Bệnh mạch vành là một bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và cả các nước trên thế giới. Bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử. Vậy những biểu hiện của bệnh mạch vành nào có thể phát hiện từ sớm? Cùng tìm hiểu ngay bài viết dưới đây.
1. Thế nào là bệnh mạch vành?
Bệnh mạch vành là tình trạng một hay nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp lại, dòng máu lưu thông qua đây bị cản trở do những mảng xơ vữa hình thành và tích tụ ở trong mạch máu.
Thành động mạch trong cơ thể ban đầu vốn dĩ rất mềm mại và có tính đàn hồi nhưng dần trở nên xơ cứng, lòng mạch cũng chật hẹp hơn do sự xuất hiện của các mảng bám theo thời gian. Các mảng xơ vữa này được hình thành chủ yếu từ cholesterol và một số chất khác trong máu dễ bám lên thành mạch.
Khi bệnh trở nên nặng hơn, máu sẽ lưu thông kém và ngày một khó khăn. Khi đó, cơ tim không nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết để để co bóp và duy trì sự sống. Hậu quả là các cơn đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim dễ xảy ra. Nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim là do các cục máu đông di chuyển tới khu vực động mạch bị hẹp và gây tắc nghẽn mạch máu, chặn đi nguồn cung cấp máu cho tim và gây tổn thương vĩnh viễn.
Ngoài nguy cơ gây nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành cũng khiến tim phải làm việc mệt nhọc hơn để có thể cung cấp đủ máu đi nuôi dưỡng cơ thể và duy trì sự sống. Điều này sẽ khiến tim ngày một suy yếu hơn và dẫn đến nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim. Đây là những biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành.
Các bệnh mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng gây suy tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim
2. Biểu hiện của bệnh mạch vành cần lưu ý
Ở giai đoạn đầu các triệu chứng của bệnh mạch vành thường rất mơ hồ và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó “lắng nghe” cơ thể mình, bạn có thể nhận ra căn bệnh này thông qua một số biểu hiện từ sớm.
2.1 Đau thắt ngực là biểu hiện của bệnh mạch vành điển hình
Đau thắt ngực là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh mạch vành. Đau thắt ngực thường đau dữ dội, người bệnh có cảm giác như ngực bị bóp chặt, đè nén. Cơn đau tập trung nhiều nhất ở bên phía ngực trái, có thể lan ra cổ, lưng, vai, cánh tay và sẽ thuyên giảm sau vài phút. Nếu cơn đau thắt ngực kéo dài trên 20 phút, rất có thể đây là hội chứng mạch vành cấp hoặc báo hiệu cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm.
Cơn đau thắt ngực được chia thành 2 dạng là cơn đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đau thắt ngực ổn định có tính phổ biến hơn, thường xuyên xuất hiện khi người bệnh vận động quá sức, bị tâm lý (căng thẳng, quá vui, buồn) hoặc khi thời tiết trở lạnh hay ăn quá no… Cơn đau này sẽ thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc dãn mạch.
Ngược lại, cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi hay đang ngủ mà không hề có bất cứ dấu hiệu nào báo trước. Nguy hiểm hơn, cơn đau này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim nên cần phải được xử lý càng nhanh càng tốt.
2.2 Khó thở, thở không ra hơi
Việc giảm lượng máu tới cơ tim sẽ làm giảm khả năng co bóp của tim. Khi đó máu bị ứ lại tại phổi sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó thở hơn, thở gấp và thở không ra hơi, biểu hiện rõ nhất là khi bạn hoạt động gắng sức hoặc căng thẳng thần kinh.
Trong một số trường hợp, tình trạng khó thở không biểu hiện rõ ràng mà chỉ đơn giản khiến bạn cảm thấy chân tay rã rời, không muốn cử động hay làm việc. Nếu bạn bị thở gấp ngay cả khi đi bộ, làm vườn hay làm việc vặt trong nhà thì rất có thể bệnh mạch vành đỡ trở nặng hơn thành suy tim.
Người bị bệnh mạch vành thường có triệu chứng khó thở, đau thắt ngực
2.3 Chóng mặt, mệt mỏi, toát mồ hôi lạnh
Một trong những biểu hiện rất hay gặp của bệnh mạch vành, thường xuất hiện khi người bệnh hoạt động gắng sức (bê vác vật nặng, leo cầu thang…) là cảm giác mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng. Những triệu chứng này xuất hiện chung với tình trạng chóng mặt, choáng váng.
Đổ mồ hôi cũng là biểu hiện từ sớm của bệnh mạch vành tim. Khi bị đau, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích thích và gây đổ mồ hôi lạnh. Nếu những triệu chứng này xuất hiện kèm cơn đau thắt ngực, khó thở thì người bệnh mạch vành cần đặc biệt chú ý. Bởi rất có thể đây là tín hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim đang đến gần.
2.4 Đầy bụng, buồn nôn, ợ nóng biểu hiện của bệnh mạch vành dễ nhầm lẫn
Các triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn với bệnh dạ dày. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành.
Những triệu chứng này thường xuất hiện sau bữa ăn quá no hoặc có nhiều chất béo, chất đạm và có thể tăng nặng hơn khi người bệnh vận động ngay sau khi ăn. Nguyên nhân là do lưu lượng máu qua động mạch vành bị giảm khiến máu đến hệ tiêu hóa cũng bị giảm theo. Chính điều này làm cho các loại thức ăn không được tiêu hóa đúng cách và gây ra cảm giác khó chịu.
2.5 Đánh trống ngực, tim đập bất thường
Người bệnh có thể nghe rõ tiếng tim đập nhanh và mạnh, kèm theo đó là hiện tượng hồi hộp, run rẩy, bồn chồn. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến rung thất, đây là loại rối loạn nhịp tim cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong trong vòng vài phút nếu tim không được kích hoạt bằng máy khử rung nhịp tim.
3. Những ai dễ mắc bệnh mạch vành?
Yếu tố về tuổi tác và tiểu sử gia đình là những nguyên nhân khá phổ biến gây ra bệnh mạch vành. Thông thường, những người mắc bệnh mạch vành chủ yếu là nam giới và ở độ tuổi 50, còn đối với nữ giới là trên 55 tuổi. Ở độ tuổi càng cao, bệnh mạch vành sẽ càng dễ xuất hiện.
Thông thường nam giới sẽ là những người có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn so với nữ giới, nhưng những người phụ nữ sau giai đoạn tiền mãn kinh lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới. Không chỉ vậy, bệnh còn có thể xuất hiện ở những người mắc bệnh cao huyết áp, béo phì, đái tháo đường và rối loạn mỡ máu.
Những người thừa cân, béo phì, mỡ máu hay tiểu đường thường dễ mắc các bệnh lý mạch vành
4. Làm thế nào để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh mạch vành?
Việc thay đổi những thói quen xấu và xây dựng lối sống lành mạnh chính là yếu tố giúp phòng ngừa và giảm nhẹ căn bệnh này. Các chuyên gia tim mạch khuyên bạn nên:
– Ngưng hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc nhiều
– Hạn chế sử dụng rượu bia và đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, nước tăng lực
– Hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, muối, ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại hạt
– Tập thể dục thể thao hàng ngày với các bài tập phù hợp thể trạng bản thân
– Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo, thăm khám định kỳ để được phát hiện và điều trị kịp thời
– Xây dựng lối sống tích cực, vui vẻ, lạc quan, sắp xếp thời gian làm việc phù hợp, tránh căng thẳng quá mức
Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế việc chẩn đoán và điều trị y khoa. Bởi vậy, khi có các dấu hiệu sớm của bệnh mạch vành, đặc biệt khi thuộc trong những đối tượng nguy cơ thì bạn nên thăm khám sớm tại chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp nhất.
Tóm lại, bệnh mạch vành là căn bệnh nguy hiểm cần phải điều trị sớm. Hãy luôn “lắng nghe” cơ thể mình để nhận biết các biểu hiện của bệnh mạch vành. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện và ngăn chặn bệnh diễn tiến xấu hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.