Sa sút trí tuệ là một trong những nỗi sợ của người cao tuổi. Bởi trí nhớ ngày càng giảm sút, mất dần trí nhớ không hồi phục, tính cách cũng có sự thay đổi và dần phải phụ thuộc vào người khác. Cùng nhận các biểu hiện sa sút trí tuệ trong bài viết dưới đây.
1. Nhận diện những dấu hiệu ban đầu của sa sút trí tuệ
Trước tiên chúng tôi muốn khẳng định lại điều này: sa sút trí tuệ là một hội chứng được gây ra bởi nhiều bệnh. Những căn bệnh gây nên chứng sa sút trí tuệ tiến triển dần dần, nên những dấu hiệu ban đầu của bệnh sa sút trí tuệ rất nhẹ và có thể không nhận biết được ngay.
Những triệu chứng ban đầu cũng tùy thuộc vào loại bệnh sa sút trí tuệ và mỗi người bệnh lại rất khác nhau.
Những triệu chứng thông thường ban đầu bao gồm:
– Trở ngại về trí nhớ, đặc biệt là nhớ lại các sự việc mới xảy ra
– Nhầm lẫn ngày càng tăng
– Khả năng tập trung bị suy giảm
– Cá tính và hành vi thay đổi.
– Thờ ơ và thu mình lại hoặc trầm cảm.
– Mất khả năng thực hiện những công việc hàng ngày.
Vì các biểu hiện này thường diễn biến trong một thời gian dài, nên nhiều người không nhận thức được hoặc phớt lờ bỏ qua. Họ lầm tưởng rằng cách cư xử của bản thân là điều bình thường trong tiến trình lão hoá. Hoặc có khi những triệu chứng này phát triển một cách từ từ và không được để ý tới trong một thời gian dài.
Đôi khi người ta có thể từ chối không chịu hành động ngay cả khi họ biết rằng đang có điều gì không ổn. Đối với người đang bị các triệu chứng này, chính bản chất của những thay đổi bên trong não của họ có thể hàm ý là bản thân họ không nhận ra được rằng đã có những thay đổi.
Suy giảm trí nhớ là dấu hiệu ban đầu và điển hình nhất của sa sút trí tuệ.
2. Những dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ
Để nhận diện sớm sa sút trí tuệ, dưới đây là một danh sách kiểm tra những triệu chứng thông thường. Bạn hãy đọc qua danh sách này và đánh dấu những triệu chứng hiện đang có. Nếu bạn thấy có càng nhiều những triệu chứng này, nên đi thăm khám với bác sĩ sớm để được đánh giá đầy đủ.
2.1 Mất trí nhớ làm ảnh hưởng đến chức năng hàng ngày
Việc thỉnh thoảng quên các cuộc hẹn hay số điện thoại của bạn bè và sau đó mới nhớ ra là một điều bình thường. Người bị bệnh sa sút trí tuệ có thể quên các sự việc thường xuyên hơn hoặc không nhớ một chút nào.
2.2 Thấy khó làm những công việc quen thuộc
Đôi lúc người ta có thể bị phân tâm và họ có thể quên không dọn một món nào đó trong bữa ăn. Người bị bệnh sa sút trí tuệ có thể gặp trở ngại với mọi bước liên quan trong khi chuẩn bị bữa ăn.
2.3 Lẫn lộn về thời gian và nơi chốn
Một người bị sa sút trí tuệ có thể thấy khó tìm đường đến một nơi quen thuộc, hoặc cảm thấy bối rối về vị trí hiện nay của họ, hoặc nghĩ rằng họ đang sống tại một thời điểm quá khứ trong đời họ.
2.4 Trở ngại về ngôn ngữ
Đôi lúc tất cả mọi người đều cảm thấy khó tìm một từ ngữ thích hợp, những người bị bệnh sa sút trí tuệ có thể quên cả những từ ngữ đơn giản, hay dùng những từ ngữ không thích hợp để thay thế, khiến cho câu nói của họ trở nên khó hiểu. Họ cũng có thể thấy khó hiểu người khác.
2.5 Trở ngại về tư duy trừu tượng
Quản lý tài chính có thể là điều khó khăn đối với bất cứ ai, nhưng người mắc bệnh sa sút trí tuệ có thể thấy khó hiểu ý nghĩa của những con số hoặc phải làm gì với những con số đó.
2.6 Khả năng phán đoán kém hoặc bị suy giảm
Nhiều hoạt động đòi hỏi khả năng phán đoán tốt. Khi khả năng này bị bệnh sa sút trí tuệ ảnh hưởng, người bệnh có thể thấy khó đưa ra quyết định phù hợp, chẳng hạn như phải mặc đồ gì khi trời lạnh.
2.7 Trở ngại về các kỹ năng không gian
Người bị bệnh sa sút trí tuệ có thể cảm thấy khó ước tính khoảng cách hay xác định phương hướng khi lái xe.
2.8 Trở ngại về việc để quên đồ đạc ở đâu đó
Bất kỳ người nào cũng có thể nhất thời để quên ví hay chìa khóa ở đâu đó. Người bị bệnh sa sút trí tuệ có thể thường để đồ đạc ở những nơi không thích hợp.
2.9 Thay đổi tâm trạng, cá tính hoặc hành vi
Tất cả mọi người đều có lúc cảm thấy buồn bã hay ủ rũ. Người bị bệnh sa sút trí tuệ có thể biểu lộ sự thay đổi tâm trạng rất nhanh mà không có lý do rõ ràng. Họ có thể cảm thấy lẫn lộn, hoài nghi hay thu mình lại. Có người lại trở nên không bị ức chế hoặc cởi mở hơn.
2.10 Mất sáng kiến
Việc cảm thấy chán một số hoạt động là điều bình thường. Tuy nhiên, bệnh sa sút trí tuệ có thể khiến cho một người mất hứng thú với những hoạt động mà trước đó họ rất thích.
Những dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ.
3. Chẩn đoán sa sút trí tuệ
Khám lâm sàng với bác sĩ để tìm hiểu về tình trạng bệnh lý, bệnh sử gia đình, các loại thuốc nào đang sử dụng, các vấn đề về trí nhớ – tư duy – hành vi gây lo ngại.
Khám thể chất nhằm đánh giá các giác quan và chức năng vận động, cũng như các chức năng tim và phổi để loại trừ các bệnh khác cũng có biểu hiện tương tự.
Xét nghiệm máu và nước tiểu, giúp xác định những chứng bệnh có thể xảy ra và nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp đặc biệt có thể phải chọc dò tủy sống để lấy mẫu dịch tủy sống làm xét nghiệm.
Khám và điều trị sa sút trí tuệ tại Chuyên khoa Nội thần kinh của Thu Cúc TCI.
Chụp hình não bằng chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI. Chụp hình não – có một số xét nghiệm chụp hình nhất định khảo sát cấu trúc não bộ và được sử dụng để loại trừ trường hợp khối u hoặc máu đông trong não là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cũng như để phát hiện các mô hình tổn thất mô não qua đó có thể phân biệt các loại bệnh sa sút trí tuệ. Các xét nghiệm chụp hình khác xem xét mức độ hoạt động của các vùng não bộ nhất định và cũng có thể giúp phân biệt được các loại bệnh sa sút trí tuệ. • Đánh giá tâm thần – để xác định các rối loạn có thể điều trị được như trầm cảm, và để quản lý bất kỳ triệu chứng tâm thần nào như lo âu hay ảo tưởng có thể xảy ra kèm với sa sút trí tuệ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.