạn không cố gắng giảm cân.
– Mệt mỏi và cảm thấy khó thở: Đây là hệ lụy của các triệu chứng chảy máu ở ung thư đại tràng, từ đó gây thiếu máu dẫn đến các tình trạng cơ thể mệt mỏi, yếu sức, xanh xao.
4. Nên làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng?
Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng là sàng lọc ung thư đại trực tràng thường xuyên, bắt đầu từ tuổi 45, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) khuyến cáo.
Tuy nhiên, bạn có thể cần được kiểm tra sớm hơn 45 tuổi hoặc thường xuyên hơn những người khác, nếu bạn có:
– Bệnh viêm ruột bao gồm: Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
– Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng.
– Một hội chứng di truyền như đa polyp tuyến gia đình (FAP) hoặc ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (hội chứng Lynch).
Các chuyên gia y tế cũng khuyến nghị một chế độ ăn ít chất béo động vật và nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, đồng thời tăng cường hoạt động thể chất, giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu và tránh thuốc lá để giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Ung thư đại trực tràng thường không gây ra các dấu hiệu hoặc biểu hiện cho đến khi nó phát triển hoặc lan rộng. Đó là lý do tại sao tốt nhất bạn nên xét nghiệm ung thư đại trực tràng trước khi có bất kỳ triệu chứng ung thư đại tràng nghi ngờ nào. Ung thư đại trực tràng được phát hiện sớm thông qua sàng lọc, trước khi bạn có biểu hiện, có thể dễ điều trị hơn. Sàng lọc thậm chí có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư đại trực tràng bằng cách tìm và loại bỏ các khối u tiền ung thư được gọi là polyp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết đ
ể đảm bảo an toàn cho sức khỏe.