Ung thư đường ruột nói chung rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường khiến người bệnh chủ quan và chỉ đi khám khi bệnh đã đến giai đoạn muộn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết sớm những triệu chứng ung thư đường ruột để có thể chủ động làm các xét nghiệm chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
1. Nhận biết các triệu chứng ung thư đường ruột
Ung thư đường ruột bao gồm ung thư ở những vị trí và cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, điển hình nhất là dạ dày, thực quản, đại trực tràng và hậu môn.
Mỗi vị trí ung thư lại có thể gây ra những triệu chứng khác nhau trên cơ thể người bệnh, cụ thể như sau:
1.1. Ung thư dạ dày
Các triệu chứng ung thư đường ruột biểu hiện ở dạ dày gồm:
– Cảm thấy vùng thượng vị đau tức
– Ăn không thấy ngon
– Buồn nôn và nôn ói
– Ợ chua, ợ nóng
– Đại tiện ra phân có màu đen
– Đột ngột giảm nhiều cân mà không rõ lý do
1.2. Ung thư thực quản
Với ung thư thực quản, người bệnh sẽ có các triệu chứng liên quan tới vùng cổ họng như:
– Khó nuốt, thấy vướng víu trong họng
– Họng đau rát, khàn giọng
– Ợ nóng nhiều
– Thường xuyên cảm thấy buồn nôn và ói mửa
– Xuất hiện các cơn đau ở phía sau xương ức
– Cân nặng sụt giảm
1.3. Ung thư đại trực tràng
Nếu ung thư đường ruột xuất hiện ở đại trực tràng, người bệnh sẽ gặp phải những vấn đề về rối loạn tiêu hóa và rối loạn đại tiện như:
– Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài không khỏi
– Bụng trướng đầy, không tiêu
– Đi ngoài có lẫn máu
– Kích thước phân thay đổi khác lạ
– Luôn thấy mình mệt mỏi và không có sức
– Cân nặng giảm đột ngột
1.4. Ung thư hậu môn
Triệu chứng ung thư phổ biến nhất ở hậu môn chính là tình trạng da sần sùi, hậu môn ngứa rát và sờ thấy cục u. Tương tự như các bệnh ung thư ruột khác, ung thư hậu môn cũng khiến người bệnh giảm cân nhanh chóng mà không thể kiểm soát được.
Đặc điểm chung của những người mắc ung thư đường ruột là cân nặng giảm rất nhanh
2. Phương pháp chẩn đoán sớm các bệnh ung thư đường ruột
Ngay khi nghi ngờ những triệu chứng ung thư đường ruột, người bệnh cần đến các cơ sở y tế khám ngay để được làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Thông thường, danh mục tầm soát ung thư đường ruột sẽ bao gồm:
Khám lâm sàng
Bác sĩ khám tổng quát và thăm hỏi về triệu chứng cũng như tiền sử của người bệnh.
Thăm khám lâm sàng luôn là bước đầu tiên để chẩn đoán ung thư đường ruột
Chẩn đoán hình ảnh
Dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp X quang, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để phát hiện tổn thương và chẩn đoán chi tiết hơn về tình trạng bệnh.
Nội soi dạ dày, đại tràng
Đây là phương pháp chẩn đoán có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và đánh giá khối u ở đường ruột. Camera siêu nhỏ gắn ở đầu ống nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát và chụp lại những vị trí bất thường trong dạ dày, đại trực tràng và hậu môn.
Hiện nay, việc nội soi đã có thể được tiến hành rất nhanh gọn và không gây khó chịu cho người bệnh
Các xét nghiệm cần thiết khác
– Xét nghiệm vi khuẩn HP: Sự tồn tại của vi khuẩn HP trong đường ruột có thể gây ra nhiều bệnh về tiêu hóa, trong đó có ung thư.
– Xét nghiệm máu lẫn trong phân: Máu lẫn trong phân có thể đến từ nhiều nguyên nhân như viêm loét đại trực tràng, trĩ, polyp và ung thư.
– Xét nghiệm dấu ấn ung thư: CEA, CA 19-9, CA 72-4, Pepsinogen,…
– Sinh thiết tế bào: Nếu kết quả nội soi và chẩn đoán hình ảnh phát hiện ra những tổn thương bất thường trong đường ruột, người bệnh sẽ được chỉ định chọc sinh thiết để lấy mẫu tế bào. Mẫu tế bào nghi ngờ này sẽ được mang đi xét nghiệm để khẳng định tế bào đó là lành tính hay ác tính.
3. Có thể phòng ngừa ung thư đường ruột không?
Ung thư đường ruột hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bạn thực hiện theo những khuyến cáo sau:
Ăn uống khoa học, lành mạnh
– Tích cực ăn nhiều loại rau xanh và trái cây
– Giảm tiêu thụ chất béo có hại cho cơ thể
– Hạn chế ăn các loại thực phẩm có vị chua cay nóng
– Hạn chế các đồ chiên rán, đồ nướng, xông khói và thức ăn chế biến sẵn
– Tránh xa rượu bia và đồ uống có chứa cồn, thuốc lá và các chất kích thích
Xây dựng lối sống lành mạnh
– Tích cực vận động và tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày
– Tránh ngồi ì một chỗ, sử dụng điện thoại và máy tính quá lâu
Tầm soát ung thư định kỳ
Ngay cả khi không phát hiện triệu chứng ung thư đường ruột nào thì bạn cũng nên thực hiện tầm soát ung thư định kỳ hàng năm. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều nếu không may bạn mắc bệnh, nhất là với những đối tượng nguy cơ cao như:
– Người ở trong độ tuổi từ 45 trở lên.
– Người có người thân trong gia đình từng mắc các bệnh lý về đường ruột, có polyp đại trực tràng hay từng mắc ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng,…
– Người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, đại trực tràng hay hậu môn.
– Người thường xuyên gặp vấn đề về đại tiện như táo bón, phân lẫn máu,…
– Người thường xuyên uống rượu bia, hút và hít phải khói thuốc lá, sử dụng các chất kích thích.
Mong là những thông tin trên đây sẽ hữu ích với bạn, chúc bạn luôn giữ được một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.