Thiếu máu cơ tim ở người trẻ là bệnh ngày càng phổ biến khiến rất nhiều người ở độ tuổi chưa đến 40 đã phải nhập viện vì bị biến chứng nhồi máu cơ tim cấp, đe dọa tính mạng. Thiếu máu cơ tim xảy ra ở người trẻ do những nguyên nhân nào và biện pháp điều trị, phòng tránh ra sao?
1. Thiếu máu cơ tim ở người trẻ là gì?
Thiếu máu cơ tim là hiện tượng giảm lượng máu đến nuôi dưỡng, khiến cơ tim không được nhận đủ máu và oxy để hoạt động, gây rối loạn hoạt động của tim. Bệnh xảy ra khi các động mạch máu nuôi tim bị thu hẹp.
Trước đây, thiếu máu cơ tim thường xảy ra chủ yếu ở những người trung và cao tuổi, từ 45 tuổi trở lên. Nhưng càng ngày càng có nhiều người trẻ dưới 40 tuổi phát hiện bị thiếu máu cơ tim, thậm chí phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp tính.
Thiếu máu cơ tim ngày càng phổ biến ở những người trẻ dưới 40 tuổi.
2. Người trẻ bị thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?
Thiếu máu cơ tim ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng rất nguy hiểm. Trong đó, mức độ nguy hiểm do nhồi máu cơ tim ở người trẻ được đánh giá cao hơn. Nguyên nhân là do những người trẻ tuổi thường chủ quan và chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe. Họ thường bỏ qua các dấu hiệu thiếu máu, dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Nếu không phát hiện và có phương pháp điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng và biến chứng thành các bệnh lý nghiêm trọng hơn như: suy tim, rối loạn nhịp tim. Nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim – tình trạng động mạch vành bị tắc hẹp hoàn toàn khiến cơ tim hoại tử và chết đi do không có máu tới nuôi dưỡng. Người bệnh thường tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nếu có được xử lý kịp thì người bệnh cũng phải đối mặt với nguy cơ tàn phế và di chứng nặng nề. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là khả năng lao động và làm việc của người trẻ.
Nghiên cứu tại Mỹ trên 1.000 ca đột tử ở người trẻ cho thấy có tới 20 – 51% nam và 6 – 10% nữ độ tuổi 35 – 54 bị đột tử là do nhồi máu cơ tim.
3. Nguyên nhân thiếu máu cơ tim ở nhưng người trẻ tuổi
Ở người lớn tuổi, nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu cơ tim cục bộ là do các mảng xơ vữa mạch vành hình thành và tiến triển chậm rãi trong thời gian dài. Ngoài ra, cơ tim có thể bị thiếu máu do co thắt mạch vành, bệnh cầu cơ mạch vành…
Trong khi đó, ở những người trẻ, xơ vữa động mạch đang xuất hiện ngày càng nhiều chủ yếu do các nguyên nhân đến từ lối sống:
3.1 Stress liên tục là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu cơ tim ở người trẻ
Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc, cuộc sống khiến nhiều người trẻ cảm thấy căng thẳng, stress thường xuyên. Căng thẳng kéo dài sẽ có thể gây ra các cơn đau thắt ngực, loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.
Công việc căng thẳng và những áp lực trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu máu cơ tim ở người trẻ
3.2 Thừa cân, béo phì
Chế độ ăn thiếu lành mạnh như thường xuyên những món ăn nhanh, ăn không đúng bữa, bỏ bữa, thường xuyên ăn đêm…kèm theo thói quen lười vận động là một trong những yếu tố nguy cơ gây thiếu máu và nhồi máu cơ tim ở người trẻ.
Khi chất béo trong cơ thể tăng quá mức có thể tăng tích tụ cholesterol, gây xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiếu máu cơ tim.
3.3 Sử dụng các chất kích thích
Bia rượu, cà phê, nước có gas được những người trẻ tiêu thụ mỗi ngày là nguyên nhân khiến họ sớm mắc phải các bệnh lý tim mạch, trong đó có thiếu máu cơ tim. Đặc biệt, nếu sử dụng thuốc lá thường xuyên, chất cocain trong thuốc lá có thể tích tụ có thể gây ra tình trạng xơ vữa động mạch.
3.4 Các nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim ở người trẻ khác
Chỉ có khoảng 20% trường hợp thiếu máu cơ tim ở những người trẻ tuổi không liên quan đến xơ vữa mà do nguyên nhân khác. Đây chính là điểm khác biệt khác lớn nhất giữa nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim người già và người trẻ.
Các nguyên nhân khác đó gồm:
– Các bất thường bẩm sinh ở mạch vành
– Rối loạn mô liên kết
– Viêm động mạch vành
– Chấn thương ngực
– Các bệnh tự miễn
– Các hội chứng gây tăng đông máu như hội chứng Hughes, hội chứng thận hư,…
4. Dấu hiệu cảnh báo
Nhìn chung, triệu chứng thiếu máu cơ tim người già và người trẻ thường không khác nhau nhiều. Tuy nhiên người trẻ thường xuyên vận động mạnh nên các dấu hiệu thường xuất hiện sớm hơn. Nếu lưu tâm, những người trẻ tuổi có thể phát hiện sớm được tình trạng thiếu máu cơ tim qua những dấu hiệu sau:
– Đau tức, khó chịu ở vùng ngực, lan ra hàm, cổ, vai, cánh tay
– Tim đập nhanh hoặc không đều, nhất là khi gắng sức
– Khó thở thường xuyên, nhất là về đêm
– Toát mồ hôi lạnh
– Thường xuyên mệt mỏi
– Da tái nhợt
Khi có những dấu hiệu cảnh báo, đặc biệt khi những biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim cấp như đau thắt ngực dữ dội, đau như có vật đè nặng, ép chặt ở ngực, đau kéo dài trên 15 phút, không giảm khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn mạch, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử lý sớm.
Việc nắm bắt và nhận biết sớm các dấu hiệu thiếu máu cơ tim là vô cùng quan trọng giúp người bệnh có thêm nhiều cơ hội để bảo toàn mạng sống. Tuy nhiên, đa phần người trẻ sẽ chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu bất thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Chủ động theo dõi sức khỏe, không chủ quan trước bất kỳ dấu hiệu nào là biện pháp giúp người trẻ phòng tránh nhồi máu cơ tim.
5. Phòng ngừa thiếu máu cơ tim ở người trẻ
Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân chủ yếu khiến những người trẻ tuổi bị thiếu máu cơ tim là do lối sống. Bởi vậy, thay đổi lối sống là điều bạn cần làm để phòng ngừa căn bệnh này. Các biện pháp được các chuyên gia tim mạch đưa ra gồm:
– Ăn uống lành mạnh: hạn chế đồ ăn nhanh, các chất béo, đồ chiên rán; tăng cường hoa quả, rau xanh, các loại hạt…
– Hạn chế các chất kích thích có hại như thuốc lá, rượu bia, cà phê,…
– Tập luyện thường xuyên bao gồm giải lao giữa giờ làm việc, tập luyện các môn thể thao vừa sức.
Đặc biệt, đừng quên đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các bất thường.
Qua những thông tin trên đây, có thể thấy thiếu máu cơ tim đang trở thành mối nguy lớn đối với những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, thiếu máu cơ tim ở người trẻ hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng sự chủ động và nhạy bén của người bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.